Hương ngàn gió nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những lần đi xa trở về, khi xe qua khỏi đèo An Khê, cái nắng cái gió của Tây Nguyên như đánh thức nỗi nhớ quê hương từ trong tiềm thức. Nhìn qua ô cửa xe, những đồi núi trập trùng tiếp nối nhau thật hoang sơ và hùng vĩ. 
Những bãi cỏ mềm mại như đuổi theo nhau về phía chân trời. Nắng mùa khô vàng rực, những hàng thông vút lên giữa nền trời cao xanh. Đất nước mình nơi đâu cũng đẹp, nhưng với tôi, Tây Nguyên có một vẻ đẹp riêng, hồn cốt riêng vì nó gắn với cả một quãng đời tươi đẹp hồn nhiên nhất của riêng tôi.
Những bận rộn, tất bật vì mưu sinh khiến không gian sống cứ thu hẹp dần trong bốn bức tường của gia đình và nơi làm việc. Cái chật chội, nhỏ bé đôi lúc làm mình bức bối và ý muốn trở về với thiên nhiên lại trở nên đầy thôi thúc. Một ngày cuối tuần, thu xếp được công việc, tôi cùng gia đình đi về vùng ngoại ô Pleiku. Khoảng cách chỉ là mấy mươi cây số, lại có một địa danh nổi tiếng với lễ hội hoa dã quỳ hàng năm thu hút nhiều du khách, nhưng đây là lần đầu tôi đến.
Từ quốc lộ 14 rẽ về hướng Chư Đang Ya, tôi như bị choáng ngợp bởi một khung cảnh thiên nhiên thật quá hoàn hảo, tưởng như không còn gì có thể đẹp hơn. Những đám ruộng sau mùa gặt chỉ còn gốc rạ mang một màu vàng rơm cũ. Dưới ánh nắng mặt trời, chúng trở nên rực rỡ in bóng dưới mặt nước. Chạy giữa cánh đồng lúa ấy là một con mương nhỏ đầy nước quanh co theo từng thửa ruộng. Xa một chút là núi viền quanh tạo nên một bức tranh tổng thể sơn thủy hữu tình. Điểm giữa cánh đồng đã gặt xong đó vẫn còn một số đám lúa chín đang được thu hoạch. Vác những bó lúa từ ruộng lên những chiếc xe công nông chờ trên bờ, khuôn mặt người nông dân lấm tấm mồ hôi, chiếc áo cũng đẫm mồ hôi như một nét chấm phá cho bức tranh đồng quê thêm hoàn hảo. Không ngăn được mình trước sự thu hút ma mị của cánh đồng, một hình ảnh đã quá đỗi thân thương, tôi dừng lại, bước xuống một đám ruộng lúa chín gần đường đi. Mùi lúa, mùi bờ cỏ mật sao mà thơm đến vậy, cả cái mùi ngai ngái của đàn bò đang gặm cỏ trên những đám ruộng đã gặt xong bên kia sao mà quen thuộc quá. Mùi hương của thực tại và mùi hương từ miền ký ức cứ hòa trộn vào nhau khiến tôi ngây ngất một cảm giác vừa thích thú vừa bồi hồi.
Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Hoàng Ngọc
Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Hoàng Ngọc
Tiếp tục đi theo con đường về hướng Chư Đang Ya, những vườn cà phê xanh tươi trải rộng sai oằn trái chín. Cà phê cũng đang vào mùa thu hoạch, mang lại màu ấm no và bao hứa hẹn cho đời sống người dân nơi đây. Phải dừng lại trước đường vào thủ phủ dã quỳ Chư Đang Ya vì những diễn biến không mong muốn của dịch bệnh, nhưng những con đường dã quỳ giữa những vườn cà phê cũng đủ để khiến ai cũng phải say lòng. Vẫn là những cánh hoa vàng đặc trưng của xứ sở Tây Nguyên, nhưng giữa vùng đất đỏ bazan gần miệng núi lửa này, chất đất phì nhiêu như đã tạo ra những bông hoa đặc sắc hơn. Dã quỳ ở đây cánh dày như nhung, màu vàng tươi hơn, mượt mà hơn. Lá cây cũng xanh hơn, những nụ hoa bụ bẫm vươn lên đón ánh mặt trời chờ ngày khoe sắc. Tôi say sưa đi theo những con đường ấy, ngắm những vạt dã quỳ mênh mang vàng rực, những đồi cà phê và cánh đồng kia cứ như hút lấy tôi, khiến lòng ngập tràn một cảm xúc thích thú. Nắng đang chiếu trên đầu tôi, đang ngấm vào khuôn mặt để trần của tôi, nhưng tôi không thấy nắng nóng mà như đang say với nắng, với gió, với mênh mông đất trời và cứ như muốn thu tất cả vào trong tầm mắt, trong tâm trí mình. Phía trước là núi lửa Chư Đang Ya-sứ giả triệu năm đang nhuộm một màu vàng ruộm của cúc quỳ đang độ rực rỡ nhất, đẹp đến nao lòng.
Một ngày dã ngoại dù chưa đi đến cái đích ban đầu nhưng tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời để yêu thương hơn vùng đất đỏ quê mình. Tây Nguyên và Chư Đang Ya đang vào mùa đẹp nhất trong năm với vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có. Hương ngàn gió nội chắc chắn sẽ làm say đắm tất cả những trái tim yêu thiên nhiên và để lại một ấn tượng khó quên khi đến với nơi này. Riêng tôi, hẹn trở lại và sẽ lên đỉnh Chư Đang Ya một ngày gần nhất!
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Vui buồn phóng viên cơ sở

Vui buồn phóng viên cơ sở

(GLO)- Với đội ngũ phóng viên ở cơ sở-những người đang công tác tại các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao (VH-TT-TT), việc vừa khai thác thông tin, chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, dựng hình, đọc phát thanh... là chuyện thường ngày.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null