Ký ức ngày mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày mùa, làng quê rộn ràng hẳn. Từ sáng sớm, trên những con đường làng, các bà, các mẹ tất tả quang gánh ra đồng. Những chiếc xe công nông của bà con Jrai nổ máy xình xịch đợi nhau trên con đường đất hướng về phía cánh đồng.
Tuổi thơ tôi trôi đi êm đềm với những ngày chạy rong ruổi trên triền đê đầy bông cỏ mật, cười tít mắt cùng chúng bạn khi cánh diều no gió lên cao. Khi còn là cô bé với bím tóc đuôi gà cột cao phía sau, tôi vẫn thường được giao nhiệm vụ chăn chú trâu tơ để ba mẹ xuống đồng. Ngày ấy, hầu như tất cả những việc từ cày bừa, cuốc xới, làm cỏ, chăm bón... cho tới gặt hái, tuốt lúa đều bằng thủ công.
Mùa gặt đến, nhà tôi neo người nên sáng nào ba mẹ cũng dậy từ rất sớm, trong lúc mẹ lo chuẩn bị thức ăn nước uống cho bữa sáng và bữa trưa ở lại ngoài đồng thì ba tranh thủ đội đèn pin lên đầu đi trước. Có hôm, khi ba gặt hết gần nửa thửa ruộng thì mặt trời mới ló lên đầu ngọn tre. Lũ chúng tôi thích thú chạy theo sau mẹ bắt những chú cua đồng, cá chạch hay rô đồng... lủi lên từ gốc rạ cho vào giỏ. Chúng sẽ giúp cả nhà có món canh ngon trong bữa tối.
Gặt xong, lúa được đưa về nhà, ba tôi chất thành từng đống gọn gàng trước sân. Khi chưa có máy tuốt lúa thì ba cột ngang cái đòn gánh vào 2 cây cột nhà để làm tay nắm, lúa được đặt xuống nền nhà, ba đứng 2 tay vịn chiếc đòn gánh cột ngang ấy rồi dùng chân vò nát. Khi những hạt lúa được tách ra hết, mẹ giũ rơm, sảy hạt lép. Qua mỗi mùa đạp lúa như vậy, bàn chân chai sần của ba tưa máu, nhức nhối đến mấy ngày.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thêm mấy mùa như thế nữa thì nhà tôi cũng sắm được chiếc máy tuốt lúa. Đó là chiếc máy có bàn đạp và vòng quay tròn đầy những chiếc răng bằng sắt, khi đó ba không còn phải dùng chân của mình để đạp lúa nữa. Tôi giúp mẹ ra những nắm lúa vừa nắm tay, ba đạp máy, những chẽn lúa rà rà trên vòng quay đều đặn của chiếc bánh quay qua nhịp chân của ba từ từ tách khỏi thân lúa. Ngày mùa vất vả nhưng niềm vui ánh lên trong mắt ba mẹ khi lúa được mùa. Năm nào nắng hạn, mưa bão nhiều, mất mùa, đôi mắt mẹ cha chùng xuống.
Có lẽ hào hứng nhất vẫn là con trẻ, chẳng biết được mất, cứ vô tư chơi đùa, tôi cùng đám bạn chui tọt lên đống rơm còn thơm mùi rạ mới đùa nghịch. Những đống rơm un cao như hình những chiếc nấm khổng lồ luôn là thứ hấp dẫn, thu hút, tụi trẻ chúng tôi tha hồ mà nhào lộn, hò hét, khoét những chiếc lỗ rồi cùng nhau chui vào đó, chia nhau nắm cốm mới rang...
Vậy mà đã 20 năm trôi đi, tôi sống xa quê, xa cánh đồng tuổi thơ với nhiều ký ức đẹp đẽ. Bây giờ ở quê tôi, bà con nông dân làm mùa không còn dựa vào sức người như trước, tất cả từ cày, cấy, gieo sạ đến gặt hái, tuốt lúa... đều đã có máy móc. Những nhọc nhằn, vất vả đặt lên lưng mẹ lưng cha cũng vơi bớt.
Chiều đi ngang qua cánh đồng làng của bà con Jrai, mùi đồng sau mùa gặt thoảng hương thơm dịu. Những chiếc công nông chất đầy ắp lúa quay trở về nhà. Những chiếc máy thổi xình xịch phun ra những lọn rơm thơm mùi rạ mới. Đám trẻ chạy vòng vòng quanh đó, cười tít mắt. Lòng tôi gợn một niềm xuyến xao về ngày mùa xưa cũ!
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.