(GLO)- Sáng 22-4, tại TP. Kon Tum, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022) với chủ đề: “Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng-Tiến sĩ Lê Huy Vịnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cùng nhiều nhà khoa học và nhân chứng lịch sử.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khái quát: Cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, ngày 24-4-1972, quân và dân ta tiến công cụm phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Đak Tô-Tân Cảnh và giành thắng lợi áp đảo.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh. Ảnh: Phương Duyên |
Trước đó, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Quân Giải phóng miền Nam được tiến hành bằng 3 chiến dịch ở 3 hướng chiến lược: Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, kết hợp với các chiến dịch tiến công tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5, giáng đòn mạnh mẽ, quyết liệt vào quân đội và chính quyền tay sai Sài Gòn. Trong thế tiến công chiến lược ấy, chiến trường Tây Nguyên được xác định là hướng phối hợp quan trọng, có nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân đội Sài Gòn, giải phóng vùng Đak Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum; khi có thời cơ phát triển xuống Pleiku, mở rộng vùng căn cứ Tây Gia Lai, Đak Lak, hình thành một vùng căn cứ hoàn chỉnh, nối liền với các căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Tại chiến trường Tây Nguyên, địch phán đoán Bắc Tây Nguyên sẽ là hướng tiến công chính của ta trong Xuân-Hè 1972 nên tăng cường lực lượng phòng giữ thị xã Kon Tum, điều thêm Lữ đoàn Dù 2 thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Sài Gòn ra, cùng lực lượng Quân đoàn 2 lập tuyến phòng thủ dọc hai trục đường 14 và 19, lấy khu vực thị xã Kon Tum và Đak Tô-Tân Cảnh làm hai trung tâm phòng ngự mạnh. Trong đó, cụm phòng ngự Đak Tô-Tân Cảnh gồm hệ thống các cứ điểm phòng ngự ở thị trấn Tân Cảnh (căn cứ 42-Tân Cảnh), quận lỵ Đak Tô (Đak Tô 1) và căn cứ Phượng Hoàng (Đak Tô 2).
Vào đầu tháng 4-1972, trước sức mạnh tiến công của quân và dân ta ở Đông Nam Bộ, địch phải rút Sư đoàn Dù và Lữ đoàn Dù 2 vào ứng cứu Bình Long, lúc này ta đã tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở phía Tây sông Pô Kô. Chớp thời cơ, lực lượng phòng thủ nòng cốt của địch suy giảm, khó có khả năng tổ chức phản kích, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đak Tô-Tân Cảnh, thực hiện trận then chốt đầu tiên của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Lực lượng tham gia gồm: Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31), Trung đoàn Bộ binh 66, Đại đội Xe tăng 7, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội cối 120 mm, 1 đại đội tên lửa chống tăng B72, 1 đại đội pháo phòng không 57 mm xe kéo, 2 đại đội súng máy phòng không 12,7 mm và 14,5 mm, có pháo binh chiến dịch chi viện.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Phương Duyên |
Phát huy sức mạnh hỏa lực của pháo binh và xe tăng, chỉ chưa đầy một ngày (từ chiều tối 23-4 đến khoảng 11 giờ trưa 24-4), ta đã làm chủ trận địa, đánh bại Sư đoàn 22, loại khỏi chiến đấu gần 2.000 tên địch; bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng và xe thiết giáp, 8 khẩu pháo, gần 100 xe quân sự; giải phóng một vùng rộng lớn, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch trong vùng.
Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương. Sự chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, được thể hiện qua từng trận đánh, trên từng mũi hướng tiến công… Để giành thắng lợi quan trọng này, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, trong đó có bộ đội và Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã phải chịu đựng gian khổ, hy sinh chiến đấu vì chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cho mục tiêu thiêng liêng “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhận định: “Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành và giữ độc lập dân tộc, tự do và thống nhất Tổ quốc. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đồng thời, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của Nhân dân ta. Đồng thời, hội thảo giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Duyên |
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cũng nhấn mạnh: Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh góp phần quan trọng vào thắng lợi nhiệm vụ đợt 1 Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng hơn 25.000 đồng bào các dân tộc đang sống trong các trại tập trung và ấp chiến lược trên địa bàn Kon Tum. Chiến thắng đó đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tốc độ nhanh, đánh gục một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt và vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở Kon Tum, là tiền đề quan trọng để tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, góp phần cho đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
“Đã 50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”-Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định.
Tiếp đó, đại biểu đã lắng nghe các tham luận, đồng thời thảo luận thêm về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, từ đó phát huy giá trị của di tích lịch sử này trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum hiện nay.
PHƯƠNG DUYÊN