Làng Mơ Hra-Đáp gắn ẩm thực với du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Du lịch trải nghiệm ẩm thực đang trở thành xu hướng của thế giới. Khi thưởng thức các món ăn và tìm hiểu cách chế biến gắn với những câu chuyện kể về lịch sử hình thành ẩm thực, du khách có thêm những trải nghiệm về văn hóa của điểm đến: làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Khi thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch ở tỉnh Gia Lai”, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đã đề xuất mô hình “Trải nghiệm ẩm thực gắn với du lịch cộng đồng” tại làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Mô hình này tuân thủ nguyên tắc về khai thác du lịch dựa trên tính nguyên gốc của văn hóa bản địa, hạn chế tối đa những tác động của thương mại hóa khi người dân tham gia dịch vụ du lịch.
Dưới sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, vài năm trở lại đây, dân làng Mơ Hra-Đáp đã bắt đầu biết làm du lịch. Làng đã thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng và các nhóm gồm: ẩm thực, mây tre đan, thổ cẩm, tiếp khách, văn nghệ. Đặc biệt, nhóm ẩm thực với 7 thành viên đã phân chia nhiệm vụ cụ thể khi có khách như: người đi hái rau rừng, người bắt ốc, bắt cá, làm bánh, nướng gà, cơm lam…
Du khách thích thú khi thưởng thức ẩm thực trong không gian văn hóa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Du khách thích thú khi thưởng thức ẩm thực trong không gian văn hóa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ tháng 6-2022 đến nay, làng đã đón 3 đoàn với trên 200 khách. Du khách đến làng Mơ Hra-Đáp được trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ngay trên chính vùng đất di sản. Ngoài ra, du khách còn được nghe già làng kể chuyện, xem phụ nữ dệt vải, đàn ông đan lát. Sau khi du ngoạn khám phá không gian làng, tận hưởng cuộc sống yên bình của làng quê, được tiếp xúc gặp gỡ những con người chân chất, mộc mạc, du khách còn có trải nghiệm thú vị, đó là thưởng thức những món ăn truyền thống của người Bahnar do chính những chủ nhân mến khách tự tay chế biến. Chị Đinh Thị Văn-Tổ phó Tổ ẩm thực-cho biết: “Từ khi có sự hướng dẫn làm du lịch của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, bà con đã nấu ăn ngon hơn, trang trí món ăn đẹp hơn. Ngoài các món truyền thống, chúng tôi còn nấu nhiều món khác như: cá suối nướng, ốc xào lá mì, tép đùm lá chuối, canh ốc, đọt mây nướng, bánh khoai mì… Hầu như món nào cũng được khách khen ngon nên chúng tôi rất vui”.
Ẩm thực truyền thống phục vụ du khách tại làng Mơ Hra. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ẩm thực truyền thống phục vụ du khách tại làng Mơ Hra-Đáp. Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Hoạt động du lịch cộng đồng của làng diễn ra khá bài bản. Người dân được hướng dẫn đưa đón mỗi khi có khách đến trải nghiệm. Việc khai thác ẩm thực gắn với du lịch cộng đồng tại làng là đúng đắn và khả thi nhằm hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng, tăng sức hấp dẫn thu hút khách. Đây có thể làm cơ sở nhân rộng ra cho các làng khác học tập, ứng dụng, là việc hữu ích và cần thiết hiện nay để phát triển du lịch Gia Lai.
Mặc dù mô hình khai thác “Ẩm thực gắn với du lịch cộng đồng” mới bước đầu hình thành ở làng Mơ Hra-Đáp trong điều kiện còn thiếu nhiều dịch vụ như homestay và một số hoạt động trải nghiệm đồng áng, nhưng thiết nghĩ, đây sẽ là một trong những mô hình tiêu biểu góp phần thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 về “Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền”.
PHAN NGỌC DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.