Huyền sử Đê Chơ Gang - Kỳ cuối: Những trái tim như ngọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Suốt 30 năm dấn thân cùng cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, biết bao người con ưu tú của Đê Chơ Gang đã ngã xuống. Trong số họ, có người tuổi tên đã đi vào lịch sử, nhưng còn bao người, bao chiến công khuất lấp đó đây. Với những ký ức tản mạn từ cụ Đinh Klum-người duy nhất còn lại trong thế hệ cách mạng tiền phong-cũng đủ toát lên tinh thần quật cường của một ngôi làng nhỏ bé mà làm nên lịch sử.
Đinh Tanh-cánh chim đầu đàn, người con anh dũng
Nói đến những người con ưu tú đã góp phần làm nên trang sử cách mạng chói ngời của Đê Chơ Gang, đầu tiên phải nhắc đến Đinh Tanh. Tên ông đã được ghi ở trang 233 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai: “Đồng chí Đinh Tanh, Bí thư chi bộ làng Đê Chơ Gang (Huyện 8) bị địch bắt, dùng cực hình tra tấn vẫn kiên trì bảo vệ cơ quan và hành lang của tỉnh. Đồng chí đã hy sinh trong nhà tù…”. Chỉ mấy dòng vắn tắt như vậy nhưng trong đời thực, hoạt động cách mạng của Đinh Tanh vô cùng phong phú. Có người nói ông xứng đáng được phong Anh hùng…
Theo cụ Đinh Klum, ông Đinh Đrinh và bà Chang có 3 người con: Đinh Tanh, Đinh Tơi và Đinh Per. Cả 3 anh em đều được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Chi bộ đầu tiên của làng được thành lập có 4 đảng viên thì đã có 2 anh em Đinh Tanh và Đinh Tơi. Theo cụ Đinh Klum thì ông Đinh Tơi bị địch bắt, đánh chết trong nhà tù chỉ sau 3 ngày. Song cũng có người nói ông bị xử bắn tại sân bay Cây Me. Trước khi bị hành quyết, ông còn hô “Đả đảo Mỹ-Diệm; Bok Hồ muôn năm”… Người em út công tác ở Đội vũ trang Huyện 8 sau này cũng hy sinh anh dũng.
Là đảng viên, Bí thư chi bộ, có thể nói Đinh Tanh là linh hồn trong các phong trào đấu tranh của đồng bào Đê Chơ Gang. Trong 2 cuộc đấu tranh lưu huyết của dân làng, nhờ sự lãnh đạo khôn khéo của Đinh Tanh mà đồng bào đã vượt qua mọi sự truy bức, mua chuộc của địch, giữ vững tuyệt đối cơ sở và đường dây bí mật của huyện. Với tác phong “miệng nói, tay làm”, nhiệm vụ khó khăn nào cũng có mặt Đinh Tanh. Sự tin tưởng của cấp trên và dân làng đối với ông có thể nói là tuyệt đối. Điều này minh chứng là trong các lần đối mặt với kẻ thù, Đinh Tanh luôn có mặt nhưng chúng không thể nào biết được vai trò lãnh đạo của ông.
 Hồ chứa nước phục vụ sản xuất của dân làng Đê Chơ Gang. Ảnh: N.T
Hồ chứa nước phục vụ sản xuất của dân làng Đê Chơ Gang. Ảnh: N.T
Cuộc đời hoạt động cách mạng không dài nhưng Đinh Tanh bị địch bắt đến 5 lần. Lần nào ông cũng trải qua những ngón đòn tra tấn tàn ác. Cụ Đinh Klum kể: Một lần bị bắt, tra tấn đủ cách mà không moi được gì ở Đinh Tanh, địch phải dùng đến cách khủng bố tinh thần. Chúng đưa ông đến chân núi đá cạnh đường 19 với một cái huyệt đã đào sẵn. Tên chỉ huy bịt mắt ông lại rồi bảo: “Bây giờ là những giây phút cuối cùng của đời mày. Nếu khai ra đường dây liên lạc, nơi cất giấu vũ khí của Việt Cộng thì mày sẽ được tha. Bằng không, cái huyệt đã đào sẵn dưới chân mày rồi đấy”… Không mảy may nghi ngờ cái chết đang đến nhưng Đinh Tanh vẫn hiên ngang trả lời: “Tao không biết đường dây nào của Việt Cộng cả. Muốn bắn tao cứ bắn”. Tên chỉ huy phẩy tay. Hàng loạt súng chát chúa, vang rền bên tai Đinh Tanh. Đá vỡ vụn bắn vào mặt ông buốt nhói… Phải hàng chục loạt đạn, chúng mới dừng tay. “Thằng này lì lợm lắm, phải cho nó ăn chì thật thì may ra…”-tên chỉ huy nói như thú nhận sự bất lực sau màn dọa dẫm bất thành.
