Loạn tên gọi 'giá, phí, tiền', Bộ GTVT nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi nhà đầu tư BOT giao thông đường bộ, chuyên gia đều góp ý Bộ GTVT nên để tên gọi là trạm thu phí, thay vì đổi thành trạm thu tiền; vì sao Tổng cục Đường bộ vẫn xây dựng dự thảo trình Bộ GTVT như vậy?
Năm 2018, khi đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá”, Bộ GTVT đã vấp phải phản ứng nên đã trả lại tên cũ. Ảnh: Phạm Thanh
Năm 2018, khi đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá”, Bộ GTVT đã vấp phải phản ứng nên đã trả lại tên cũ. Ảnh: Phạm Thanh
Dự thảo “biến mất”    
Như Tiền Phong đã đưa tin, Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến công khai Dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ. Dự thảo này nhằm thay thế Thông tư 49/2016 về trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Lập tức, bản dự thảo thông tư trên đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận. Thậm chí, trong chiều 8/5, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT đã không còn bản dự thảo trên đã đưa lên lấy ý kiến trước đó. 
Chiều 8/5, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) - đơn vị trình dự thảo thông tư trên cho biết, dự thảo là văn bản dưới luật, nên khi ban hành phải phù hợp luật. Theo đó, Luật Giá đã quy định về giá dịch vụ sử dụng đường bộ, nhưng khi để giá lại bị nhiều dư luận nên nay đề xuất đổi sang thu tiền. “Dự thảo mới đưa ra để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, để mỗi người có góp ý đứng trên các khía cạnh khác nhau. Sau khi đã lắng nghe các ý kiến đầy đủ, đơn vị soạn thảo sẽ giải trình, tiếp thu các đề xuất phù hợp, không phải nhất thiết sẽ ban hành như dự thảo.
Việc để tên trạm thu phí cũng không vướng gì, nhưng văn bản ban hành theo Luật Giá nên phải thống nhất với luật. Còn về bản chất, nội hàm các quy định không thay đổi, còn 9 người 10 ý không thể nói sẽ thống nhất hết được. Các nhà đầu tư BOT giao thông cũng không phải đổi lại bảng biểu, tên gọi của các trạm thu phí thành trạm thu tiền, ông Điệp nói.
Cũng theo ông Điệp, vụ của ông chỉ là đơn vị trình và lấy ý kiến, còn đơn vị soạn thảo là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Dù vậy, theo vị này, ông không rõ vì sao bản dự thảo trên lại không còn trên website của Bộ GTVT.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, đơn vị này đã nghiên cứu và cân nhắc tên gọi về trạm thu phí, để phù hợp với Luật Giá. Trước đây, đường bộ đầu tư bằng ngân sách và thu phí, nhưng nay chỉ thu phí với đường do tư nhân đầu tư, và khoản này được quy định trong Luật Giá. “Dù là tên thu phí, hay thu giá đều là thu tiền, nên đưa ra khái niệm về trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ. Còn phí chỉ áp dụng với các dịch vụ công do nhà nước cung cấp và quy định, nên cũng không thể để là phí. Do đó, Bộ GTVT không thể ban hành văn bản dưới luật lại khác với luật. Không chỉ với đường bộ, hiện các dịch vụ về hàng không, cảng biển trước đây là phí đã được đổi tên thành giá”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. Vị này cũng khẳng định quy định mới không bắt buộc phải đổi tên các trạm, in lại vé… nên không phát sinh thêm chi phí.
Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ để hỏi về đề xuất trong dự thảo, nhưng không nhận được câu trả lời chính thức đủ rõ ràng nào.
Không nên đổi tên
Khi được hỏi về khái niệm mới là “Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”, chính một số nhà đầu tư BOT giao thông cũng nói: “Trạm thu phí sẽ nghe xuôi hơn trạm thu tiền”. Dù về bản chất vẫn là thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ. Do đó, các nhà đầu tư này đề nghị vẫn giữ tên gọi là trạm thu phí, và giải thích rõ trong định nghĩa của thông tư: “Trạm thu phí BOT là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”.
Tương tự, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, Bộ GTVT nên giữ tên gọi thu phí đường bộ, vì nó cũng không làm thay đổi bản chất chủ phương tiện phải trả tiền khi sử dụng dịch vụ. Theo ông Dũng, có thể Bộ GTVT muốn tránh dùng từ phí, vì nó phải tuân thủ các quy định của Luật phí và Lệ phí (dùng cho các dịch vụ công, mức phí do nhà nước quy định). Trong khi, phí sử dụng dịch vụ đường bộ là phần trả cho doanh nghiệp cung cấp, thay đổi theo hợp đồng BOT. “Dù vậy, phí vẫn là thuật ngữ chính xác nhất, nếu có dùng các từ khác cũng chỉ là đánh tráo khái niệm. Còn nếu vướng, Bộ GTVT nên báo cáo Chính phủ và Quốc hội để sửa luật”, ông Dũng nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, có thể do vướng quy định của Luật Phí và Lệ phí cũng như Luật Giá, nên Bộ GTVT vẫn loanh quanh với đặt tên mới cho các trạm thu phí. “Nếu văn bản dưới luật để tên là phí thì lại vướng Luật Phí và Lệ phí, còn để giá lại bị phản đối như trước đây. Có lẽ vì vậy nên Bộ GTVT đề xuất đổi sang trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ. Từ thu tiền cũng có nghĩa hơn là từ thu giá nghe buồn cười như trước đây”, một chuyên gia ngôn ngữ thuộc trường Đại học KHXH&NV Hà Nội nêu ý kiến. Ngoài ra, theo chuyên gia này, do Luật Phí và Lệ phí mặc định các khoản thu có tên gọi phí và lệ phí là áp dụng với dịch vụ công, do nhà nước quy định. Trong khi, trên thực tế có nhiều dịch vụ tư nhân cung cấp cũng có thể gọi là phí hoặc lệ phí. Tuy vậy, theo ông, vẫn nên để là trạm thu phí vì Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói về vấn đề này. Đồng thời, Bộ GTVT có thể kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi các luật cho phù hợp.

