Lại thêm những phát hiện về SARS-CoV-2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hẳn nhiều người còn nhớ, từ tháng 3 trở đi, các bác sĩ (BS) ở Mỹ, Italia, Tây Ban Nha... đã phát hiện triệu chứng “ngón chân COVID-19” ở những người nhiễm SARS-CoV-2, cả những người viêm phổi hoặc không có triệu chứng ho, sốt, khó thở.

Tìm thấy SARS-CoV-2 trong da

Sẩn da do SARS-CoV-2.
Sẩn da do SARS-CoV-2.
Những người này bị tím đỏ ở các ngón chân, tay; nhiều nhất là đầu các ngón; có thể xuất hiện ở tất cả ngón của hai bàn tay, chân; giống như chân bị sưng cước do không được giữ ấm khi trời rét; cảm giác da các ngón này nóng ran, ngứa ngáy, chạm vào thấy đau rát; sau đó, da vùng này đổi màu, có thể phồng rộp và loét. Các BS cũng nhận thấy những nốt sưng ở tay, chân tiến triển đến hoại tử da ở những người SARS-CoV-2 nặng có bệnh nền, nhưng lại cho rằng những triệu chứng trên da này cũng có thể do các virus khác gây ra, vì thế không được “tính” cho SARS-CoV-2. Mới đây, BS Leanne Atkin - cố vấn của Bệnh viện (BV) Pinderfields General, Tây Yorkshire, Anh - thấy số bệnh nhân SARS-CoV-2 bị ngứa da tăng lên với tốc độ đáng cảnh báo và những người có triệu chứng nhẹ vẫn bị phồng rộp da, cảm giác như bị châm chích hoặc đau đớn. Mọi nghi ngờ đều hướng đến SARS-CoV-2 nhưng virus này trực tiếp gây tổn thương da hoặc tổn thương này là gián tiếp từ những rối loạn cơ thể ở nơi khác do chúng gây ra chưa chứng minh được!
“Thật may”, ngày 15.8, Swissinfo.ch - trang tin điện tử của Thụy Sĩ - đã đưa ra bằng chứng chứng minh SARS-CoV-2 là “thủ phạm” của các triệu chứng trên da. Các BS BV ĐH Basel, Thụy Sĩ xác nhận một ca dương tính (DT) với SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm mẫu da, mà trước đó, dịch mũi, họng cho kết quả âm tính (AT). Cụ bà 81 tuổi bị sốt, đã xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng kết quả AT. Sáu tuần sau, bà được làm lại xét nghiệm PCR dịch mũi, vòm họng và cả xét nghiệm kháng thể (KT), nhưng cả hai xét nghiệm cũng đều AT. Do nổi ban trên da nên cụ đến bệnh viện và các BS da liễu đã xét nghiệm mẫu da, phát hiện SARS-CoV-2.
Tạp chí Y học Lancet đã công bố phát hiện này. Trước đây, thế giới đã xác định SARS-CoV-2 cư trú nhiều nhất ở mô phổi sâu (tiểu phế quản tận và phế nang), ít hơn ở mũi, hầu, họng, thì nay việc phát hiện virus này cư trú trong mô da cho thấy trước nay các loại mẫu xét nghiệm tìm SARS-CoV-2 vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, nói cho công bằng thì xét nghiệm dịch mũi, họng và KT chống SARS-CoV-2 đơn giản lại nhanh hơn, trong khi xét nghiệm mẫu da phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. Theo họ, xét nghiệm mẫu sinh thiết da có thể được sử dụng như một biện pháp chẩn đoán bổ sung khi cần thiết.
Miễn dịch yếu và kém bền vững
Từ cụ bà 81 tuổi này đặt ra giả thiết rằng một số người nhiễm SARS-CoV-2 có thể không có khả năng miễn dịch với virus này? Bởi cụ đã được xét nghiệm KT chống SARS-CoV-2 nhưng cho kết quả AT. Nếu có thực tình trạng này thì đây là họa không hề nhỏ, bởi trước nay cơ thể con người đều hoàn thiện khả năng miễn dịch với một loại mầm bệnh vi sinh vật cụ thể khi khỏi bệnh. Chuyện này có nét tương đồng với những phát hiện gần đây. Các chuyên gia ĐH King's College London, Anh, đánh giá phản ứng miễn dịch của hơn 90 bệnh nhân (BN) SARS-CoV-2, gồm cả các nhân viên y tế mắc bệnh bằng cách đo nồng độ KT theo thời gian, thấy rằng: 60% người bệnh có phản ứng mạnh với SARS-CoV-2, lượng KT sinh ra đủ để tiêu diệt SARS-CoV-2 đạt đỉnh sau khoảng 3 tuần nhưng bắt đầu giảm dần sau đó. Sau 3 tháng, chỉ còn 16,7% trong số 60% duy trì KT ở mức cao, còn lại các BN không còn đủ lượng KT có thể đo được trong máu. BN 33 tuổi, người Hồng Kông, tái nhiễm sau 4 tháng trong một chuyến đi nước ngoài; Bộ trưởng nội vụ Philippines - Eduardo Ano - tái nhiễm sau 5 tháng và nữ BN 68 tuổi, ở TP.Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, TQ, tái nhiễm sau 6 tháng là những bằng chứng rõ ràng cho miễn dịch SARS-CoV-2 không bền vững.