Đinh Tanh hy sinh trong nhà lao Nha Trang khi bị bắt lần thứ 5. Ông Đinh Mui, người bị bắt cùng với Đinh Tanh khi hết hạn tù đã đưa tin buồn về làng. Cụ Đinh Klum kể: Thương tiếc người con anh dũng, bấy giờ đang ở trong núi, điều kiện hết sức khó khăn nhưng dân làng cũng tổ chức cúng ma cho ông. Vốn Đinh Tanh có một chiếc ghè gia đình “chia của”, dân làng đem đổi được một con trâu để làm ma. Lễ cúng được tổ chức theo đúng phong tục của người Bahnar. Toàn bộ đồ dùng của ông như dép cao su, quần áo… dân làng đều bỏ vào hòm, trịnh trọng chôn cất.
Đinh Tanh hy sinh lúc chưa đầy 30 tuổi, chưa vợ con-cái tuổi đang độ đẹp nhất của đời người. Đinh Tanh không chỉ là tấm gương sáng chói mà gia đình ông, với 3 liệt sĩ hiến dâng cho đất nước, cũng là tấm gương sáng chói vì nghĩa lớn độc lập-tự do…
Những điều không thể mất
Một ngôi làng mà kẻ địch cho là “già trẻ, lớn bé đều Việt Cộng”, gần như không gia đình nào là không chịu ít nhiều mất mát, đau thương. Mỗi tấm gương hy sinh đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm. Sau Đinh Tanh, tôi muốn nói đến một tấm gương khác, đó là Đinh Thúi. Cụ Đinh Klum kể: Ông Thúi bị bắt cùng lúc với Đinh Tơi, Đinh Chiêm. Đoán ông là “một cái dằm cứng”, địch dùng mọi cực hình tra tấn hòng tìm ra đường dây liên lạc và cơ sở bí mật của ta. Không khai thác được gì, địch đã điên cuồng đóng đinh vào đầu gối, vào mười đầu ngón tay ông. Nghĩ thế nào cũng chết trong nhà tù địch, Đinh Thúi tìm cách vượt ngục. Do chân tay đầy thương tích, ông không thể đi nhanh. Vừa lần ra được tới hàng rào thì bị bọn lính phát hiện bắn chết. Ông hy sinh lúc vợ đang mang bầu 6 tháng. Tiếc thương người chồng anh dũng, dù còn rất trẻ, vợ ông vẫn cam chịu cảnh góa bụa, ở vậy nuôi con…
Không chỉ là một chứng nhân lịch sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Đinh Klum cũng rất xứng đáng được nêu gương. Đinh Klum kể: “Ông già” làm du kích thời chống Pháp, bị bệnh chết, để lại cho “bà già” 6 đứa con. Sống dưới ách kìm kẹp của giặc Pháp, đói cơm, bệnh tật, các anh chị em lần lượt chết mòn, chỉ còn lại mỗi mình. Căm thù giặc sâu sắc, mới 13 tuổi, Đinh Klum đã được giác ngộ rồi trở thành một trong những người liên lạc của ông Trần Văn Bình-bấy giờ đang là Bí thư Huyện 8. Làm liên lạc là một công việc khó khăn, nguy hiểm. Có thư cần chuyển là đi, bất kể ngày đêm. Nói “đi” không có nghĩa cứ tới nơi là được. Mỗi bước đi là mỗi bí mật, sao cho không để lại mảy may dấu vết. Rừng bấy giờ đầy thú dữ, rắn rết; gặp cọp chặn đường là chuyện bình thường… Tuy nhiên, những hiểm nguy ấy chẳng là gì so với việc phải đối phó với trăm ngàn kế chặn bắt nham hiểm của địch. Dũng cảm và mưu trí, Đinh Klum khi trong vai người đi câu, lúc giả làm người