Sáng 10-6, tại thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã diễn phiên khai mạc Hội nghị cấp cao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2018 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tham dự phiên khai mạc còn có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo các nước thành viên, các nước quan sát viên, các nước đối tác đối thoại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải. |
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá, kể từ khi thành lập đến nay Tổ chức hợp tác Thượng Hải không chỉ là diễn đàn quan trọng kết nối các thành viên mà còn ngày càng phát huy vai trò, tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, trở thành một lực lượng quan trọng trong việc duy trì,thúc đẩy hòa bình, phát triển.
Trải qua 17 năm thành lập và phát triển, Tổ chức hợp tác Thượng Hải đã trở thành mô hình hợp tác khu vực lớn nhất thế giới, với dân số và tổng lượng kinh tế lần lượt chiếm 20% và 40% toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay, Tổ chức hợp tác Thượng Hải cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, đòi hỏi các thành viên phải có cách nhìn nhận và đánh giá chính xác đối với xu thế, cục diện của thời đại.
“Mặc dù chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa không ngừng có những biểu hiện mới, nhưng “thế giới phẳng” khiến cho lợi ích các quốc gia ngày càng đan xen, cùng chung vận mệnh, hợp tác cùng thắng sẽ là xu thế lớn và tất yếu”, Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đánh giá chương trình nghị sự của SCO tại Thanh Đảo lần này rất phong phú với nhiều nội dung khác nhau từ chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan tới thúc đẩy hợp tác về kết nối, thương mại, hải quan, luật pháp, y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Chiều cùng ngày, nguyên thủ các quốc gia thành viên SCO đã ký vào Tuyên bố chung Thanh Đảo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao SCO. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí mở rộng và hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ Trung-Nga phát triển hơn trong thời đại mới cũng như tăng cường mở rộng hợp tác trong cơ chế của SCO. Hai nhà lãnh đạo còn đi sâu trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm như tình hình bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân của Iran ...
SCO được thành lập từ năm 2001 với 6 nước thành viên là: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan. Tiêu chí ban đầu là hợp tác giải quyết các vấn đề biên giới, hợp tác an ninh chống tội phạm xuyên biên giới và chống khủng bố...
Năm 2017, SCO kết nạp thêm hai thành viên là Ấn Độ và Pakistan nâng tổng số thành viên lên 8. Nội dung hợp tác không ngừng được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, du lịch và giao lưu nhân dân ... Tham gia hoạt động của SCO còn có 4 nước quan sát viên và 6 nước đối tác đối thoại. Mỹ đã từng bày tỏ mong muốn trở thành nước quan sát viên của SCO nhưng không được chấp nhận.
Hà Thắng-Đinh Tuấn/VOV