Nghiên cứu ở Tây Ban Nha cũng ghi nhận kết quả tương tự. “BN không biểu hiện triệu chứng SARS-CoV-2 có lượng KT chống virus này thấp và người bệnh nhẹ có KT tồn tại không lâu” là tổng kết của BS Tetsuo Nakayama, Viện Khoa học Cuộc sống Kitasato, Nhật Bản. GS Barry Bloom (ĐH Y tế công cộng Harvard, Mỹ) nói rằng, dữ liệu từ nhiều quốc gia cho thấy, KT chống SARS-CoV-2 suy giảm nhanh hơn KT chống các loại virus khác, chỉ tồn tại vài tháng trong khi các loại KT khác duy trì lâu hơn”. Ông dẫn chứng một số bệnh nhân (BN) SARS vẫn còn KT chống SARS-CoV - “tiền bối” của SARS-CoV-2 - sau khi khỏi bệnh 18 năm. Không nên nhầm lẫn những người suy giảm miễn dịch với những ca khỏi bệnh hoặc xét nghiệm đã AT lại DT trở lại sau vài tuần do virus chưa đào thải hết và do chất lượng xét nghiệm.
Chuyện còn chưa hết. Từ giữa tháng 2, TS Huijun Chen (BV Trung Nam, ĐH Vũ Hán, Trung Quốc) nghiên cứu khá toàn diện trên 9 thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 và 9 trẻ sơ sinh của họ bằng các mẫu nước ối, máu dây rốn, bánh nhau và sữa; dịch họng của các bé nhưng không thấy SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Tuy nhiên, gần đây, Nhật Bản lại phát hiện SARS-CoV-2 trong sữa một bà mẹ ở tỉnh Wakayama bị viêm tuyến sữa và sốt. Khi người mẹ này nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2 đã được xét nghiệm PCR mẫu sữa để biết liệu có thể tiếp tục cho con bú hay không và kết quả là DT, nhưng chỉ 2 ngày sau mẫu sữa lại cho kết quả xét nghiệm AT. Viêm tuyến sữa trong trường hợp này do SARS-CoV-2 hay do những nguyên nhân thường gặp khác trong thời kỳ cho con bú không xác định được nên vẫn là nghi vấn còn bỏ ngỏ? Các BS ngay sau đó đã xét nghiệm sữa của một bà mẹ khác không bị viêm tuyến sữa thấy không nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Hội Sản - Phụ khoa Nhật Bản lại ra thông cáo: “Do có nhiều báo cáo phát hiện SARS-CoV-2 trong sữa mẹ, nên chúng tôi khuyên con của các bà mẹ bị nhiễm virus nên được cho uống sữa công thức (sữa bột) ít nhất 1 tháng sau sinh”. Hội cũng khuyên tách mẹ với trẻ cho đến khi cả hai đều có kết quả AT. Ngược lại, BS Yuka Wada, ở Trung tâm Sức khỏe và Phát triển trẻ em quốc gia Nhật Bản, lại kêu gọi các bà mẹ bình tĩnh. Bởi theo bà, hiện không có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 lây qua đường sữa mẹ. WHO cũng cho rằng, nguy cơ lây SARS-CoV-2 từ sữa mẹ là không đáng kể và hiện chưa được chứng minh, khuyên các bà mẹ cho con bú vì sữa mẹ có KT, nhiều dinh dưỡng hơn, nhưng cần đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi cho con bú.
Thông tin trái chiều làm không ít bà mẹ bối rối, lo lắng về nguy cơ lây SARS-CoV-2 cho con khi bú. Một bà mẹ 38 tuổi ở Tokyo, có bé gái 10 tháng tuổi, chia sẻ: “Cuối cùng, tôi thật sự không biết nên làm gì? Con gái tôi không chịu uống sữa bột. Tôi vẫn muốn tiếp tục cho bé bú đến khi có bằng chứng rõ ràng về lây nhiễm SARS-CoV-2 từ sữa mẹ”.
Nấc kéo dài nhiều ngày do SARS-CoV-2
Đầu tháng 8, các BS ở khoa Y tế khẩn cấp của Trung tâm Y tế Cook County Health, TP.Chicago, Mỹ thông báo một ca SARS-CoV-2 chỉ có triệu chứng lâm sàng duy nhất là nấc. Người đàn ông 62 tuổi nấc liên tục suốt 4 ngày mà không biết vì sao. Do người này sụt 11kg trong 4 tháng nên ban đầu các BS nghi ngờ có khối u ở phổi. Tuy nhiên, trên film X-quang không thấy u mà có một đám mờ kính ở phổi - dấu hiệu khá đặc trưng của viêm phổi do SARS-CoV-2. Trước nay, đã có không ít ca không biểu hiện triệu chứng của SARS-CoV-2 nhưng kết quả X-quang tình cờ phát hiện tổn thương kính mờ phổi nên các BS cho làm xét nghiệm và cũng như những ca âm thầm khác, BN DT với SARS-CoV-2. Tháng 6, ở Mỹ đã phát hiện BN nam 64 tuổi phải cấp cứu vì nấc có triệu chứng X-quang và DT với SARS-CoV-2. Nấc thường do hạ natri máu hoặc kích thích dây thần kinh trung ương số X (TK hoành, lang thang, phế vị; chi phối cảm giác, vận động các phủ tạng ở ngực, bụng: tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục), ví dụ nấc sau nghẹn thức ăn. Hai ca này, các BS đã xét nghiệm thấy nồng độ natri máu ổn vì vậy nghi ngờ SARS-CoV-2 tác động đến dây X. BS Aparajita Singh - chuyên khoa dạ dày ở ĐH California (San Francisco, Mỹ) - cho biết, khảo sát 204 BN SARS-CoV-2, có tới 103 ca có các biểu hiện mất cảm giác ngon miệng, bất ổn ở dạ dày và phổ biến nhất là tiêu chảy, trong đó có 6 BN không có triệu chứng hô hấp, chỉ có các triệu chứng tiêu hóa. Vì thế, nếu nghi ngờ SARS-CoV-2 gây nấc không chắc đã “oan”.
BS BÌNH NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.