Kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Tạo khả năng thu hút người tài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức để đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Các thí sinh tham gia dự Kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Bến Tre năm 2022. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Các thí sinh tham gia dự Kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Bến Tre năm 2022. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2024 sẽ tổ chức hai kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức, vào tháng 7 và tháng 11. Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) đang tham mưu cho Hội đồng kiểm định công chức năm 2024 xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức kỳ thi thử kiểm định.

Thời gian tổ chức thi thử kiểm định trong tháng 4/2024. Kết quả kỳ thi thử kiểm định được dùng để phân tích, đánh giá, tham khảo, rút kinh nghiệm cho kỳ kiểm định chính thức, không sử dụng để đăng ký dự tuyển công chức.

Thời gian cụ thể kỳ thi chính thức sẽ được Hội đồng kiểm định quyết định và được thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức để đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn, đáp ứng theo yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức trong giai đoạn hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, công tác tuyển dụng công chức thời gian qua còn một số hạn chế, tồn tại như chất lượng đề thi giữa các bộ, ngành chưa thống nhất, đồng đều; chưa phản ánh, đánh giá đúng mặt bằng chất lượng nguồn tuyển dụng. Do đó, chất lượng công chức được tuyển dụng còn chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi tại nhiều nơi còn thiếu chủ động. Phần mềm thi tuyển chưa có tiêu chuẩn thống nhất. Các cơ quan, địa phương trực tiếp tổ chức thi vòng 1 theo phân cấp, trong khi nguồn tuyển dụng không lớn dẫn đến việc lãng phí nguồn lực, công sức, thời gian. Cơ hội của thí sinh có năng lực trong nhiều trường hợp bị hạn chế.

Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã đặt ra yêu cầu "thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ.”

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã quy định thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.

Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.

Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Ninh, thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, tạo ra nguồn ứng viên thực sự có chất lượng để các cơ quan, đơn vị thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng. Đồng thời, khắc phục sự phân tán trong tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; góp phần khoa học hóa, minh bạch hóa quy trình tuyển dụng công chức, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ hiện nay.

Việc tổ chức tập trung sẽ rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức, tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi và linh hoạt từ những ứng viên đạt kết quả kiểm định trong phạm vi toàn quốc, thay vì giới hạn bó hẹp trong một kỳ tuyển dụng của từng cơ quan, tổ chức như trước đây.

Từ đó, cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những ứng viên có năng lực tham gia kỳ thi tuyển chuyên môn để trở thành công chức phù hợp với vị trí việc làm và khung năng lực của vị trí cần tuyển. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho ứng viên có quyền lựa chọn, đăng ký tham gia dự tuyển ở bất cứ bộ, ngành, địa phương nào và thuận lợi trong việc hướng nghiệp, chọn lựa việc làm.

Thực tế tuyển dụng công chức ở nhiều bộ, ngành và địa phương cho thấy, từ khi được phân bổ chỉ tiêu biên chế đến tổ chức thi đủ 2 vòng và có kết quả phải mất từ 4-6 tháng. Kết quả kiểm định có giá trị 24 tháng, tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

Từ việc bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng, tạo khả năng thu hút được những người có tài năng vào nền công vụ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của từng bộ, ngành, địa phương và của cả nước.

Điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là nâng cao chất lượng và đổi mới về nội dung câu hỏi, theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh, bổ sung kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử. Các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; đạo đức công vụ được kế thừa từ những nội dung còn phù hợp trước đây và xây dựng nội dung mới đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024, trong đó yêu cầu, việc tổ chức kiểm định phải bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Hội đồng kiểm định quyết định lựa chọn các điểm thi và thành lập các bộ phận giúp việc: Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự kiểm định, Ban coi thi, Ban thư ký.

Hội đồng kiểm định thông báo về từng kỳ kiểm định chậm nhất 30 ngày tính đến ngày tổ chức kiểm định; đồng thời, công bố cấu trúc, đề cương chi tiết bài thi, hướng dẫn sử dụng phần mềm của kỳ kiểm định.

Thí sinh đăng ký dự kiểm định qua Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức hoặc theo nội dung trong Hướng dẫn đăng ký dự thi kiểm định. Thí sinh đăng ký dự kiểm định được quyền chọn đợt thi, địa điểm đăng ký dự thi. Trên cơ sở số lượng thí sinh đăng ký dự kiểm định, Hội đồng kiểm định tổ chức các điểm thi nhằm bảo đảm cho từng kỳ kiểm định diễn ra an toàn, an ninh, tiết kiệm, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thay đổi tư duy nghề nghiệp

Thay đổi tư duy nghề nghiệp

Một khảo sát gần đây của chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc Làm Tốt (Chợ Tốt) với 1.605 người lao động (NLĐ) cho thấy trong hơn 6 tháng qua, có 85% NLĐ muốn nhảy việc. Không chỉ NLĐ trẻ mà nhóm độ tuổi trung niên khác cũng đang tham gia vào trào lưu thay đổi môi trường làm việc.

Gia Lai lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ

Gia Lai lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ

(GLO)- Sở Y tế tỉnh Gia Lai vừa có văn bản lấy ý kiến góp ý của tổ chức, đơn vị, cá nhân về dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.

Ngăn ngừa hiểm họa

Ngăn ngừa hiểm họa

Tài xế không được lái xe quá 48 giờ/tuần là một trong những quy định đáng chú ý của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ - có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Người lái xe nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua

Người lái xe nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua

(GLO)-12 năm gắn bó với nghề dạy lái xe, Đại úy  Phạm Văn Sáng nhân viên, kiêm giáo viên dạy lái xe, Phòng Hậu cần, Trường Cao đẳng nghề 21 (Binh đoàn 15) đã đi qua quãng đường gấp 10 lần chiều dài đất nước. Anh đã được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen và đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi.