Làm giàu từ nuôi 'thảo trùng đại dương'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc khai thác quá mức sá sùng, một loại sinh vật biển trong tự nhiên đã khiến nguồn lợi thủy sản này cạn kiệt. Tuy nhiên, quy trình nghiên cứu nhân giống sá sùng nhân tạo vừa được triển khai thành công sẽ giúp người dân có thêm cơ hội để phát triển kinh tế.
"Thảo trùng đại dương" giá bạc triệu
Sá sùng là một loài hải sản với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo mỗi vùng miền như giun sao, ruột cát, giun biển, sâu đất, địa sâm... và cả nhân sâm biển. Sá sùng thuộc ngành giun, thường sống ở những vùng biển bùn cát dọc theo bãi biển. Chúng thường xuất hiện khi thủy triều lên, cho tới khi thủy triều xuống thì lại nấp trong các khe cát dưới đáy biển có độ sâu từ 10 - 30 m. Sá sùng là một loài vô cùng nhạy cảm với môi trường, chúng không thể sống được ở bất cứ môi trường nào đã bị ô nhiễm. Trong dân gian cái tên sá sùng ít được biết đến hơn bào ngư, hải sâm nhưng giá trị dinh dưỡng, hương vị và giá trị y tế của nó không hề kém so với những loài hải sản quý hiếm khác, bởi thế nên sá sùng còn được mệnh danh là "thảo trùng đại dương".

Sá sùng trong tự nhiên được mệnh danh là
Sá sùng trong tự nhiên được mệnh danh là "thảo trùng đại dương". Ảnh: Quang Thuần
Theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc Gia TP.HCM), thịt sá sùng chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại axit amin trong đó có 8 loại không thể thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người, có tác dụng rất tốt trong chữa và điều trị bệnh theo đông y. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều kênh phân phối sản phẩm sá sùng, Sá sùng tươi đã làm sạch giá 790.000 đồng/kg; sá sùng tươi nguyên con chưa làm sạch giá 590.000 đồng/kg. Trong khi đó sá sùng khô thì có khá nhiều phẩm loại và giá cả, phổ biến ở mức 800.000 - 1,6 triệu đồng/kg.
Ông Nguyễn Bá Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Đặc Sản Việt Nam (DASAVINA) cho biết: "Sá sùng lại là món đặc sản thơm ngon và đem lại giá trị dinh dưỡng rất cao cho người thưởng thức. Sá sùng còn có thể ngâm rượu thành một phương thức chữa bệnh hiệu quả, đặc biệt là tác dụng chữa bệnh ở nam giới. Sá sùng khô có giá cao hơn nhiều bởi để có 1 kg sá sùng khô phải dùng đến 10 - 11 kg sá sùng tươi. Tuy nhiên, các loại sá sùng khô có giá dưới 1,5 triệu đồng đa số là dùng để nấu phở, nấu canh cho ngọt nước. Loại sá sùng khô thượng hạng thì giá trị phải đến 4 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm khan hiếm, giá lên đến 5 triệu đồng/kg".
Thiên nhiên cạn kiệt, trông chờ giống nhân tạo
Ở nước ta, sá sùng được khai thác ở vùng biển Đông Bắc, một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa và vùng biển Cần Giờ (TP.HCM). Do giá trị kinh tế cao, việc khai thác trong tự nhiên kéo dài nhiều thập kỷ nên dẫn đến tình trạng loài thủy sản này cạn kiệt dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn không giảm sút. Ông Trần Ngọc Quới, một thương lái thu mua sá sùng biển cho biết: "Giá sá sùng hiện nay đã tăng rất mạnh, nếu 10 năm trước giá sá sùng tươi là 160.000 đồng/kg và khô khoảng 2,2 triệu đồng/kg thì hiện nay đã tăng gấp đôi, nhưng cung không đủ cầu".
Việc nhân giống sá sùng thực ra đã được cả ngư dân tự tìm tòi mày mò và các đơn vị nghiên cứu khoa học triển khai từ nhiều năm nay nhưng kết quả chưa thật sự chắc chắn, tỷ lệ thất bại còn nhiều. Chính vì vậy nguồn cung trên thị trường chưa được cải thiện, nhiều người tiêu dùng chưa từng được ăn qua món sá sùng chế biến, thậm chí là chưa từng nghe đến tên gọi.

Sá sùng khô loại 1 trên thị trường có giá đến 4 triệu đồng/kg. Ảnh: Quang Thuần
Sá sùng khô loại 1 trên thị trường có giá đến 4 triệu đồng/kg. Ảnh: Quang Thuần
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tiến sĩ Thái Ngọc Chiến - Trưởng phòng Nghiên cứu khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu thành công đề án và chuyển giao công nghệ, hiện nay nhiều địa phương đã sản xuất giống và nuôi thành công sá sùng thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa. Mô hình nuôi kết hợp giữa tôm thẻ chân trắng với sá sùng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế và môi trường nhờ quá trình ăn mùn bã hữu cơ đáy của sá sùng sẽ làm giảm đáng kể lượng mùn bã hữu cơ, phân và thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm. Hơn nữa, sá sùng có khả năng thích nghi rộng và khả năng chịu biến thiên độ mặn lớn từ 25 - 32‰, sống vùi trong nền đáy và sử dụng thức ăn là sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ. Với đặc điểm sinh học này, sá sùng hoàn toàn có thể nuôi ghép với tôm thẻ chân trắng".
Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, quy trình sản xuất giống sá sùng cũng tương đối giống như các quy trình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua, ngao… Con giống bố mẹ sá sùng được lấy từ nguồn giống tự nhiên ở Vạn Ninh và Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đây là nguồn giống sá sùng nước mặn. Theo dự kiến, từ năm 2021 - 2022 dự án của Viện sẽ sản xuất 3 đợt giống sá sùng với tổng sản lượng sá sùng giống là 600.000 con. Đến nay đã sản xuất thành công 2 đợt, với số lượng sá sùng bố mẹ là 1.000 kg và tạo ra khoảng 420.000 con sá sùng giống đạt kích thước từ 1,5 - 2 cm, sá sùng giống khỏe mạnh đạt chất lượng để nuôi thương phẩm. Đây là tiền đề để phát triển nghề nuôi sá sùng phát triển mạnh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Theo Quang Thuần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.