Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2022): Những giọt máu nặng sâu nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều bệnh nhân cần máu toàn phần hoặc tiểu cầu đã được giúp đỡ kịp thời nhờ “Ngân hàng máu nóng online” của Công an P.Hòa Thuận Đông, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
“Alô, chúng tôi cần máu hiếm giúp bệnh nhi bị ung thư”, “Alô, chúng tôi cần máu cho bệnh nhân mắc Covid-19 đang nguy kịch tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng...”. Nhận tin báo, trung tá Cao Lê Duy Hùng, Trưởng công an P.Hòa Thuận Đông, lập tức nối máy đến các cán bộ, chiến sĩ của mình. Và hầu như ngay và luôn, những người có nhóm máu phù hợp đến điểm hiến máu để ứng cứu kịp thời.
Hiến máu cho bệnh nhân Covid-19
Trong một chuyến tham gia chương trình từ thiện ở miền Trung, tôi gặp trung tá Cao Lê Duy Hùng. Khi tôi nói về công tác thiện nguyện, như “rà trúng đài” người trưởng công an còn rất trẻ của P.Hòa Thuận Đông này: “Đó là công việc mà cán bộ, chiến sĩ phường tôi tâm huyết lắm”.
“Ngân hàng máu nóng online” của Công an P.Hòa Thuận Đông được thành lập từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP.Đà Nẵng. Lúc đó, Công an P.Hòa Thuận Đông phối hợp cùng một số bệnh viện có nhu cầu hỗ trợ máu cho bệnh nhân đang điều trị Covid-19 trong tình huống cấp bách. Lúc đầu, chỉ có cán bộ, chiến sĩ của phường tham gia. Sau đó, để có nguồn máu hiến tặng nhiều hơn, đơn vị đã phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Cục Ngoại tuyến (A07, Bộ Công an) đóng tại miền Trung và giáo viên, học sinh Trường cao đẳng Công nghệ y dược Đà Nẵng chung sức để giúp đỡ cho nhiều trường hợp cần hỗ trợ máu trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng.

Đại úy Tào Viết Chung (trái) và thượng úy Trần Anh Khoa hiến tiểu cầu giúp đỡ bé Trân - con của người đồng đội mất vì ung thư. Ảnh: Duy Hùng
Đại úy Tào Viết Chung (trái) và thượng úy Trần Anh Khoa hiến tiểu cầu giúp đỡ bé Trân - con của người đồng đội mất vì ung thư. Ảnh: Duy Hùng
“Mặc dù dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, nhưng nhận thấy ý nghĩa của việc giúp đỡ máu cho người bệnh nên Công an P.Hòa Thuận Đông duy trì mô hình hiến máu sống. Ngoài 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, hiện nay còn có hơn 60 bạn đoàn viên, thanh niên trẻ cùng tham gia hiến máu toàn phần hoặc tiểu cầu khi nhận thông tin từ các bệnh viện”, trung tá Hùng chia sẻ.
Bản thân trung tá Cao Lê Duy Hùng đã nhiều lần hiến máu, nhưng anh chỉ muốn nói đến những chiến sĩ của mình hiến máu trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Chẳng hạn, trường hợp của cảnh sát khu vực - đại úy Đặng Quốc Bảo.
Theo trung tá Hùng, vào thời điểm Đà Nẵng “ai ở đâu ở yên đó” để phòng chống dịch, song với vai trò là lực lượng tuyến đầu, ngành công an tăng cường 100% quân số xuống khắp các địa bàn quận, huyện thiết lập chốt cách ly y tế ở khu dân cư, nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự, ngăn chặn tội phạm, phòng chống dịch bệnh… Ngoài ra, lực lượng công an TP.Đà Nẵng còn đảm nhiệm một phần việc hỗ trợ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đến từng khu dân cư bị phong tỏa, khu cách ly.
“Công an P.Hòa Thuận Đông thời điểm đó xảy ra sự cố bất ngờ, có đến 13 cảnh sát khu vực, công an phường trở thành F0, trong đó có đại úy Đặng Quốc Bảo. Anh bị phơi nhiễm từ một trường hợp mắc Covid-19 đến liên hệ công tác tại công an phường. Thế nhưng, điều trị vừa khỏi Covid-19, sau hai tuần anh đã tình nguyện hiến máu cứu người”, trung tá Hùng chia sẻ.
Đại úy Đặng Quốc Bảo nhớ lại: “Chiều 28.9.2021, khi đang làm nhiệm vụ, tôi tiếp nhận thông tin khẩn từ các thành viên trên trang Zalo “Ngân hàng máu nóng online” rằng tại Bệnh viện Phổi đang có một bệnh nhân Covid-19 rất nguy kịch, cần gấp máu nhóm B trùng hợp nhóm máu của mình. Sau khi tham khảo các ý kiến của bác sĩ chuyên môn huyết học, tôi xin chỉ huy đơn vị hỗ trợ thay người trực ban, rồi vào bệnh viện để hiến máu". Đó là lần thứ 2 trong năm, đại úy Bảo trực tiếp hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân Covid-19 và lần thứ 15 tham gia hiến máu toàn phần.

