Ký tự mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều. Cơn mưa giao mùa ào ạt rơi vào thành xe tạo thành bản hòa âm đầy ngẫu hứng. Tôi lơ đãng ngắm những giọt mưa bật nảy giữa lòng phố nom xa như một vũ công đang “phiêu” theo từng nốt nhạc. Phố nhạt nhòa trong mưa, tôi thả mình theo những hoài niệm, những khắc khoải chưa xa. Mưa và nhớ.
Hồi ấy, ba tôi làm ở công ty may thương binh. Mẹ ở nhà gồng gánh nuôi hai anh em tôi. Có năm, mẹ ốm hai trận dài, nhưng cũng không mấy được nghỉ ngơi. Nhìn mẹ lúc đó như lá cỏ tranh liêu xiêu trước gió…
Còn nhớ những ngày mưa như trút nước, mẹ bưng hai thúng khoai bỏ trên hộc, kéo mấy mảnh ni lông trùm lên, rồi quay sang gọi anh em chúng tôi: “Hai đứa vô phụ mẹ mau lên”. Mặc cho mẹ hò hét, anh em tôi vẫn đánh trần trên mảnh sân nhỏ, tay múa loạn xạ chém vào màn mưa và mơ làm người lính giữa làn tên của quân thù. Mẹ nép vào cánh cửa, dõi theo những lạch chớp ngoằn ngoèo phía trời xa. Gió thổi ù ù vào nhà, gặp tường đất thốc ngược lên muốn kéo phăng mái cọ. Anh em tôi thôi vui đùa, chạy vội đi lấy thang và chặt lá dọi lại những chỗ thủng. Người mẹ ướt sũng, vai khẽ run sau những tia chớp trong trời chiều đỏ ối.
Ảnh minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ngày lũ lớn. Nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, chỉ một loáng đã mấp mé đường làng. Dân làng hò nhau chạy. Mẹ xếp đồ dùng cần thiết lên quang gánh, tay dắt anh em tôi tất tả chạy theo. Nước ngập mặt đường, mẹ san bớt đồ qua một thúng rồi bảo tôi ngồi lên thúng còn lại. Anh trai xịu mặt, nấc lên trong ấm ức. Mẹ vừa gánh vừa dỗ dành rồi dắt tay anh đi trong dập duềnh nước. Bóng mẹ in trên từng sóng nước, gầy guộc, mỏng manh. Làng chạy lũ, 3-4 nhà chung nhau một bếp, củi ướt mèm, khói cay xè mắt. Mẹ nấu một xoong khoai trộn đậu đen rồi nắm thành từng nắm nhỏ để anh em tôi ăn cả ngày. Trong mưa lũ, người lớn thì lo lắng đủ bề, chỉ bọn trẻ chúng tôi là ngang ngược đòi ăn cơm ngon rồi quấy khóc và nghịch nước. Anh em tôi cũng vậy, sau 2 ngày ngoan ngoãn ăn khoai nấu đậu, đến ngày thứ ba, tôi đã ngồi khóc đòi cơm trong tiếng thở dài của mẹ.
Mưa. Tôi hết nhìn trời rồi lại cúi xuống chiếc điện thoại, gõ từng chữ nhỏ. Ký tự mưa của tôi có cái giật mình đầy thảng thốt của mẹ. Ký tự mưa của tôi là dáng mẹ dập dềnh theo gợn nước của ngọn nguồn Rào Trổ. Ký tự mưa, ký tự của tháng năm đầy nhớ, đầy thương. Bất giác, tôi gửi cho đứa bạn thân dòng tin vừa chợt đến: “Cùng về quê, tắm mưa, ôn kỷ niệm nhé”. 
ĐÔNG HÒA
 

Có thể bạn quan tâm

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null