Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 6/9 đã đưa ra động thái kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại với việc bơm 126 tỷ USD vào hệ thống tài chính.
Theo New York Times, động thái này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết với Washington, và nó cũng liên quan tới sức khỏe của các khoản nợ ở thị trường nội địa.
Quyết định này cho thấy sự sẵn lòng của chính quyền trung ương trong việc nới lỏng chiến dịch hạn chế cho vay, vốn đang là gánh nặng cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng túi tiền cho vay hơn nữa nếu chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết cơ quan này sẽ giảm yêu cầu với tỷ lệ dự trữ bắt buộc - lượng tiền mặt mà một ngân hàng cần phải giữ trong kho của họ - xuống 0,5 điểm phần trăm bắt đầu từ ngày 16/9. Động thái này sẽ giúp có thêm 900 tỷ nhân dân tệ được đưa vào hệ thống tài chính.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm yêu cầu với tỷ lệ dữ trữ bắt buộc của các ngân hàng. Ảnh: Reuters.
Thậm chí một số ngân hàng được phép giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống thêm tận 1 điểm phần trăm để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp tư nhân vay tiền. Các quan chức cấp cao cũng cho biết họ có kế hoạch nới lỏng các quy định ở chính quyền địa phương liên quay đến việc vay tiền đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhiều công ty đang gặp khó khăn để giữ vững hoạt động, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và các gia đình đối mặt với sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, đặc biệt là thịt lợn.
Bằng cách cho phép các ngân hàng cho vay thêm tiền và khuyến khích chính quyền địa phương, vốn đang chịu nhiều khoản nợ, tiếp tục vay tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, PBOC hy vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, bước đi lần này được cho là tương đối khiêm tốn với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, và với tác động của cuộc chiến thương mại đã kéo dài cả năm với Mỹ. Kỳ vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm tới đang ngày càng giảm, đặc biệt là khi chiến tranh thương mại tiếp diễn.
"Các chính sách ở Trung Quốc thường được đưa ra chậm trễ, có nghĩa là trong một thế giới lý tưởng thì chính phủ cần phải làm nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Những biện pháp chính sách này là quá nhẹ và quá nhỏ bé để ngăn cản sự giảm tốc", ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Macquarie Group, nhận định.
Ông Hu cho biết mình sẽ phải điều chỉnh lại dự đoán về tăng trưởng 6% của kinh tế Trung Quốc trong năm 2020. Wang Tao, nhà kinh tế học tại UBS, cho biết bà kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm tới.
Sơn Trần (Zing.vn)