Theo Dự thảo của Bộ GTVT, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trước đó, đầu năm 2018, “trạm thu giá” được Bộ GTVT sử dụng để thay cho tên gọi “trạm thu phí”.

Đổi thành “trạm thu tiền”, chỉ gây thêm bức xúc dư luận
Ngày 8/5, tại phiên họp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đại biểu đề nghị xem lại tính hợp pháp và lẽ công bằng trong việc đặt các trạm BOT. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ chia sẻ khi đi tiếp xúc cử tri ở An Giang, người dân rất bức xúc về việc đặt các trạm thu phí BOT. Trước việc Bộ GTVT định đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”, ông đề nghị đừng đổi, vì điều này chỉ gây thêm bức xúc trong dư luận. Thay vào đó, đại biểu đề nghị cần xem lại tính hợp pháp và lẽ công bằng cho việc đặt các trạm BOT. 
Ủy viên Thường trực Nguyễn Mai Bộ cho rằng, các trạm BOT là nơi xảy ra trực tiếp các vụ việc gần như liên quan đến quốc phòng - an ninh, chứ không chỉ là tình hình trật tự an toàn xã hội thông thường. Nếu không được xử lý sớm, để trở thành tình huống quốc phòng - an ninh thực sự, thì lúc đó sẽ giải quyết ra sao? Cũng liên quan đến BOT, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nêu chất vấn: Năm 2019, liệu Bộ GTVT có tham mưu được cho Chính phủ về việc thu phí không dừng hay không?
Giải đáp những vấn đề liên quan đến BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thời gian qua, Bộ đã tiếp 125 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các bộ ngành, đặc biệt là đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện có 118 kết luận, Bộ GTVT đang thực hiện các kết luận thanh tra đó. 
“Còn những bất cập chúng tôi tiếp tục xử lý. Chúng tôi đã rà soát tổng thể các vấn đề về kết cấu, sửa chữa… theo các kết luận thanh tra. Tuy nhiên việc thực hiện các kết luận thanh tra không thể trong ngày một ngày hai được”, ông Nhật cho biết. Với thu phí không dừng, theo lãnh đạo Bộ GTVT, đến hết 2019 phải xong chứ không thể chậm hơn nữa. Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định gửi tất cả các trạm, nếu trạm nào mà không thực hiện thì dừng, không cho thu nữa. (Thành Nam)
LÊ HỮU VIỆT

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...