Lần “xuất ngoại” đầu tiên trong đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tôi vừa có chuyến trở lại Chư Prông, xuyên qua thị trấn, lên Ia Lâu, Ia Mơr, đường thênh thênh, ô tô phóng vèo vèo. Trên xe, tôi kể cho mấy đồng nghiệp trẻ về chuyến đi, cũng trên cung đường này gần... 40 năm trước.

Cuối năm 1984, 3 năm sau khi lên Pleiku nhận công tác, tôi lang thang ở huyện Chư Prông, chính xác là ở làng Bak (xã Ia Phìn)-ngôi làng nổi tiếng trong huyện này bởi có những con người lạ kỳ và câu chuyện cũng lạ kỳ thì gặp chị Rơ Lan H'Bình-Chủ tịch UBND huyện. Chị bảo, mai chị đi 2 xã Ia Mơr và Ia Lâu, rồi lên đồn Biên phòng chúc Tết, có đi cùng không? Tôi mừng quýnh. Nghe tên 2 xã này từ lâu nhưng chưa biết cách nào để vào, bởi đường đi hết sức trần ai, phương tiện không có, vả lại còn FULRO nữa.

Một góc làng Bak (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) hôm nay. Ảnh: Phương Linh

Một góc làng Bak (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) hôm nay. Ảnh: Phương Linh

Mùa khô. Chư Prông là vùng đặc trưng đất đỏ bazan. Gió ù ù thổi và bụi đỏ bay mù trời. Hầu như không ai dám mặc quần áo sáng màu, đi xe máy, xe đạp thì mặc áo mưa kín mít dù... trời không mưa, người cứ như một cây bụi rừng rực đỏ. Mờ mờ sáng, chúng tôi khởi hành, chiếc U oát chở 7 người, chưa kể lương thực và đồ dùng mang theo. Lái xe có 1 khẩu AK để ngay bên ghế lái. Theo thông tin anh em ở huyện cho biết, anh lái xe là người kỳ cựu, tài năng mọi nhẽ, từ chuyện lái xe như múa, sửa xe giỏi, nhớ đường như robot tới xử lý các tình huống phát sinh.

Rừng khộp mùa khô đẹp mê người. Trên xe, mọi người rì rầm nói chuyện, tôi lặng lẽ ngắm rừng khộp ban mai. Hồi ấy, tôi vẫn tưởng khộp là một loại cây nên từng làm bài thơ có câu “những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng”, mãi sau mới biết, nó là một loại rừng nghèo. Nghèo nhưng vẫn là rừng với tất cả tiêu chí của rừng như nhiều tầng, nhiều loại động-thực vật sinh sống. Và, quan trọng nữa, cũng sau này tôi mới biết, nó làm chức năng điều tiết môi trường.

Bụi đỏ ngập bánh xe. Anh tài xế xoay kính lật cho mở chứ không đóng và giải thích: Như thế, bụi vào rồi ra chứ không thì nó đóng tảng trong xe. Xe U oát khác xe bây giờ, có cánh cửa nhỏ để lật, và về cơ bản nó hở thông thống từ sàn, từ capo chứ không kín mít như xe đời mới. Muốn mát thì tài xế độ thêm cái quạt nhỏ gắn bên cạnh vô lăng, quay vù vù để xua bụi nhưng mặt mũi, quần áo ai cũng đỏ quạch.

Bỗng xe gằn lên rồi dừng lại. Sa lầy rồi-tài xế kêu lên và nhảy xuống. Lâu nay, tôi mới chỉ thấy xe sa lầy vào mùa mưa, bánh xe quay tít trong bùn. Giờ xe mắc lầy giữa mùa khô, bánh xe cũng quay tít trong... bụi. Thì ra, cái đường sống trâu, bụi phủ bằng lì, gầm xe mắc vào cái sống trâu ấy, còn bánh thì “bơi” trong cái rãnh đầy bụi. Trên xe ngày ấy luôn có xẻng, dao và chiếu để xử lý sự cố. Chiếu để trải dưới gầm xe, lái xe bò vào ngửa mặt lên sửa, còn xẻng để cứu xe bị sa lầy, dao để chặt cây. Chúng tôi xúm vào chặt cây thả xuống rãnh cho bánh xe bám, còn lái xe thì bạt bớt sống trâu cho bánh xe chạm đất. Trong lúc chúng tôi loay hoay thì chị Bình đứng ngó ra xung quanh, một lúc chị kêu lên: “Mình sang đất Campuchia rồi”. Mọi người, nhất là tôi, giật mình. Còn anh lái xe lại reo lên, may quá, thế gần đây có cái suối, mình tới đấy... nấu cơm ăn.

Rừng miên man, đường chằng chịt, là đường mòn, xe cứ thế bò, chỉ những người như chị Bình và lái xe mới biết hướng mà đi. Sau thì chị bảo, căn hướng thôi chứ có đường đâu, cứ chỗ nào lách được là đi thôi. Thế nên, lạc cũng không có gì lạ.

Thăm 2 làng sát biên và chúc Tết đồn Biên phòng xong, chúng tôi về. Khi về, chúng tôi đi đường khác. Chiều đẹp mê hồn. Mặt trời vàng và đất đỏ. Những cây dầu cao vút, cỏ lau vươn cả vào cửa xe. Thi thoảng gặp một con thỏ rừng ngơ ngác giữa đường, hoặc một con nai nhún mình phóng vèo qua đường.

Chiếc U oát chất 12 người vì có thêm mấy người đi nhờ về thị trấn, riêng ghế trước là 3 người, gồm chị Bình, tôi và một người nữa. Thò tay ra ngoài cái miếng kính lật đặc trưng của xe U oát để giữ cho gió lọt vào trong xe, tay tôi bị cỏ lau cứa rất xót. Chính lúc ấy, tôi thấy một cái cổ vằn vện nhô lên sát đường, ngay sát xe ô tô. Lái xe cũng nhìn thấy, anh thắng kít lại. Chúng tôi bàng hoàng nhìn 1 con hổ rất lớn lững thững qua đường. Bóng tối bắt đầu loang trên đường càng làm bật lên cái màu vàng đen trắng xen kẽ của lông hổ. Chưa bao giờ tôi thấy một con hổ đẹp và uy dũng đến như thế...

Ấn tượng của tôi với Tây Nguyên là từ con hổ lững thững trong chiều cuối năm huyện biên giới Chư Prông ấy và lần “đi lạc” sang đất Campuchia, chuyến “xuất ngoại” đầu tiên trong đời.

Có thể bạn quan tâm

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.