(GLO)- Thời gian qua, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Những thành công mà họ đạt được đã góp phần mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Tiên phong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất
Là con út trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn 3 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa), ba lại mất sớm nên ngay từ nhỏ, Lê Văn Thêm (SN 1995) đã biết phụ giúp mẹ làm rẫy và buôn bán. Trong thời gian rảnh rỗi, Thêm hay lên mạng internet để tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế. Nhận thấy nhu cầu sử dụng rau sạch trên địa bàn huyện rất cao nhưng chưa có ai đầu tư sản xuất, Thêm liền nảy sinh ý định khởi nghiệp theo hướng này. Anh đem ý định của mình bàn với gia đình nhưng ai cũng can ngăn vì cho rằng vốn đầu tư ban đầu vượt quá khả năng, vả lại Ia Pa là huyện thuần nông, liệu sản xuất ra có tiêu thụ được.
Đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Ảnh: H.Đ.T |
Trong một lần ngồi trò chuyện, biết ý định của Thêm, một người bạn đã ra sức ủng hộ và rủ Thêm cùng chung vốn để làm. Vậy là Thêm đi mua nguyên-vật liệu để dựng một khung nhà giàn trồng rau sạch. Hiện nay, Thêm có 6 giàn rau thủy canh, chủ yếu là xà lách và rau cải trên diện tích 720 m2. Các loại rau này được trồng theo từng ô, từng lứa để ngày nào cũng có thu hoạch. Rau thủy canh sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ 40-50 ngày. Bước đầu, sản phẩm rau sạch do Thêm làm ra được người dân địa phương tin dùng nên bán khá nhanh.
Hiện nay, rau xà lách Thêm bán ra thị trường khoảng 35.000 đồng/kg, cải 25.000 đồng/kg. Mỗi ký rau bán ra thị trường, trừ chi phí, anh lãi trên 50%. “Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc mỗi thanh niên phải luôn tìm tòi, đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mang đến những sản phẩm an toàn cũng là cách để tôi góp phần vào việc phát triển nền nông nghiệp bền vững”-anh Lê Văn Thêm chia sẻ.
Khác với Thêm, anh Phạm Thăng Bằng (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) là người đam mê hoa lan và mong muốn duy trì, nhân rộng nhiều giống hoa quý hiếm. Vì vậy, anh Bằng đã quyết định khởi nghiệp bằng mô hình trồng hoa lan. Với chiến lược kinh doanh tập trung vào sự độc đáo, khác biệt, mô hình trồng hoa lan của anh đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính không chỉ bởi sự đa dạng về chủng loại mà còn vì có nhiều loại hoa lan rừng quý hiếm. Để làm được điều này, anh Bằng đã nghiên cứu và học hỏi từ nhiều người về phương pháp nuôi cây mô. Sau đó, anh tự tìm cách nhân giống các loại hoa lan rừng để cung cấp ra thị trường. Hiện tại, với quy mô trên 1.000 m2, hàng năm, anh Bằng thu về gần 500 triệu đồng từ bán hoa lan. Anh cũng đã đầu tư các loại máy móc hiện đại vào trồng hoa lan, đặc biệt là hệ thống điều khiển tự động từ xa qua điện thoại có thể căn chỉnh lượng phân bón, lượng nước một cách chính xác, giúp tiết kiệm thời gian, công lao động và phòng tránh được các loại bệnh hại phổ biến trên hoa lan. Không chỉ tập trung trồng hoa lan, anh Bằng còn mở rộng hình thức kinh doanh lắp đặt, phân phối loại máy móc tự động này đến nhiều nhà vườn có nhu cầu.
Cơ hội và thách thức
Lê Văn Thêm và Phạm Thăng Bằng là 2 trong hàng ngàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đang đi đầu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, đối với các bạn trẻ, việc tạo ra môi trường thuận lợi để thực hiện ý tưởng mới, sáng tạo là điều rất quan trọng. Vì vậy, những quỹ đầu tư sáng tạo và khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hay những chương trình đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp… do tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên triển khai có ý nghĩa rất thiết thực, khích lệ các bạn trẻ tiếp cận tri thức khoa học công nghệ và thúc đẩy các hoạt động sáng tạo.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, cho biết: Thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã triển khai các hoạt động tập huấn, nói chuyện chuyên đề về kiến thức, kỹ năng cần có để đoàn viên thanh niên làm chủ cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, từ thành công của cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ nhất, Tỉnh Đoàn cũng phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ II. Hiện nay, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhưng cái khó là vấn đề vốn và sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp. Vậy nên nhiều thanh niên không đủ mạnh dạn triển khai những ý tưởng sáng tạo của mình vào thực tiễn. Nắm bắt được vấn đề này, thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã luôn đồng hành với những thanh niên có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, nhất là trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Qua cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẵn sàng đầu tư vốn để những ý tưởng sáng tạo của thanh niên sớm đi vào thực tiễn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Mới đây nhất, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh Gia Lai đã đi khảo sát và quyết định bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ trùn quế của anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Đak Hlơ (huyện Kbang), là người đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ nhất. Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đầu tư máy móc để anh Hòa sản xuất ra những sản phẩm từ trùn quế. Ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh Gia Lai, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, cho biết: Công ty Trường Sinh đã trao cho Hội Doanh nhân trẻ tỉnh 3 tỷ đồng để hỗ trợ những thanh niên trên địa bàn tỉnh thực hiện được đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao. Những sản phẩm các bạn làm ra, Công ty và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẽ làm cầu nối bao tiêu. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng vừa ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp. Đây là cơ hội để các bạn trẻ được tham gia nghiên cứu, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hà Đức Thành