săn thú khéo léo tìm cách vượt qua tất cả. “Thư lúc đó đã được cuốn lại thật nhỏ, tẩm sáp ong rồi ngậm vào trong miệng. Phải làm sao cho khéo để việc nói năng vẫn diễn ra bình thường. Tuy vậy, bọn địch nham hiểm, đôi khi bắt phải há miệng để chúng khám xét. Lúc đó phải nuốt nhanh thư vào bụng. Mình bị bắt là chuyện nhỏ, địch lấy được thư mới là chuyện lớn. Thế nên phải mưu trí, dũng cảm, luôn trong tư thế sẵn sàng hy sinh mới làm được công việc này”-cụ Đinh Klum kể.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ của mình, Đinh Klum may mắn chỉ bị bắt 1 lần. Đó là lần theo Bí thư chi bộ Đinh Tanh vào An Khê mua hàng tiếp tế cho căn cứ. Dù mới 13 tuổi nhưng Đinh Klum cũng phải nếm đủ đòn tra tấn dã man của địch: dìm vào bể nước, đổ nước ớt trộn xà phòng vào miệng, “đi tàu bay”, quay điện đến ngất xỉu. Được Đinh Tanh động viên, cậu bé Đinh Klum cắn răng chịu đựng, kiên quyết không hé nửa lời… Cũng vì tuổi còn vị thành niên, không thể kết án nên địch giam giữ 3 tháng rồi tha. Nếu không, rất có thể ông đã hy sinh trong tù như các đồng chí khác.
...Đi trên con đường rợp mát bóng cây, tôi có cảm giác mỗi tấc đất dưới chân mình là mỗi tấc mồ hôi và máu của bao thế hệ người Đê Chơ Gang kết tinh nên. Đất ấy, truyền thống ấy, Đê Chơ Gang hôm nay tất không chịu đói nghèo. Tôi rẽ vào nhà Đinh Chiêm-một chiến sĩ cách mạng thuộc thế hệ tiền bối của làng, một pho sử sống, cũng từng bị địch bắt tù đày. Người xưa đã mất khiến tôi một thoáng bâng khuâng… Gia đình ông có thể nói là gia đình mang dòng máu yêu nước truyền đời trong huyết quản: Cha ông cũng là một trong những đảng viên đầu tiên của làng. Các liệt sĩ Đinh Tanh, Đinh Tơi, Đinh Per là chú ruột ông. Nối tiếp truyền thống gia đình, cậu bé Đinh Văn Cao tôi gặp năm nào giờ đã thành trưởng thôn. Cao cho biết: Đê Chơ Gang nhỏ bé ngày xưa giờ đã nảy nở thành 126 hộ, trong đó có 15 hộ người Kinh đến chung sống. Cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho làng là mì. Hàng năm, nhiều hộ thu tới 80-100 triệu đồng tiền bán mì. Cây keo lai tuy mới nhưng cũng đang hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho bà con… Điện đã đến làng từ lâu; đường ngang ngõ xóm đã cơ bản bê tông hóa. Làng chỉ còn hai chục hộ nghèo, chủ yếu là do thiếu sức lao động, trình độ thấp nên khó tiếp thu kiến thức làm ăn.
Chẳng còn dấu vết nào của một thời đạn bom bi tráng khi Đê Chơ Gang giờ đã gần hóa phố. Ngước nhìn những tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của gia đình Đinh Chiêm nối nhau trên bức tường gian giữa, trong căn nhà yên tĩnh, tôi chợt như nghe tiếng núi nước, tiếng hồn người xưa bất khuất vọng về…
 NGỌC TẤN
-----------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.