(GLO)- Sáng 17-7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (17-7-2002 – 17-7-2012) và biểu dương cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và người có công.
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng gắn bó trực tiếp một thời đầy biến động, trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của vùng Tây Nguyên trong 10 năm qua và sự trưởng thành nhanh chóng của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cái được lớn lao ở Tây Nguyên không chỉ là sự phát triển từng ngày của vùng Tây Nguyên, là sự trưởng thành theo năm tháng của Ban Chỉ đạo mà quan trọng hơn là đã tạo dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc, hội tụ sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp nối được truyền thống đoàn kết đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước đã được phát huy, đã được nhân lên và trở thành cội nguồn của mọi thành công và thắng lợi.
Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ và tri ân đồng chí, đồng bào đã gắn bó, hy sinh, lao động ngày đêm để mang lại sự ổn định và phát triển cho vùng đất Tây Nguyên- địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những thành tựu đạt được là rất đáng vui mừng và Tây Nguyên đang đứng trước một tương lai đầy triển vọng nhưng thực tế hiện nay, Tây Nguyên vẫn còn là một vùng nghèo, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...
Một góc thành phố Pleiku- Gia Lai. Ảnh: Minh Thi |
Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, sớm giàu về kinh tế, cải thiện nhanh về đời sống, vững chắc về quốc phòng- an ninh, cần phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đặc biệt Tây Nguyên phải thực hiện thật tốt trên thực tế chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Để Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục đảm đương được nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tiếp tục củng cố và phải phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, tích cực chỉ đạo, phối hợp triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các công việc trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó coi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào là ưu tiên hàng đầu.
Thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, đôn đốc và nêu cao vai trò giám sát các bộ, ngành, địa phương; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao đồng thời chủ động theo dõi diễn biến của tình hình, cập nhật thông tin, nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục các hạn chế, yếu kém trên địa bàn.
Tích cực tham gia, phối hợp các lực lượng, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tham mưu, xử lý kịp thời những tình huống đột xuất về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn. Bên cạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố tiếp giáp Tây Nguyên nỗ lực hơn nữa, tập trung nâng cao đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội, sớm đưa nông thôn Tây Nguyên và các huyện tiếp giáp Tây Nguyên thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và cán bộ, công chức Cơ quan Thường trực phát huy kết quả đã đạt được của 10 năm qua, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sản xuất đá granit tại Gia Lai. Ảnh: Minh Thi |
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương những cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và người có công đã phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng buôn làng vững mạnh, vượt qua nghèo nàn, biết vươn lên làm giàu, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài nguyên môi trường. Biểu dương các đại biểu tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, góp phần làm tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẳng định Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm và xác định tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân, coi đồng bào các tôn giáo là một bộ phận máu thịt trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Trần Đại Quang-Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, 10 năm qua Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đã đạt được những kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, chất lượng các tổ chức đảng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa được nâng cao; kinh tế Tây Nguyên giữ được mức tăng trưởng khá, đảm bảo chuyển dịch kinh tế theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra; hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện nhất quán; công tác hỗ trợ sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất đai, việc làm được quan tâm chỉ đạo; quốc phòng, an ninh được giữ vững… Quá trình hình thành và phát triển của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong 10 năm qua là một chặng đường phấn đấu khắc phục khó khăn để vừa hoàn thành những nhiệm vụ trước mắt rất quan trọng, vừa tìm tòi, định hướng nội dung, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lâu dài, góp phần vào sự ổn định và phát triển vùng Tây Nguyên.
Thượng tướng Trần Đại Quang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. |
Trong 10 năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc, đội ngũ trí thức, các giai tầng xã hội trong vùng và sự góp sức của cả nước, Tây Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Đã xây dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc và giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội, ngăn chặn được âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phá tan tổ chức FULRO, làm thất bại âm mưu thành lập "Nhà nước Đề-ga". Từ một cơ cấu lạc hậu và thiếu cân đối, kinh tế Tây Nguyên hiện nay đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm, chênh lệch thu nhập quốc dân bình quân đầu người so với cả nước thu hẹp nhanh.
Hạ tầng kinh tế xã hội Tây Nguyên được tập trung đầu tư và đã có phát triển đáng kể. Văn hóa, xã hội được đặc biệt quan tâm và có chuyển biến rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã đạt bước tiến mới, hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói đã đạt mức sống trung bình và khá, nhiều hộ gia đình đã giàu có, trở thành mô hình sáng về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Mai Văn Năm- nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Minh Thi (tổng hợp)