Trung tá Cao Lê Duy Hùng nhiều lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: Quang Viên
Trung tá Cao Lê Duy Hùng nhiều lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: Quang Viên
Tiểu cầu dành cho con của đồng đội
Một câu chuyện được trung tá Cao Lê Duy Hùng thổ lộ với tôi mà dường như anh khó kìm được cảm xúc: “Đồng chí Đỗ Hoàng Tùng, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính Công an H.Đông Giang, tỉnh Quảng Nam mất vì bệnh ung thư vào năm 2021. Nhưng thật khắc nghiệt, sau đó con gái của anh ấy lại mắc bệnh ung thư máu, cần tiểu cầu nhóm máu B. Ngay lập tức tôi huy động anh em trong đơn vị hiến tiểu cầu”.
Người công an hiến tiểu cầu lần này là thượng úy Trần Anh Khoa, dù anh vừa tham gia đợt hiến máu tình nguyện vào ngày 24.6.2022. Thượng úy Khoa nhớ lại chuyện hiến tiểu cầu cho con người đồng đội: “Vào lúc 12 giờ 5 ngày 27.7.2022, khi đang ăn cơm trưa thì tôi nhận được cuộc gọi từ trung tá Cao Lê Duy Hùng báo tin cháu Đỗ Hoàng Bảo Trân, con của đồng chí Tùng, đang cần gấp số lượng lớn tiểu cầu nhóm máu B để vào đợt thuốc mới. Tôi xung phong đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (nơi cháu Trân đang điều trị) để tiến hành hiến tiểu cầu”.
“Bác sĩ lấy máu tôi đưa đi xét nghiệm trước. Tôi ngồi chờ kết quả xét nghiệm mà hồi hộp thầm mong máu của mình đáp ứng được yêu cầu để tiến hành lọc tiểu cầu, giúp được cháu Trân. Do tôi mới vừa ăn trưa nên bác sĩ yêu cầu tôi uống nước liên tục để tiểu cầu không bị đục thì mới có thể hiến thành công được. Tầm một tiếng sau, tôi mừng khi bác sĩ bảo vào phòng hiến tiểu cầu. Sau khoảng 45 phút thì hoàn thành xong quy trình hiến tiểu cầu. Tôi không thấy sức khỏe có gì bất thường, chỉ cảm nhận hơi tê ở môi khi máy bơm trả lại máu vào cơ thể”, thượng úy Khoa thổ lộ.

Đại úy Đặng Quốc Bảo hiến máu cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình huống cấp bách. Ảnh: Duy Hùng
Đại úy Đặng Quốc Bảo hiến máu cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình huống cấp bách. Ảnh: Duy Hùng
Nói về công việc hiến máu của mình, thượng úy Khoa trải lòng: “Những người bệnh nặng trong bệnh viện đã trải qua những đau đớn về thể xác, tinh thần. Rồi nhìn xung quanh phòng bệnh nhân ung thư máu toàn những túi máu đang tiếp cho họ… Điều đó luôn hằn sâu trong tâm trí tôi. Và tôi nghĩ, nếu như mỗi người có thể góp phần nào đó giúp đỡ cho bệnh nhân nặng thì thật tốt, đặc biệt là máu hoặc tiểu cầu mà họ đang cần”.
Còn đồng đội của thượng úy Khoa là đại úy Tào Viết Chung cũng hiến máu cho cháu Trân và những bệnh nhân khác, thì chia sẻ: “Không biết thì thôi, chứ biết bất kỳ ai cần máu hay tiểu cầu mà đúng nhóm máu của mình, là tôi và anh em trong đơn vị đi đến hiến liền. Đơn giản, chúng tôi chỉ mong máu của mình sẽ cứu sống được ai đó khi cần”.
“Mặc dù công việc của đơn vị lúc nào cũng bận rộn, vất vả. Có đồng chí làm nhiệm vụ đến 3 giờ sáng, nhưng khi có thông tin cần hiến máu toàn phần hoặc tiểu cầu thì anh em nhanh chóng đáp ứng. Chúng tôi không quản ngại khó khăn, không quản ngại mưa hay nắng… khi bệnh nhân cần máu. Những cái tên Đặng Quốc Bảo, Tào Viết Chung, Trần Anh Khoa… đã dần trở nên quen thuộc đối với nhiều y bác sĩ của Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Phụ sản - Nhi ở TP.Đà Nẵng, và cả với nhiều bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện này”, trung tá Cao Lê Duy Hùng chia sẻ thêm.
Rất mong những nghĩa cử ấy ngày càng lan tỏa trong cộng đồng
Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện TP.Đà Nẵng, cho biết: “Hằng năm, các bệnh viện tại Đà Nẵng cần khoảng 40.000 đơn vị máu cấp cứu, trong đó lực lượng Công an Đà Nẵng đã tham gia hiến tặng gần 1.500 đơn vị máu. Đặc biệt, những giọt máu được các chiến sĩ công an hiến tặng trong thiên tai, dịch bệnh, cấp cứu thật sự quý giá”.
Theo bà Hồng, những mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm hiến máu tình nguyện như “Ngân hàng máu nóng online” của Công an P.Hòa Thuận Đông đã giúp các bệnh viện kịp thời giải quyết tình trạng thiếu máu trong những trường hợp khẩn cấp nhất, giúp bệnh nhân có cơ hội vượt qua bệnh tật.
“Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện TP.Đà Nẵng và các bệnh nhân luôn ghi nhận và trân quý các nghĩa cử cao đẹp này. Chúng tôi rất mong những nghĩa cử ấy ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, vừa giúp bệnh nhân có cơ hội giành lại sự sống, vừa góp phần lan tỏa các giá trị nhân đạo”, bà Hồng chia sẻ.
Theo Quang Viên (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.