Những hình ảnh ấy không khó thấy khi nó diễn ra rất nhiều ở các bệnh viện, trên các diễn đàng ở Facebook, Zalo… trên cả nước. Nhưng cũng có những người vì tiền mà khiến người khác rùng mình. Đó là kiểu làm giàu bất chấp đạo đức, coi thường pháp luật và xem nhẹ sức khỏe con người. Họ- những người chọn con đường làm giàu bất nhẫn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại… bị phát hiện và xử lý. Những “thực phẩm diệu kỳ” qua quảng cáo đã được lực lượng chức năng bóc trần, để lộ những bàn tay trục lợi vô lương tâm.
Gần đây nhất là vụ Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog bị khởi tố vì tham gia quảng bá cho sản phẩm kẹo Kera-một loại kẹo bị nghi ngờ không rõ nguồn gốc, chất lượng kém nhưng lại được tiếp thị rầm rộ với đủ thứ công dụng thần kỳ. Trong đó, cái tên Quang Linh khiến nhiều người thất vọng, vì anh từng được yêu mến bởi các hoạt động thiện nguyện ở châu Phi, với hình ảnh giản dị và tử tế.

"Chúng tôi đau lòng trường hợp của Quang Linh Vlog gần đây vướng vòng lao lý. Em ấy làm được nhiều việc tốt nhưng thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phải chịu trách nhiệm hình sự, rất đáng tiếc. Chúng tôi ước ao em ấy hiểu biết pháp luật hơn để tránh được hậu quả đau lòng như thế này"-Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do bày tỏ.
Bản thân tôi khi được tiếp nhận thông tin Quang Linh bị khởi tố cũng đã không khỏi sốc và tiếc cho chàng trai này. Tôi tiếc cho hành trình đẹp em ấy đã đi qua nhưng cũng đau lòng vì hành vi vì lợi nhuận mà bất chấp của Linh (cũng không loại trừ trường hợp Linh bị người khác lợi dụng) để rồi vướng vào vòng lao lý. Có lẽ, Quang Linh là trường hợp hiếm hoi khi bị bắt nhưng lại khiến nhiều người tiếc nuối.
Tiếp nối đó là vụ sữa giả với hàng chục thương hiệu bị làm nhái. Từ nhãn mác, bao bì đến cả mã vạch…, tất cả đều được sao chép tinh vi. Ngày 22-4, Bộ Công an đã công bố kết quả điều tra ban đầu xác định đường dây sữa giả của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group.

Theo đó, đơn vị này đã sản xuất 84 loại sữa bột và hơn 26.000 lon sữa. Hiện đã xác định 12 loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố, hay còn gọi là hàng giả; 72 sản phẩm còn lại đang được làm rõ.
Trong 12 sản phẩm sữa bột giả, điển hình có COLOS IQ FOR MUM, COLOS IQ DIABETES, ARIFA A+ ProGold; sữa công thức KENMIL PREMIUM PEDIA GOAT, Kodo A+ Starter Colostrum 1... Đây không đơn thuần là chuyện gian lận thương mại, mà còn là một hành vi gây hại thầm lặng cho sức khỏe con người.
Rồi ở Nghệ An, giá đỗ được phát hiện ngâm tẩm hóa chất lạ để tăng trưởng nhanh hơn, trông đẹp hơn. Để tăng khối lượng thành phẩm và để giá đỗ đẹp mắt hơn, các đối tượng đã sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Gần 1 năm qua, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 3.500 tấn giá đỗ độc hại. Trước đó, tại Đắk Lắk, hành vi tương tự cũng từng bị phát hiện.
Tất cả những câu chuyện trên đều có điểm chung: vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng. Và điều đau lòng là, kiểu làm giàu này không hề mới. Nó đã tồn tại âm ỉ trong xã hội từ lâu, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cũng không thể không nhắc đến những quảng cáo sai sự thật đang tràn lan trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Người bán thì tô vẽ sản phẩm như thần dược, người nổi tiếng cũng góp phần truyền thông, tiếp thị.

Gia Lai: Rà soát việc lưu thông trên thị trường các sản phẩm liên quan đến sữa giả

Xử phạt công ty sản xuất kẹo Kera cho Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục hơn 224 triệu đồng
Về phía cơ quan chức năng, rõ ràng việc kiểm soát tuyệt đối là điều gần như không thể, bởi thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, che giấu ngày càng kỹ càng.
Để giải quyết vấn đề này, không chỉ dựa vào mỗi sự quản lý của Nhà nước mà hơn hết là ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh với cộng đồng và cái tâm giữa người với người.
Mặt khác, sự tỉnh táo của người tiêu dùng cũng là điều quan trọng. Đừng quá dễ dãi tin dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cũng những lời quảng cáo “có cánh” của người nổi tiếng hay các KOL.
Làm giàu phải có giới hạn, uy tín và lâu dài. Thế nhưng, khi có người chọn lợi nhuận thay vì lương tâm thì chính là làm giàu bất nhẫn. Và sự bất nhẫn ấy, sớm muộn cũng sẽ phải trả giá!