Lạc nhịp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 - Tôi muốn trao đổi với chị một chút về cháu.
Không biết từ bao giờ, chị luôn mong đợi lời đề nghị từ ông thầy dạy đàn của con. Đó là một người đàn ông dong dỏng, hay cười mỉm, mái tóc đen mượt lúc nào cũng chỉn chu, chỉ dạy đàn tại nhà thôi mà anh luôn mặc vest nhìn rất trịnh trọng và không hiểu sao, chị nghĩ mình và con đang được tôn trọng.


- Cô bé có năng khiếu đó chị, mỗi quý một lần, trung tâm sẽ tổ chức đêm nhạc cho các học viên. Mà nói cho cùng, khi mình có tài thì tại sao mình phải giấu? Cần phải thể hiện khả năng của mình chứ, chị có công nhận vậy không?

Thầy liên tiếp đặt câu hỏi, những câu hỏi chị không cần trả lời. Khỏi nói cũng biết chị vui như thế nào và tất nhiên là đồng ý ngay. Con gái chị mới đi học hơn hai tháng, từ ngày đi học đàn, mỗi tối học bài ở trường xong là con bé lại ngồi vào đàn say sưa. Chị thì có biết gì về đàn ca, những nốt nhạc nằm trên dòng kẻ khiến chị tưởng tượng đàn chuồn chuồn đậu trên dây phơi. Nhưng con gái chị lại chỉ những con chuồn chuồn nằm trên dưới và gọi tên chúng bằng âm thanh.

Chị không hiểu gì về nhạc nhiếc hát hò, ngày con bé còn nhỏ, mỗi khi ru con, chị cũng chỉ ê a cho con nghe thấy tiếng mẹ mà yên tâm đi vào giấc ngủ. Người ta nói chị nhà quê. Đời sống nay đã khác rồi, ngoài ăn mặc, người ta còn cần đến sách vở, âm nhạc, khiêu vũ để cuộc sống thêm thăng hoa.

Nên khi cô hàng xóm sang nhà chị hỏi chị có định cho con gái đi học đàn không, trung tâm ngay dưới khu chung cư, đang có khuyến mãi một nhóm năm trẻ thì được giảm 30% học phí, cô hàng xóm đã rủ được bốn người, còn thiếu một nữa là đủ. Chị nói sẽ về hỏi con xem rồi sẽ trả lời, nhưng chị biết con gái sẽ đồng ý ngay.

Cái làm chị phân vân là học phí, dù biết được giảm, vẫn phải trả hơn hai triệu đồng cho một khóa ba tháng. Lương chị không bao nhiêu, lo cho hai mẹ con cũng đủ nếu không phải trả ngân hàng tiền vay mua chung cư. Trước đó, mẹ con chị ở trọ trong căn phòng mười bốn mét vuông, một lần giữa khuya, gã hàng xóm nhậu xỉn sang phá cửa phòng mẹ con chị, phun ra những lời tục tằn. Hàng xóm nghe nhưng kệ, những số điện thoại phòng khi cần, chị lưu trong điện thoại cũng không liên lạc được, hoặc vì lý do nào đó mà chỉ nghe nhưng không đến. Cuối cùng, chính là hai người đi đường không quen biết đã quăng xe vào cứu chị. Họ đi làm ca về khuya, chị còn không kịp hỏi tên.

Sau lần ấy, chị quyết tâm phải có một mái nhà đàng hoàng của mình, và chị quyết định vay tiền mua chung cư. Ở chung cư có bảo vệ, đó là lý do chị chọn.

Chị đã cắt giảm tối đa mọi nhu cầu của bản thân, nhưng của con thì không thể, con bé còn nhỏ, cần phải được chăm sóc kỹ về ăn uống, nghỉ ngơi và học hành. Hết giờ cơ quan, chị còn nhận thêm việc về làm, hiếm hoi lắm chị mới được đặt lưng xuống giường trước hai giờ sáng, nhưng mẹ con ổn là được. Chồng cũ ngày trước mỗi tháng gửi cho con hai triệu đồng, nhưng cả năm nay biệt tích, nghe nói anh đã có vợ mới và có con.

Tuần ba buổi, ăn tối xong là hai mẹ con dắt nhau xuống lớp, con gái học đàn, còn chị đi dạo chờ con. Nhìn dáng gầy gầy của ông thầy, chị thấy có thiện cảm, chắc chị quen nhìn thấy những người đàn ông tuổi này thường vác bụng lặc lè và gương mặt bóng nhẫy. Không hiểu sao thầy lại biết nhà chị một mẹ một con, thầy nói nếu con bé thích, lúc nào chị cũng có thể đưa cháu xuống luyện thêm, thầy còn hỏi thăm chị nuôi con một mình chắc vất vả và chị dần dà cũng chia sẻ về cuộc sống của mình.

 


Thầy cũng sống một mình, vợ chồng chia tay mà không vướng bận con cái. Đến khi quen hơn, chị mới biết dạy đàn không kiếm được nhiều tiền như chị nghĩ, nhất là nghệ sĩ còn bị cơm áo đè nén. Giá như thầy chỉ chuyên tâm vào dạy, còn chuyện tiền mặt bằng, tiền thuê đàn có người khác lo giùm. Thầy còn mua đi bán lại đàn cũ, cho nên khi thầy nói có cây đàn cũ nhưng còn rất tốt do chủ nhân xài kỹ, giá hơn bốn triệu đồng, chị đã mua cho con gái.

Con gái chị nổi bật trong đêm liên hoan. Những đứa trẻ trong nhóm năm người cùng con gái, không có ai được lên sân khấu biểu diễn. Chị thấy mắt con ngời sáng, nụ cười luôn trên môi thì không kìm được xúc động. Sau đêm liên hoan, ông thầy không ngớt lời khen: Con bé tuyệt quá, nó thật may có người mẹ thương yêu và chăm chút con như chị.

Chị nhận ra trong lời anh không còn là những khen ngợi con gái hay trao đổi chuyện học của con. Anh đã lên thăm căn hộ của hai mẹ con chị mấy lần, còn ở lại ăn cơm. Dù bữa cơm nhà chị chỉ có mấy con cá cơm khô và dĩa rau xào, nhưng anh lại nức nở khen ngon, có hơi ấm gia đình.

Chị nghĩ đến câu “góp gạo thổi cơm chung” và nghĩ đến hai từ “tổ ấm”, thấy mặt mình nóng bừng. Chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở vậy nuôi con, nhưng cũng không kiếm tìm. Chị tin vào nhân duyên hơn… Chị nhẩm tính, căn hộ của chị có hai phòng ngủ và một phòng khách rộng, mẹ con chị không có đồ đạc gì nhiều. Phòng khách nhà chị có thể đặt được mấy cái đàn, có thể nhận thêm học sinh. Còn căn hộ anh thuê, phòng anh đang ở cũng chuyển thành phòng đàn, mỗi tháng có thể tuyển thêm hơn chục học viên...

Những ngày tằn tiện kham khổ đã khiến chị biết giá trị của một bờ vai, ai cũng nói phụ nữ sau ly hôn thường trở nên mạnh mẽ và vững chãi. Đêm, chị nhìn con say sưa trong giấc ngủ với nụ cười mỉm, ngày mai có lẽ chị sẽ nói chuyện với con, nó đã chín tuổi, cần được có ý kiến.

- Con không thích!

Chị ngẩn người khi con gái phản đối gay gắt. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi con nói con không muốn mẹ lấy người nói bậy, thầy chửi các bạn là đồ đầu bò, có mấy nốt nhạc mà cũng không nhớ được. Âm nhạc dành cho những vương tôn quý tộc chứ không phải dành cho lũ ngu dốt suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn.

- Thầy có mắng con không?

- Con không bị nhưng các bạn con bị hoài, mấy cây đàn đó là thầy để bán đó mẹ. Ngày nào thầy cũng lau chùi. Tụi con mà sờ tay vào là thầy la dơ đàn.

Chị chưng hửng, chị không nghi ngờ con nói dối, nhưng có gì đó không như chị cảm nhận qua những buổi nói chuyện. Ngoài chị, anh còn trao đổi sau giờ học với những ai nữa, đã bán được thêm bao nhiêu cây đàn, có bao nhiêu người cũng hoàn cảnh một mẹ một con như chị?

Hết tháng, con gái nhất định không chịu đi học nữa. Chị phải nói dối là con ốm và tuần sau mẹ con chị có việc về quê ít lâu. Khi trở vào con gái mới đi học tiếp được. Anh còn sốt sắng hỏi con gái ốm sao, dặn con nhớ tập đàn hàng ngày.

Con gái không học, chị dắt con xuống dưới chơi, chiều nào ăn cơm xong chị cũng dắt con xuống công viên. Vì nói về quê nên khi xuống dưới chị cứ phải mắt trước mắt sau ngó chừng, dù biết giờ này anh đang dạy.

Chị ngồi ở ghế đá nhìn con chạy phía xa với các bạn. Chợt câu chuyện của hai người ngồi ghế sau lưng khiến chị chú ý.

- Chắc hết tháng trả nhà, tiền thuê mỗi tháng mười lăm triệu đồng nặng quá, dân ở đây chỉ lo ngày ba bữa chứ chẳng có tí máu văn nghệ nào. Mấy tin rao bán đồ ăn giới thiệu quán nhậu thì bao người quan tâm hỏi han. Thế mà giới thiệu học nhạc thì chẳng ma nào nhòm ngó. Có được mấy đứa thì chỉ một khóa là dừng, có đứa học mấy bữa đã chán xuống đòi lại học phí đã đóng. Mấy tháng ở đây mà chỉ bán được hai cây đàn ghẻ, nhưng may lời cũng khá.

Chị nhận ra giọng người quen, nhưng nay nó không còn ngọt ngào trầm ấm nữa mà đã thành hậm hực. Chị cố không quay lại nhìn vẻ mặt của người vừa nói, không biết nó khác thế nào với lúc muốn tìm chị để trao đổi việc học của con và hẳn là sẽ khác với lúc khen cơm chị nấu ngon, vừa miệng.

Tự dưng chị bật cười nhẹ một mình, con bé đã hết thích học đàn, có khi mai chị rao bán cây đàn, gỡ được chút nào hay chút đó.

Theo KHÁNH HIỀN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.