(GLO)- Nhằm giúp người dân cải thiện kỹ năng canh tác, nâng cao năng suất lúa, năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro đã triển khai mô hình thâm canh lúa nước với diện tích 10 ha của 9 hộ người Bahnar tại 2 xã Đak Pling và Đak Song.
Trồng lúa nước từ nhiều năm nay nhưng do không nắm vững kỹ thuật, ít chịu đầu tư chăm sóc nên ruộng lúa của gia đình anh Đinh Xoay (làng Brang, xã Đak Pling) chỉ đạt năng suất thấp. “Nhà mình có 5 sào đất chủ động được nguồn nước tưới. Các năm trước, mình cũng trồng lúa nước nhưng do không nắm được kỹ thuật chăm sóc nên năng suất lúa rất thấp. Tham gia mô hình thâm canh lúa nước do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, mình được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhờ thế 5 sào lúa thu được khoảng 3 tấn thóc. Cả làng đều bất ngờ và vui lây niềm vui được mùa của gia đình mình”-anh Đinh Xoay phấn khởi nói.
Cánh đồng lúa nước tại làng Mèo nhỏ, xã Đak Pling. Ảnh: Hải Lê |
Tương tự hộ anh Xoay, gia đình anh Đinh Ốm (làng Brang) cũng thu được trên 3 tấn thóc từ 5 sào ruộng lúa nước tham gia mô hình. “Trước đây, bà con trồng lúa chỉ chăm sóc sơ sài, lúc nào có điều kiện thì bỏ phân, phun thuốc, không tuân thủ nghiêm thời vụ nên vụ được, vụ mất. Khi tham gia mô hình, có sự hướng dẫn của cán bộ Trạm Khuyến nông về kỹ thuật trồng lúa, từ khâu làm ruộng, chuẩn bị đất tới lịch gieo trồng, lịch bón phân, khi lúa sâu bệnh phải phun thuốc… Nhờ thế, năng suất lúa tăng cao”-anh Đinh Ốm nói.
Nguyễn Quang Quốc-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro: Năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình thâm canh cây lúa nước tại địa bàn 2 xã Đak Pling và Đak Song với 9 hộ tham gia. Chúng tôi lựa chọn giống lúa DV108 để bà con sản xuất. Ưu điểm của giống lúa này là cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện canh tác. Mục đích của mô hình này là nâng cao kỹ năng canh tác lúa nước cho người dân, hướng đến mục tiêu xa hơn là cải thiện đời sống cho bà con người Bahnar tại các vùng khó khăn. Thời gian đến, từ thành công mô hình này, sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng để ngày càng có nhiều hộ hơn nữa tiếp cận và áp dụng theo. |
Mô hình thâm canh cây lúa nước triển khai tại 6 hộ ở 2 làng Brang và làng Mèo nhỏ (xã Đak Pling) với tổng diện tích 9 ha. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ giống lúa và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt, trong suốt mùa vụ, các hộ luôn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết từ phía cán bộ Trạm Khuyến nông huyện. “Từ thành công của mô hình này, chúng tôi sẽ cố gắng động viên các hộ khác học tập làm theo. Việc nhân rộng mô hình này chắc chắn sẽ giúp nhiều hộ người Bahnar ở Đak Pling không còn ám ảnh nỗi lo thiếu đói mùa giáp hạt nữa”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Pling-anh Đinh Sóc phấn khởi nói. Anh Đinh Sóc còn cho biết, bà con Đak Pling rất ham học hỏi và cần cù, chịu khó. Trước đây, do tập quán canh tác lúa nước còn lạc hậu, bà con lại quen dùng các giống lúa địa phương nên năng suất không cao. Giờ đây, khi đã có nhiều hộ tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới, khoa học và tiến bộ thì việc thay đổi thói quen để nâng cao năng suất lúa là chuyện không còn xa.
Hải Lê