Theo những số liệu thống kê mới nhất, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 14-2 lần đầu tiên công bố số nhân viên y tế nhiễm chủng virus corona mới (Covid-19) là 1.716 người, 6 trường hợp tử vong.
Số liệu này cho thấy nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong đội ngũ nhân viên bác sĩ giữa lúc thiếu thốn các trang biết bị bảo hộ, phòng dịch. Trả lời họp báo ngày 14-2, Phó chủ nhiệm NHC Tăng Ích Tân, cho biết nhân viên y tế chiếm khoảng 3,8% tổng số ca nhiễm chủng virus corona mới tại đại lục. Số liệu vừa nêu chỉ tính đến ngày 11-2.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân tại một bệnh viện ở Hồ Bắc. Ảnh: AP
Theo NHC, phần lớn các trường hợp nhân viên y tế nhiễm bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hồ Bắc, tuyến đầu của nỗ lực khống chế dịch bệnh, với 1.502 ca trường hợp. Trong số đó, có đến 1.102 người là nhân viên y tế làm việc ở TP Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh vào tháng 12 năm ngoái và đang chịu lệnh phong tỏa.
Số liệu được công bố khoảng 1 tuần sau khi dư luận Trung Quốc vẫn còn bức xúc về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo sớm về dịch bệnh từ tháng 12-2019 nhưng bị phạt.
Khử trùng một tòa nhà tại TP Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Tính đến cuối ngày 13-2, Trung Quốc ghi nhận thêm 5.090 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại đại lục lên 63.851 người. Trong ngày 14-2, số người chết ở đại lục được sửa lại, giảm còn 1.380 người sau khi giới chức nước này cho hay số người tử vong bị đếm trùng. NHC đã trừ đi 108 ca tử vong sau khi phát hiện số liệu bị đếm 2 lần ở tỉnh Hồ Bắc nhưng không nêu chi tiết.
Trong khi số ca mắc virus corona chủng mới tăng vọt ở Trung Quốc, cố vấn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Ira Longini cảnh báo 2/3 dân số thế giới có thể nhiễm Covid-19. Như vậy, theo ước tính của ông Longini, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm và đã nghiên cứu khả năng lây lan của virus corona mới, có thể có thêm hàng tỉ người nhiễm, tức cao hơn con số thống kê chính thức hiện nay là hơn 60.000 ca nhiễm.
Ông Longini đưa ra ước tính này dựa trên dữ liệu cho thấy mỗi người nhiễm trung bình lây bệnh cho 2-3 người khác. Ông cho rằng việc thiếu dụng cụ xét nghiệm nhanh và triệu chứng không rõ ràng ở một số người đã khiến cản trở trong việc truy nguồn lây lan dịch bệnh.
Nhân viên y tế tại khu cách ly ở một bệnh viện tại TP Vũ Hán. Ảnh: REUTERS
Cũng theo ông Longini, cách ly có thể làm chậm quá trình lây lan của Covid-19 nhưng virus này đã lây lan ở Trung Quốc và vươn dài cánh tay trước khi các biện pháp cách ly có hiệu quả. Ông Longini nhấn mạnh thậm chí có cách làm giảm phân nửa số ca nhiễm, vẫn có thể có tới 2/3 dân số thế giới bị nhiễm.
Ông Longini không phải là người duy nhất cảnh báo về khả năng lây lan nhanh của virus corona chủng mới. Trước đó, nhà nghiên cứu Neil Ferguson thuộc Trường ĐH Imperial College London (Anh) ước tính có thể có tới 50.000 người bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc mỗi ngày.
Ngoài ra, giáo sư Gabriel Leung của Trường ĐH Hồng Kông từng cảnh báo gần 2/3 dân số thế giới có thể nhiễm virus corona mới nếu dịch bệnh không được kiểm soát.
"Vũ khí" diệt virus nằm trong huyết tương người khỏi bệnh? Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc hôm 13-2 thông báo các kháng thể vô hiệu hóa Covid-19 đã được tìm thấy trong huyết tương những người vừa khỏi bệnh. Cụ thể, huyết tương điều trị virus corona chủng mới được tạo ra từ huyết tương chứa kháng thể cực mạnh, do các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục hiến tặng. Tập đoàn Biotec áp dụng phương pháp điều trị bằng huyết tương cho 11 bệnh nhân nặng kể từ ngày 8-2. Xét nghiệm lâm sàng cho thấy sau 12 đến 24 giờ điều chị, các chỉ số viêm nhiễm ở bệnh nhân đã giảm đáng kể, tỉ lệ tế bào lympho tăng, các chỉ số chính như độ bão hòa oxy trong máu và tải lượng virus được cải thiện, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng giảm đi đáng kể. Tập đoàn Biotec cho rằng sử dụng huyết tương là cách hiệu quả để điều trị viêm nhiễm, giúp giảm đáng kể số người tử vong, trong lúc chưa có vắc-xin và thuốc đặc hiệu. Biotec cũng kêu gọi những người đã khỏi bệnh hiến tặng huyết tương hỗ trợ công tác điều trị. |
H.Bình (NLĐO/Theo SCMP, Bloomberg, China News)