Nâng tầm giá trị hạt cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Minh bạch đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra, từng bước nâng tầm giá trị hạt cà phê là hướng đi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Gia Lai để xây dựng ngành hàng cà phê bền vững, vươn tới các thị trường khó tính.

Sản xuất hữu cơ để vươn tới thị trường khó tính

USDA (United States Department of Agriculture) là chứng nhận hữu cơ do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp. So với nhiều loại chứng nhận hữu cơ (organic) khác thì USDA có độ tin cậy cao bởi quy trình đánh giá rất nghiêm ngặt. Chỉ những sản phẩm có trên 95% thành phần cấu tạo là chất hữu cơ mới được cấp chứng nhận USDA và có thể sử dụng logo cho sản phẩm được chứng nhận này.

Gia Lai hiện mới có số ít đơn vị đạt được chứng nhận USDA đối với ngành hàng cà phê. Song, sản xuất nông nghiệp hữu cơ để hướng đến chứng nhận USDA đang là xu thế tất yếu trong tương lai. Điểm vượt trội của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống chính là tính bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Nông sản hữu cơ cũng có giá bán vượt trội so với sản phẩm thông thường. Đặc biệt, nông sản hữu cơ có nhiều lợi thế thâm nhập các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Tạo dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ là minh chứng cho hướng đi bền vững để có thể thâm nhập các thị trường khó tính. Ảnh: V.T

Tạo dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ là minh chứng cho hướng đi bền vững để có thể thâm nhập các thị trường khó tính. Ảnh: V.T

Tháng 3-2024, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) đã tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng cà phê hữu cơ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản. Sản phẩm cà phê này được trồng tại trang trại Vĩnh Hiệp (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) trên diện tích 42 ha. Năm 2018, trang trại đạt chứng nhận cà phê hữu cơ đầu tiên của Việt Nam với sản lượng hàng năm đạt khoảng 60 tấn nhân. Hiện trang trại đã đạt 4 chứng nhận organic của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Để đạt được những chứng nhận đó, cà phê tại trang trại phải áp dụng quy trình trồng, chăm sóc vô cùng nghiêm ngặt, từ khâu giống đến quản lý dinh dưỡng nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và phát triển bền vững hệ sinh thái dưới đất. Sản phẩm thu hoạch phải có tỷ lệ quả chín đạt từ 95% trở lên và tỷ lệ tạp chất không quá 0,5%; sản phẩm tận thu cuối vụ có tỷ lệ quả chín trên 80%. Sau khi thu hái, cà phê được đưa vào hệ thống rửa. Tiếp đó, tùy theo yêu cầu chế biến, tính chất quả cà phê, điều kiện thời tiết mà có phương pháp chế biến phù hợp.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ: “Vĩnh Hiệp đặt ra sứ mệnh cho mình là tiên phong về nông nghiệp hữu cơ, đưa nông sản Việt Nam lên một tầm cao mới bằng việc đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính nhất thế giới.

Trang trại là mô hình thí điểm, tạo nền tảng để chia sẻ, hướng dẫn cho người dân cách tiếp cận phù hợp quy trình sản xuất hữu cơ. Và để tạo sinh kế cho bà con nông dân, Vĩnh Hiệp sẽ hỗ trợ bao tiêu đầu ra với mức giá tốt, xứng đáng với chất lượng hạt cà phê, giúp họ hiểu được giá trị và gắn kết lâu dài, cùng nhau phát triển bền vững”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) cho biết: “Thành viên Hợp tác xã đã có một phần diện tích vườn cây được chứng nhận USDA và EU cách đây 4 năm. Năm ngoái, diện tích này được nâng lên 30 ha (trong đó có cà phê) được chứng nhận USDA và EU. Các tiêu chuẩn này mở ra cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Hợp tác xã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính”.

