Ký ức mục đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con trâu vốn gắn bó chí cốt với đời sống người Việt qua nhiều đời. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong nhiều trường hợp, trâu còn liên quan đến vận mệnh con người. Nhà nông có câu: “Trâu cười, người khóc”. Là kiêng nuôi những con trâu không đâu cứ nhe răng cười khan. 
Thế là xui, nhà sắp có chuyện! Lại có những con trâu mang xoáy phản chủ, dễ làm cho gia đình nhà chủ sạt nghiệp, không gặp việc này cũng gặp việc nọ, khó ngóc đầu lên nổi. Rồi kiêng trâu bò bạch thiệt (lưỡi trắng), thực ra là mồm đỏ, lưỡi đỏ, khi há mồm nhìn ghê như họng quỷ!
Con trâu còn gắn với ruộng đồng, với cây lúa nước hàng ngàn năm. Đó là một thành tố làm nên nền văn minh lúa nước của người Việt. Trong vốn từ Hán Việt, mục súc gồm những con vật lớp thú ăn cỏ trên đồng bãi. Du mục là kiểu chăn nuôi mục súc trên thảo nguyên lớn, đi từ xứ này tới vùng nọ theo mùa trong năm. Ở Việt Nam, mục súc phổ biến nhất là trâu bò. Trong đó, con trâu được yêu quý nhất. Chăn trâu thường là bọn trẻ trâu, nói chữ là mục đồng (đứa trẻ chăn mục súc).
Vùng lúa nước, bãi chăn trâu là những bờ đê bờ đập, những cồn bãi hoang không có khả năng trồng lúa. Thời xưa, làng nào cũng có những cồn cao giữa đồng, là nơi nghĩa địa, bãi tha ma, bãi chăn thả trâu... Vùng bán sơn địa, bãi chăn trâu nhiều hơn, rộng hơn, là những lưng đồi bát ngát, những khu rừng nghèo cây bụi khe suối.
Mục đồng có rất nhiều thú vui. Đầu tiên là thú cưỡi trâu. Cưỡi trâu kiểu thấp kém nhất là leo lên lưng trâu từ phía sau. Những đứa trẻ đứng chỉ tầm đít trâu, tay phải cầm chắc khấu đuôi, chân phải xòe ngón cái kẹp vào khoeo chân trâu (gân thắt sau gối chân sau). Chân lấy đà bật lên kết hợp với sức kéo của cánh tay phải, toàn thân nhào lên, tay trái bám vào xương hông trâu trườn lên lưng ngồi chễm chệ, vắt vẻo mà sướng.
Những đứa cao lớn hơn tý xíu thì cưỡi trâu bên hông. Hai tay với níu xương cành (xương sống lưng có vây nhô cao vùng lồng ngực), chân phải đạp lên u xương bả vai trâu (chân trước), nhún cái tót ngay lên lưng.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Hùng dũng nhất là cưỡi trâu từ phía trước. Con trâu mộng to cao lực lưỡng đang mải mê gặm cỏ, chỉ cần nghe khẩu lệnh “cúi”, lập tức ngừng ăn. Đầu trâu cúi thấp. Đứa trẻ oai phong tiến đến trước mặt trâu, tay cầm lấy hai chóp đôi cánh sừng lớn, chân giẫm lên đầu trâu. Chỉ cần thế, con trâu đã được huấn luyện sẽ từ từ ngẩng đầu lên đưa “chủ soái” bò nhẹ nhàng qua cổ đến ngồi đĩnh đạc trên lưng.
Cưỡi trâu ngắm mây trời gió núi là một thú vui nơi thôn dã. Trên lưng trâu có thể đọc sách học bài, đọc chuyện lịch sử, đọc sách võ sách Tàu,... đều rất thú vị. Cuối chiều đưa trâu về, ngẫu hứng có đứa còn giở trò phi trâu. Có đứa phi ngồi, có đứa đứng trên lưng trâu như người làm xiếc.
Thời chiến tranh, những đứa trẻ thành phố thường được bố mẹ gửi lên vùng bán sơn địa tránh bom đạn, chúng thấy trẻ hạ bạn đen đúa khẳng khiu cưỡi những con trâu to oành thì thán phục và mê mẩn lắm. Cứ mường tượng như Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố thời Tam Quốc! Có đứa phải năn nỉ hứa hẹn dấm díu cho con mực khô, túm dây dù để được cưỡi trâu một lần trong đời cho biết.
Vùng bán sơn địa, cho trâu ra bãi, trẻ như lạc vào cõi thần tiên mơ mộng. Bãi rộng lại nhiều khe suối, những đồi sim, rừng ổi lôi cuốn trẻ trâu cả ngày. Lại thú câu cá, bắt trứng chim. Mùa khoai lang ra củ thì chất lửa nướng. Mùa hè chăn trâu cả ngày, bọn trẻ góp gạo nấu ăn trong rừng, trong suối. Nồi có khi chỉ là ống lon sữa bò, hộp thiếc, có khi là mảnh sành sứt mẻ. Những bữa cơm xì xụp mùi khói mà ngạt ngào thơm thảo.
Mùa đông gió rét, chất lửa nghi ngút bãi rừng. Gió lồng lộng, rét căm căm, mục đồng đứa nào cũng quàng vào mình cái bao tải gai như áo giáp của chiến binh thời trung cổ. Cái bao tạ dệt sợi đay dày bì, gập lộn nửa cái cho hai góc bao bì lồng vào nhau, chụp lên đầu thế là có một chiếc áo khoác liền mũ chụp cả đầu xuống lưng, giúp trẻ đi qua ngày gió bấc đồng quê.
Ngày râm mát, thả trâu ra bãi, mục đồng nhào ngay vào các trò chơi chọi cù, đánh khăng, chơi trò kháng chiến lôi kéo, vật lộn... Qua những trò chơi ấy, trẻ nhà quê tự chọn cho mình những thủ lĩnh nhí, để mà tuân phục khi cần phán xử, khi cần hành động.
Mục đồng xưa vui quên ngày tháng. Bây giờ cảnh chăn trâu đã không còn như trước. Con trâu rồi sẽ thành nỗi nhớ. Mục đồng rồi sẽ thành ký ức niềm thương!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Vui buồn phóng viên cơ sở

Vui buồn phóng viên cơ sở

(GLO)- Với đội ngũ phóng viên ở cơ sở-những người đang công tác tại các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao (VH-TT-TT), việc vừa khai thác thông tin, chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, dựng hình, đọc phát thanh... là chuyện thường ngày.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null