"Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia"- Đó là một tinh thần mới, một kết luận súc tích, rõ ràng, một khẳng định chắc chắn của Ban chấp hành Trung ương (khóa XIII) trong nghị quyết về nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
36 năm đổi mới, lĩnh vực nông nghiệp là mảng thành công nhất, dù rằng được đầu tư ít nhất, bảo hộ mậu dịch thấp nhất, cơ sở hạ tầng phát triển sau nhất, tài nguyên nông thôn bị rút ra cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhiều nhất…
Nhưng lạ thay, nông nghiệp lại tăng trưởng ổn định và đều nhất, có thặng dư trước nhất và đưa đất nước thành cường quốc xuất khẩu nông sản, đem lại thế và lực mới về mặt kinh tế, tài chính, thương mại và mở đường Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu. Nên vậy, nông nghiệp là lợi thế của quốc gia. Lợi thế ấy, cũng từ nông dân mà có, từ nông dân mà làm nên!
"Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia"- Đó là một tinh thần mới, một kết luận súc tích, rõ ràng, một khẳng định chắc chắn của Ban chấp hành Trung ương (khóa XIII) trong nghị quyết về nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Từ nay, vị trí của "nông dân" được đổi. Đổi từ đứng giữa "tam nông" lên đứng trước "nông nghiệp", "nông thôn". Sự chuyển đổi đó, không chỉ là yêu cầu trong đường hướng lãnh đạo mà còn là sự lựa chọn, sự đòi hỏi gắt gao, sự hối thúc thay đổi tự thân của người nông dân và tổ chức Hội nông dân cho ngang tầm với nhiệm vụ, nắm bắt được cơ hội, để "mượn sóng đẩy thuyển ra khơi".
Trong những năm qua, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhiều mô hình nông nghiệp của hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được thành lập và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng. Ảnh: MN |
Bước chuyển cơ bản nhất lúc này là đột phá về tổ chức nông dân, khơi sức phát triển từ thế mạnh nông nghiệp cho đất nước làm giàu. Để đến được đích ấy, việc cần làm ngay khi Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành là thể chế hóa, trao quyền đích thực cho nông dân và tổ chức Hội nông dân với nguyên nghĩa: Chủ thể là bộ phận chính, giữ vai trò chủ đạo; trung tâm là nơi trọng yếu, tập hợp hoặc phối hợp nhiều hoạt động, có những ảnh hưởng và tác dụng lan tỏa từ đó. Nếu một khi chậm cụ thể hóa bằng văn bản, xuê xoa về nội dung, thiếu sự bảo trợ bằng pháp luật thì nghị quyết khó vào cuộc cuộc sống và "cây đời" thiếu sức sinh sôi.
Tổ chức kinh tế của nông dân là HTX, tổ chức chính trị- xã hội của nông dân là Hội Nông dân. Hội của nông dân tập trung các thành viên là nông dân tham gia sản xuất, có mục tiêu bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ nông dân, do nông dân đóng góp hoạt động. Đồng thời, những giá trị tăng thêm của nông sản xuất khẩu cần được phân phối trở lại cho Hội hoạt động và hỗ trợ thông tin, đào tạo nông dân.
HTX nông nghiệp là của nông dân, do nông dân trực tiếp bầu ra người lãnh đạo. HTX đảm nhiệm dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, lo tiêu thụ nông sản đầu ra và tiến đến cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống nông dân. Các tổ chức này mang tính cộng đồng, lấy phục vụ hộ nông dân làm mục đích, không phải là cánh tay nối dài của nhà nước, cũng không phải doanh nghiệp đi theo mục tiêu lợi nhuận của thị trường.
Chủ tịch Hồ Chí minh nhắn nhủ: "Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh" là một triết lý "tam nông", khơi nguồn khát vọng khi đương thời và lúc mai sau.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thời làm cách mạng, bị tù đày – Người vượt lên ngọn núi cao, để "Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non". Mới ra tù, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại tập leo núi để "Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa". Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần leo núi, đứng trên đỉnh cao của núi và tiếp tục để lại cảm hứng trong thơ ca: "Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai".
Từ xưa tới nay, cảm hứng núi cao, là cảm hứng kỳ vĩ của con người, của tầm vóc vượt lên chiều kích thức bình thường từ non thiêng Yên Tử đến thanh khiết Côn Sơn, Trần Thánh Tông và Nguyễn Trãi cũng vậy! Là những dấu ấn lớn lao trong lịch sử. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự biến cải sâu đậm lịch sử Việt Nam hiện đại.
Sau này, nước láng giềng thời cải cách mở cửa, có những bộ trưởng đã cùng nhau leo lên núi Lang Nha, tỉnh An Huy (liên quan đến Âu Dương Tu - người có lập trường cải cách thời xưa) để cùng nhau đề thơ ngâm vịnh, tỏ rõ hùng tâm, tráng khí trong cảm xúc cải cách đất nước.
Việt Nam đất nước thân yêu, đã một thời được thế giới vinh danh trong phong trào giải phóng dân tộc và ngày nay là sự ngưỡng mộ về xuất khẩu nông sản. Nhưng Việt Nam vẫn còn bên này dốc của đỉnh vinh quang "Dân giàu nước mạnh". Nhân dân đang chờ trông, những nhân tài có cảm hứng lớn làm nên những cuộc đổi thay lớn, mang tầm núi sông để làm nên những thay đổi long trời lở đất, ghi danh Việt Nam vào bản đồ nước mạnh, dân giàu, xã hội phồn vinh.
Những người hoài nghi nói rằng, cân đẩu vân là chuyện hoang đường, làm gì có chuyện đứng trên mây. Nhưng bậc hiền triết, những bậc vì Dân thì giản dị, con người không thể đứng trên mây, nhưng cứ leo lên đỉnh núi thì chắc chắn mây sẽ dưới chân mình.
Theo Hoàng Trọng Thủy (Dân Việt)