(GLO)- Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, những năm qua, ngành Tuyên giáo tỉnh Gia Lai luôn phấn đấu làm tốt nhiệm vụ được giao trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thái Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban đã đề ra nhiều giải pháp góp phần tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, chú trọng công tác nghiên cứu quán triệt, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền cổ vũ toàn Đảng và toàn dân thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ảnh: Thanh Nhật |
Đồng thời, tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần cùng các cấp và ngành chức năng giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tiễn, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân…”.
Sau Đại hội XI của Đảng và Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết trên lĩnh vực công tác tuyên giáo, đồng thời hướng dẫn Ban Tuyên giáo các Huyện, Thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc cụ thể hóa chương trình thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, tăng cường củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ của Ban và cán bộ ngành Tuyên giáo. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200/222 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Tuyên giáo. Ban đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Ban Tuyên giáo các Huyện, Thị, Thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện mới được điều động, luân chuyển sau Đại hội Đảng, tập huấn cho các cộng tác viên dư luận xã hội, đồng thời phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị cho các giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức ở các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện và các Đảng ủy trực thuộc, mở lớp bồi dưỡng cho gần 200 cán bộ Tuyên giáo xã, phường, thị trấn.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giao ban công tác báo chí. Ảnh: T.N |
Công tác chỉ đạo và triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc. Việc kiểm tra, giám sát triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết được tăng cường, tạo sự chuyển biến tích cực và đồng thuận của nhân dân. Ngoài việc tham mưu cho cấp ủy tổ chức 8 lượt hội nghị cán bộ toàn tỉnh đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, Ban đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho hơn 400 cán bộ chủ chốt của tỉnh, đồng thời chỉ đạo hệ thống ngành Tuyên giáo toàn tỉnh triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết theo đúng kế hoạch.
Qua đó gắn với tuyên truyền công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thông tri chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tham mưu thành lập bộ phận giúp việc, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên bộ phận giúp việc Tỉnh ủy.
Đồng thời, biên soạn cuốn “Sổ tay làm theo gương Bác”, cũng như hướng dẫn nội dung trọng tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các Đảng bộ trực thuộc, tổ chức tuyên dương và trao Huy hiệu Bác Hồ cho các gương người tốt việc tốt, đồng thời xuất bản 1.100 cuốn sách “Người tốt, việc tốt làm theo gương Bác”. Việc thực hiện làm theo gương Bác được thể hiện rõ nét hơn trong cán bộ, đảng viên, ở các lĩnh vực, tạo niềm tin và sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Ảnh: Thanh Nhật |
Ban đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức 87 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 8.197 học viên tham gia, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 200 cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp huyện và cơ sở. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 06-CT/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử phong trào, lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương” làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị triển khai.
Đồng thời, đã tham gia hướng dẫn, góp ý và thẩm định nội dung biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Chư Sê, Chư Pah, Ia Pa, Kông Chro, Đak Đoa, Đức Cơ, lịch sử phong trào công nhân Bàu Cạn (huyện Chư Prông), lịch sử truyền thống anh hùng cách mạng xã Tơ Tung (huyện Kbang), lịch sử đảng bộ xã Ia Phí (huyện Chư Pah) và xã Cửu An (thị xã An Khê)...
Có thể khẳng định, thành quả đạt được của ngành Tuyên giáo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của tỉnh nhà.
Thanh Nhật