Cùng làm như người Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Đà Nẵng đã và sẽ còn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Chắc chắn, người dân cả nước cũng sẽ làm như người Đà Nẵng.
 

 Học trò dự lễ khai giảng năm học qua mạng ở Đà Nẵng sáng 5-9 - Ảnh: Đ.C.
Học trò dự lễ khai giảng năm học qua mạng ở Đà Nẵng sáng 5-9 - Ảnh: Đ.C.


Đà Nẵng đã nới lỏng cách ly sau gần 6 tuần để chống dịch.

Chị Hồng bán bún bò trên đường Điện Biên Phủ vui vẻ mở cửa quán dù chỉ được phép bán cho khách mang về. Tuy vậy, chị Hồng vẫn mong muốn được phục vụ các thực khách quen thuộc.

Còn khách đến mua vẫn muốn được ngồi xuống bên ghế nhỏ ven đường với tô bún nóng, chứ không phải với bịch bún mang đi. Điều bình thường của mọi người lúc này tạm thời trở nên xa xỉ.

Sáng qua, nhiều em học sinh với quần áo mới, đeo khăn quàng, thay vì hớn hở đến trường đón lễ khai giảng năm học mới, đã ngồi trước tivi để xem lễ khai giảng. Những kỷ niệm vui buồn ngày tựu trường tạm gác lại.

Các thầy cô giáo trong những bộ trang phục đẹp nhất nhưng không thể chào đón học sinh, phải ngồi giữ khoảng cách và cùng khai trường qua màn hình. Sân trường quạnh quẽ ngày đầu thu. Lần đầu tiên và cũng là lần khai giảng lịch sử của ngành giáo dục Đà Nẵng vì dịch bệnh.

Kể ra sẽ chẳng xiết bởi COVID-19 ám ảnh rất nhiều người, nhiều ngành nghề, mà ai cũng là nạn nhân. Người mất việc làm, học sinh không đến trường, hàng quán đóng cửa, hãng bay và du lịch điêu đứng, giao thông ngưng trệ, người thân xa cách...

Được trở lại cuộc sống "bình thường mới" lần này của người Đà Nẵng chắc chắn có nhiều bài học xương máu từ những gì đã trả giá trước đó.

Trong chỉ thị mới nhất của Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu làm rõ hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp trong thời gian đến, không để bị động, bất ngờ.

Đáng chú ý chỉ thị này yêu cầu các ngành chức năng liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, nơi cư trú, nhất là quản lý người nước ngoài, không để nhập cảnh trái phép...

Nhìn lại đợt dịch thứ 2 ở Đà Nẵng, ca F0 đầu tiên đã mất dấu. Không chỉ riêng Đà Nẵng, nhiều nơi cũng đã dè chừng hơn trong quản lý người nước ngoài. Nhưng nguồn lây đâu chỉ là từ người nhập cảnh, mà có ở bất kỳ nơi nào, nếu mọi người chủ quan.

Khổ nỗi, nhắc nhở, cảnh giác là thế, nhưng thường khi "có biến" mọi người mới giật mình, mới chặt chẽ, sau đó lại lơ là. Trong khi dịch bệnh vẫn rình rập, nay lại phải sống trong trạng thái bình thường mới, không thể đóng cửa mãi.

Đà Nẵng mở cửa trở lại, mừng cho người Đà Nẵng. Rồi đây mọi thứ sẽ trở lại bình thường, du khách đông hơn, cuộc sống của đại bộ phận người Đà Nẵng cũng bớt khó khăn hơn. Không chỉ chính quyền, người dân Đà Nẵng rút ra bài học kinh nghiệm về phòng chống dịch.

Đây cũng là lúc mọi người trong chúng ta phải học điều gì đó rút ra từ Đà Nẵng. Bài học không quá to tát. Đó là những thói quen mà chúng ta vẫn được nhắc qua tin nhắn từ Bộ Y tế với thông điệp phải tuân thủ nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Hoặc những khuyến cáo rất đời thường như cách đeo khẩu trang, cách giặt khẩu trang vải...

Có lẽ đó là những bài học mà mọi người có thể học và áp dụng để tạo ra những pháo đài phòng chống dịch, trước hết là bảo vệ chính mình, gia đình mình và cả xã hội. Đó cũng chính là cách góp phần xây dựng một xã hội sống trong trạng thái bình thường mới.

Người Đà Nẵng đã và sẽ còn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Chắc chắn, người dân cả nước cũng sẽ làm như người Đà Nẵng.

Theo TẤN VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.