Ia Vê nhân rộng mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành vi của người dân làng Ó và làng Hlang Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) về vệ sinh môi trường.
Dẫn chúng tôi tới thăm một số gia đình hội viên, chị Kpuih Plik-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Ó-cho biết: Làng có 133 hội viên phụ nữ. Trước đây, đa phần người dân có thói quen vứt rác bừa bãi, thả rông gia súc gây ô nhiễm môi trường. Để nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường cho hội viên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Vê đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Đặc biệt, tháng 10-2021, Hội LHPN xã chọn làng Ó và làng Hlang Ngol làm điểm mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”.
Để thực hiện mô hình, Chi hội tiến hành họp và chọn 10 hội viên nòng cốt làm điểm để bà con trong làng học tập. Các hội viên được cán bộ phụ nữ xuống tận nhà hướng dẫn cách thức sắp xếp lại đồ dùng sinh hoạt, cách vệ sinh, phân loại rác thải ngay tại nhà bếp, trước sân nhà, cổng ngõ, đào hố xử lý rác thải và cách làm chuồng trại chăn nuôi hợp lý, làm vườn rau xanh, trồng hoa trước sân và cổng ngõ. Bà Plik cho biết: “Ban đầu, việc sắp xếp đồ dùng chưa ngăn nắp, vệ sinh nhà cửa của các hộ vẫn chưa thực sự sạch sẽ nhưng đến nay có chuyển biến rõ rệt. Từ kết quả này, có thêm 10 hội viên xin tham gia mô hình. Ngoài ra, hầu hết phụ nữ trong làng sau khi được tham quan học tập kinh nghiệm tại các gia đình hội viên cũng đã áp dụng, tạo thói quen tốt trong gìn giữ vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống”.
Chị Lin (thứ 2 từ phải qua) ngồi trò chuyện vui vẻ với mọi người trong sân nhà sạch sẽ của mình
Chị Lin (thứ 2 từ phải qua) ngồi trò chuyện vui vẻ với mọi người trong sân nhà sạch sẽ của mình. Ảnh: Nhật Hào
Ấn tượng của chúng tôi khi tới thăm nhà chị Rơ Lan Lin (làng Ó) là cảnh quan sân vườn sạch sẽ, thoáng mát. Lối đi từ cổng vào có nhiều loại hoa rực rỡ khoe sắc. Bên trong nhà, đồ dùng sinh hoạt được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Chị Lin cho biết: Từ khi tham gia mô hình, chị thường đi chợ bằng gùi để hạn chế sử dụng túi ni lông và thực hiện việc phân loại rác thải nhà bếp. Theo đó, rác hữu cơ được chị ủ bón cho cây trồng, rác thải là túi ni lông thì đốt. Chị cũng thường xuyên nhắc nhở các con không được vứt rác bừa bãi. Đặc biệt, với sự hướng dẫn của Chi hội, chị làm sạch cỏ sân vườn và trồng cây ăn quả. Đồng thời, làm chuồng, hàng rào cho đàn dê nên không còn nuôi thả rông như trước, dê không phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. “Bây giờ, mỗi lần tôi đi lên rẫy hoặc đi vắng thì mẹ và các con của tôi ở nhà cũng tự giác dọn dẹp vệ sinh. Nhờ đó, mỗi lần đi làm về mệt, nhìn cảnh sân nhà sạch sẽ, tôi thấy thoải mái lắm”-chị Lin bộc bạch.
Cách đó không xa, sân vườn nhà chị Siu Bal (làng Ó) cũng trở nên sạch đẹp hơn kể từ ngày chị tham gia mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Trò chuyện với chúng tôi, chị Bal cho biết: Nhờ được cán bộ phụ nữ xã và chi hội hướng dẫn, chị đã biết cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng. Đáng chú ý, chị trích một phần tiền bán cà phê để đổ bê tông toàn bộ phần sân phía trước nhà làm sân phơi và tránh bụi đất. Chị cũng tranh thủ đi xin giống hoa và cây chuỗi ngọc về trồng trước nhà làm hàng rào xanh nên đã giúp không gian sân vườn thêm sạch đẹp. “Mình làm nông bận rộn nhưng ngày nào cũng tranh thủ quét dọn sân vườn vào lúc sáng sớm và chiều tối. Rồi chăm tưới nước cho hoa và hàng rào xanh nên cây phát triển tốt và cảnh quan sân nhà nhờ đó mát mẻ, sạch đẹp hẳn”-chị Bal vui vẻ nói.
Hàng rào xanh của gia đình chị Siu Bah (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Ảnh: Nhật Hào
Hàng rào xanh của gia đình chị Siu Bah (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Ảnh: Nhật Hào
Ông Rơ Lan Bó-Trưởng thôn Ó-chia sẻ: Từ khi Hội LHPN xã triển khai mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, Ban Nhân dân thôn phối hợp với Chi hội Phụ nữ và các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Bây giờ, các hộ đều có nhà vệ sinh riêng, hố xử lý rác, làm chuồng nuôi nhốt gia súc. Nhiều hộ còn tự trồng hoa, hàng rào xanh để làm đẹp sân, vườn. “Mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức cho người dân về gìn giữ vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường của làng thêm sạch đẹp”-Trưởng thôn khẳng định.
Tương tự, tại làng Hlang Ngol, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chị Siu Hiam-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Hlang Ngol-cho hay: Sau khi triển khai, Chi hội đã cử người trực tiếp hướng dẫn và kiểm tra các hội viên thực hiện việc sắp xếp, vệ sinh nhà cửa. Đến nay, hầu hết các chị em đều có ý thức trong việc gìn giữ vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đặc biệt là không vứt rác bừa bãi, đào hố đốt rác, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả và trồng hoa, hàng rào xanh trước nhà.
Trao đổi với P.V, bà Y Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Vê-cho biết: Thời gian đến, Hội nhân rộng mô hình này gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” nhằm từng bước làm thay đổi thói quen của người dân trong việc gìn giữ vệ sinh để cải tạo môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.