Một trong những quy trình chế biến cà phê chất lượng cao tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba. Ảnh: ĐVCC

Một trong những quy trình chế biến cà phê chất lượng cao tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba. Ảnh: ĐVCC

Đến nay, Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Tam Ba có 200 ha áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, dự định trong niên vụ tới sẽ đăng ký các thủ tục làm chứng nhận USDA. Việc sản xuất theo quy trình hữu cơ để đạt được các chứng nhận quốc tế sẽ là cơ hội cho cà phê Gia Lai vươn tới các thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Nâng tầm giá trị hạt cà phê

Trong tổng số hơn 100 ngàn ha cà phê của tỉnh (khoảng 88 ngàn ha kinh doanh), hiện có khoảng 46 ngàn ha sản xuất theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, UTZ, Rainforest Alliance… Toàn tỉnh có khoảng 90 nhà máy, cơ sở chế biến cà phê với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: L’amant, Thu Hà, Thanh Thủy; có 31 sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP.

Theo ông Lưu Vinh Quang-Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Tam Ba: Hiện nay, thị trường xuất khẩu cà phê nhân xanh của Công ty đã mở rộng ra các nước: Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Singapore; còn hàng thành phẩm rang xay được xuất sang Hoa Kỳ. Trong 3 năm gần đây, từ nguồn nguyên liệu sản xuất theo quy trình hữu cơ, Công ty chú trọng chế biến dòng cà phê chất lượng cao để gia tăng giá trị cho sản phẩm và phục vụ thị trường xuất khẩu.

Vừa rồi, lô hàng đầu tiên với sản lượng 38 tấn xuất đi Nhật Bản đã đánh dấu bước tiến về chất lượng sản phẩm của Công ty. Để lô hàng này bảo đảm yêu cầu, đối tác đã cử người sang kiểm tra nghiêm ngặt quy trình chăm sóc. Đến thời điểm thu hoạch, sơ chế và đóng gói, họ cũng giám sát chặt chẽ như vậy.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc hiện đại để chế biến cà phê. Ảnh: V.T

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc hiện đại để chế biến cà phê. Ảnh: V.T

Cà phê hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 490 triệu USD. Tuy nhiên, sản lượng hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhân xanh, tỷ lệ cà phê qua chế biến mới chỉ chiếm khoảng 16%.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Ngoài việc tạo dựng nguồn nguyên liệu chất lượng thì việc chế biến các dòng cà phê chất lượng cao với các phương pháp sơ chế honey, natural, Fine robusta sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm 1,5-2 lần so với cách chế biến thông thường. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi người sản xuất phải chú trọng từ khâu chăm sóc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch cà phê chín đạt 80-95%, cho đến công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến ra thành phẩm.

Sản xuất cà phê chất lượng cao sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm 1,5-2 lần so với cách chế biến thông thường. Ảnh: V.T

Sản xuất cà phê chất lượng cao sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm 1,5-2 lần so với cách chế biến thông thường. Ảnh: V.T

Theo Quyết định số 383/QĐ-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 sẽ duy trì ổn định khoảng 100-105 ngàn ha cà phê, sản lượng đạt 304 ngàn tấn.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đẩy mạnh tái canh các vườn cà phê già cỗi với diện tích trên 8.500 ha, tập trung tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Kbang và TP. Pleiku; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; trồng xen cây ăn quả, cây dược liệu, cây nông nghiệp ngắn ngày vào vườn cà phê tái canh để nâng cao thu nhập; áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch; tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho cà phê Gia Lai.

Đồng thời, triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai, mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Gia Lai; phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.170 ha, sản lượng cà phê đặc sản khoảng 4.680 tấn.

Có thể bạn quan tâm

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

(GLO)- Tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh Gia Lai mới trồng được trên 2.550 ha rừng (gần 2.050 ha rừng tập trung và hơn 500 ha cây phân tán), đạt 24,7% kế hoạch. Con số thống kê đó nói lên sự chậm trễ trong công tác chỉ đạo trồng rừng của các cấp chính quyền.
Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

(GLO)- Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo.