Làm gì để du lịch Gia Lai "cất cánh" ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Bắt đầu từ số báo hôm nay (thứ tư, ngày 6-3), chuyên mục “Cửa sổ Du lịch” trên báo Gia Lai sẽ được thay thế bằng chuyên mục “Diễn đàn Du lịch” nhằm mở rộng biên độ phản ánh, đăng tải nhiều hơn các đề xuất để “hiến kế” cho du lịch tỉnh nhà phát triển hơn nữa. Rất mong sự tham gia của các cộng tác viên, các chuyên gia về du lịch và sự đón đọc của độc giả.
Là địa phương rất có lợi thế phát triển các loại hình du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ cùng bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc bản địa Bahnar, Jrai..., tuy nhiên những năm gần đây du lịch Gia Lai vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Phóng viên Báo Gia Lai vừa có cuộc trao đổi ngắn với anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Du lịch Niềm vui Việt-Vietjoy Tourist (54 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku) về những đề xuất nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch có giá trị.
* P.V: Với con mắt của người điều hành một công ty du lịch, theo anh, đâu là những điểm “đáng giá” của du lịch Gia Lai hiện nay?
Anh Hoàng Phương (ảnh nhân vật cung cấp).
Anh Hoàng Phương (ảnh nhân vật cung cấp).
- Anh HOÀNG PHƯƠNG: Gia Lai là cửa ngõ quan trọng của Tây Nguyên khi có các tuyến quốc lộ 14, 19, 25 nối liền các khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung, TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, Gia Lai còn là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh kỳ vỹ còn giữ nguyên nét hoang sơ như Biển Hồ (hồ Tnưng, TP. Pleiku), núi lửa Chư Đăng Ya, núi Chư Nâm (huyện Chư Pah), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thác Mơ (huyện Ia Grai), thác 50 (huyện Kbang); hay các điểm đến được nhiều người yêu thích như Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang)... Đặc biệt, tỉnh còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Jrai, Bahnar, nhất là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”-di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. 
* P.V: Theo anh, những tiềm năng đó đã được khai thác tương xứng hay chưa?
- Anh HOÀNG PHƯƠNG: Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các địa phương, sự hỗ trợ của các sở, ngành cùng sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn của doanh nghiệp làm du lịch, du lịch Gia Lai đã có những bước chuyển mình theo chiều hướng tích cực, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác cũng như phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; hạ tầng du lịch (khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…) chưa được đầu tư đồng bộ…, do đó chưa thể thu hút nhiều du khách đến với Gia Lai, không kéo dài được thời gian lưu trú. Ví dụ, hiện tại ở khu vực nội ô TP. Pleiku chưa có một nhà hàng nào đủ rộng, đủ chuyên nghiệp để phục vụ cùng lúc nhiều đoàn khách du lịch; số cơ sở lưu trú chưa nhiều nên khó lòng đáp ứng nhu cầu nếu lượng khách du lịch đổ về lớn...
Thác Mơ- một trong những thác đẹp nhất ở Gia Lai. Ảnh: M.Thi
Thác Mơ- một trong những thác đẹp nhất ở Gia Lai. Ảnh: M.Thi
* P.V: Anh có những đề xuất gì để ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển hơn nữa?
- Anh HOÀNG PHƯƠNG: Theo tôi, để từng bước xây dựng một môi trường du lịch thân thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tỉnh cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các điểm du lịch nổi bật, những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Gia Lai trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó thu hút du khách khắp nơi đến tham quan, khám phá. Đồng thời, cần kết nối với tour tuyến của các tỉnh lân cận và khắp mọi miền đất nước để cùng phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh cần hoạch định rõ ràng đâu là du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa bản địa đặc thù, du lịch tâm linh…, tránh trường hợp chung chung khiến du khách ở xa đến dễ nhầm lẫn. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, các điểm du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn; nâng cao trình độ quản lý, cập nhật kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ và nhân lực ngành Du lịch để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tập huấn, nâng cao trình độ cho các hướng dẫn viên, chuyên viên du lịch…
Cuối cùng, tôi đề xuất Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình biểu diễn cồng chiêng vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (hiện đã có chương trình này nhưng chỉ 1 lần/tháng do Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku tổ chức-P.V) kết hợp quầy hàng lưu niệm, thổ cẩm… nhằm tạo ra một sân chơi mang tính cộng đồng song có giá trị nghệ thuật cao nhằm khuyến khích du khách đến với Gia Lai.
* P.V: Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện này!
 NGUYỄN QUANG  (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.