Ia Grai: Tạo bước đột phá để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ia Grai là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Ngọc Quý-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai về những giải pháp đột phá để phát triển “ngành công nghiệp không khói” trong thời gian tới.
P.V: Xin ông cho biết những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn huyện?
- Ông LÊ NGỌC QUÝ: Huyện Ia Grai là địa phương có nền văn hóa đa dân tộc, với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Jrai chiếm gần 50% dân số. Nhiều lễ hội văn hóa phong phú như lễ pơ thi (bỏ mả), lễ mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng rừng đầu năm cùng các sản phẩm ẩm thực hấp dẫn như: rượu cần, cơm lam, gà nướng, lá mì, rau rừng... Khí hậu tương đối ôn hòa là điều kiện thuận lợi để du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch ngoài trời. 
Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: K.N.B
Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: K.N.B
Đặc biệt trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh. Tiêu biểu như thác Mơ (xã Ia Khai), thác Chín Tầng (xã Ia Bă), thác Lệ Kim (xã Ia Tô), các vùng sinh thái lớn để phục vụ phát triển du lịch như: làng chài hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O), Khu du lịch sinh thái và lễ hội Về Nguồn, khu đồi thông (xã Ia Dêr); đặc biệt là các di tích lịch sử như: Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai), Bến đò A Sanh (xã Ia Khai).
P.V: Những năm qua, tiềm năng này đã được khai thác như thế nào, thưa ông?
- Ông LÊ NGỌC QUÝ: Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với đơn vị chức năng đã xây dựng Đề án quy hoạch phát triển du lịch của huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các sở, ngành và các đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch đã được xây dựng; bổ sung thông tin, tư liệu, hình ảnh và lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận xếp hạng cấp tỉnh đối với di tích lịch sử “Chiến thắng Chư Nghé” và di tích “Bến đò A Sanh”, riêng di tích “Chiến thắng Chư Nghé” đã được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng.
Nhà rông văn hoá tại làng Mít Jép xã Ia O huyện Ia Grai. Ảnh: Thanh Nhật
Nhà rông văn hoá tại làng Mít Jép xã Ia O huyện Ia Grai. Ảnh: Thanh Nhật
Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, đánh giá và mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm du lịch. Chỉ đạo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch như tổ chức rà soát các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc để phục vụ cho công tác du lịch. Tổ chức hội thi cồng chiêng 2 năm một lần. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 thu hút hơn 12.000 người dân và du khách đến tham quan. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch và đăng ký thương hiệu sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng, chất lượng, tạo cơ hội cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử kết hợp với phát triển du lịch canh nông. Mặt khác, UBND huyện cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư vào một số dự án cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, một số dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục làm cơ sở để tiếp tục mời gọi đầu tư trong thời gian tới.
P.V: Để du lịch phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, huyện Ia Grai xác định những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nào, thưa ông?
- Ông LÊ NGỌC QUÝ: Trước tiên, UBND huyện quan tâm chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc làm chậm quá trình thực hiện chủ trương, kế hoạch đã đề ra. Tiếp tục khảo sát, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch gắn với đổi mới tư duy phát triển du lịch, nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động của các cấp, các ngành, ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng để cùng tham gia vào quá trình phát triển du lịch. Cùng với đó, quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thế mạnh của huyện từ các thắng cảnh, du lịch canh nông, du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử. Đồng thời, tiến hành rà soát, nghiên cứu phục dựng một số lễ hội truyền thống; tổ chức sưu tầm và bảo tồn các hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số, duy trì và phát triển các sự kiện văn hóa-thể thao và du lịch của huyện.
Hội nghị góp ý vào Đề án quy hoạch phát triển du lịch của huyện. Ảnh: Thanh Nhật
Hội nghị góp ý vào Đề án quy hoạch phát triển du lịch của huyện. Ảnh: Thanh Nhật
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới hoạt động quảng bá bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch; tiếp tục xúc tiến mời gọi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, vệ sinh môi trường. Đồng thời, chú trọng liên kết trong phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút, mời gọi đầu tư vào các điểm du lịch; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour, điểm, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng và phong phú, thu hút du khách đến địa bàn.
P.V: Xin cảm ơn ông!
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.