Lời đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặt trời buổi sớm hắt tia nắng non đầu ngày lên những phiến đá xanh rêu. Thảm rêu trùm kín khiến cả phiến đá trở biếc. Từng giọt nước li ti đọng trên đầu các ngọn rêu được ánh nắng trời chiếu rọi khúc xạ thành vô số những mảnh cầu vồng bé xíu. Ngàn năm triệu năm, những phiến đá nằm lặng im như thế, với vẻ đẹp của sự thâm trầm mang đầy dấu vết thời gian.
Lời của đá là lời của lặng im. Giữa bốn bề đá núi, chỉ nghe thanh âm của cỏ lá khẽ cựa mình xác xao trong gió. Đá lớn đá bé, đá mẹ đá con chen chúc trong một trật tự vững chãi. Những thân đá lặng nằm nhìn mưa nắng, nhìn cỏ cây hoa lá reo vui, nhìn mây trời bốn mùa thản nhiên bềnh bồng vấn vít với mình. Cần bao nhiêu thời gian của sự biến thiên để tự nhiên tác tạo nên trăm ngàn những hình hài của đá? Nơi thì như những thạch trụ chống trời xếp vòng trong vòng ngoài, lớp này lớp khác, rất trật tự và ngăn nắp. Chỗ lại vương vãi như một trận địa hỗn độn. Nơi như người phụ nữ ôm con ngóng chồng. Chỗ lại như nam thanh nữ tú tình tự bên nhau… Con người cứ thế dựa vào hình hài của đá mà đặt tên cho chúng. Trái đất này có bao nhiêu đời đá có tên và bao nhiêu những đời đá khác người ta chỉ gọi chung chung là đá?
Từ khi xuất hiện sự sống loài người thì đá đã gắn bó với người. Thứ công cụ đầu tiên con người sáng tạo ra để phục vụ đời sống của mình là đá. Đá dùng làm vũ khí tự vệ, săn bắt; đá dùng để chặt, đào, ghè, đẽo; đá còn dùng để làm ra lửa sưởi ấm cho bao nhiêu kỷ đã qua. Chẳng bao giờ đá tự mình cất lời, cho đến khi con người làm ra máy móc để xác minh tuổi đá. Đá lại như nói giúp những niên kỷ đã dằng dặc trôi qua về sự sống tồn tại dưới những mái đá, trong những hang sâu. Từ thuở nào đó, khi đá đã giúp con người làm ra của cải, được ăn no mặc ấm thì con người lại nghĩ ra việc dùng đá chế tác thành những vật trang sức để làm đẹp cho mình, rồi dùng đá dựng xây nên những công trình kỳ vĩ. Những nét chữ đầu tiên mà loài người còn ghi dấu là ở trên những vách đá, giúp cho người đời sau vén bức màn ẩn sâu trong quá khứ, giải mã được lịch sử cha ông mình. Lặng im như đá mà ôm trong lòng nó bao nhiêu là câu chuyện.
Lời của đá là lời của sự nhẫn nại. Hãy ngồi lại và quan sát cái hốc đá khum khum như lòng một bàn tay ôm giữ vốc đất vừa đủ chỗ để gieo vào một hạt bắp. Cái lòng tay đá ấy nhẫn nại giữ gìn cái vốc đất ấy trong suốt một mùa vụ, cho đến khi cây bắp đã tận hiến hết đời mình. Cái lòng tay đá ấy chẳng khác gì tấm lòng một người mẹ, vun đắp và chở che những mùa vụ cho đời. Hãy thử nhìn những viên đá cuội với dáng hình tròn trịa đẹp đẽ. Chúng đã mất bao nhiêu thời gian chịu đựng những va đập, tự mài mòn mình đi để có được vẻ tròn trịa hoàn hảo của một viên cuội? Cũng tựa như thế. Bao lâu để tự nhiên tạo tác một tảng đá xù xì thành hình thù dáng khối để người ta phải liên tưởng rồi gọi tên thành Vọng Phu, Trống Mái, Gà Chọi, Núi Đôi?… Bao lâu để những khối đá vô tri trở thành những kỳ quan khiến người người thích thú? Những lớp đá nằm im lìm trong lòng đất, dưới đáy biển đã nhẫn nại làm phần “nền móng” vững chắc góp mặt vào sự sống của vạn vật. Trăm ngàn con sông con suối đêm ngày luồn lách qua những khe đá để đem về nguồn nước mát lành. Bao đời người trôi qua vẫn thấy những đời đá mang trong mình những truyền thuyết, nhẫn nại im lìm trong nắng gió và mây trời.
Nghĩ đến đá là nghĩ đến sự trầm ngâm, vững chãi, lặng lẽ và nhẫn nại. Đá chỉ cất lời khi hòa quyện vào đời sống của nước tạo thành tiếng róc rách suối khe. Đá chỉ cất lời thành những giai âm trầm bổng dưới đôi tay của người nghệ sĩ khi đã chịu đựng sự gọt giũa thành một thứ nhạc cụ giản dị và mộc mạc. Trăm năm triệu năm, những phiến đá mãi trầm ngâm lặng lẽ xếp chồng lên nhau thành núi thành đồi, nằm lặng bên nhau thành ghềnh thành thác, thành tường thành lũy. Lặng lẽ vô tri giữa cuộc đời, nhưng đá đã trở thành một phần không thể thiếu để kiến tạo nên sự sống.
Tôi đang ở trên một cao nguyên, mà gần như nhìn chỗ nào cũng có thể chạm vào đá. Một bình minh vừa ló rạng trên những ngọn cây, tôi nghe những thanh âm ầm ào của thác nước từ trên cao dội xuống, vọng vào núi rừng. Chợt bên tai tôi như vẳng lên những giọt đàn đá trong trẻo, tựa hồ tiếng những giọt nước đang long tong nhảy nhót từ vòm mái hang đua ra vách núi, lại tựa hồ tiếng dòng suối dưới kia rí rách luồn qua những khe đá, xuôi về phía mát lành.
ĐÀO AN DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.