Phát biểu trước Quốc hội về tình hình, kế hoạch phát triển của đất nước trong 2 năm 2014-2015; các nhiệm vụ, mục tiêu cần tập trung trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng-chống căn bệnh HIV/AIDS,... là những hoạt động, chỉ đạo nổi bật của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong tuần qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. |
* Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 đã và đang có những dấu hiệu chuyển biến hết sức tích cực. Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2015.
Năm 2014, các chỉ số cơ bản nhìn chung đều phát triển tích cực như lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định,... là cơ sở để Chính phủ tin tưởng kiên định mục tiêu của năm 2015. Đó là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn.
Theo đó, năm 2015 Chính phủ phấn đấu tăng GDP khoảng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%, Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%;
Để đạt mục tiêu nói trên, Thủ tướng nêu rõ 9 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vừa tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng....
* Phát biểu tại Hội nghị Tổ chức hành chính miền Đông thế giới (EROPA) 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cải cách công vụ, công chức luôn được xem là khâu cốt yếu nhất, khâu quan trọng nhất, quyết định hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước, của mỗi quốc gia. Xây dựng thể chế, chính sách, trong đó nền hành chính và quản trị công chỉ hiệu quả khi có một hệ thống thể chế đầy đủ và hoàn thiện, tiến bộ và được đồng thuận của người dân.
Đối với Việt Nam, cải cách thể chế được coi là một khâu đột phá chiến lược. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
* Nhân Ngày Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp và chúc mừng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước, nhất là sự ủng hộ, hợp tác tích cực trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Thủ tướng khẳng định sự ủng hộ đối với 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng và các mục tiêu này cơ bản phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục ủng hộ nỗ lực phát triển bền vững cũng như bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, tư vấn chính sách cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
* Tập trung 10 chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, lưu ý đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ ngày càng phức tạp trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Các chuyên án, chuyên đề cụ thể gồm chống nạn phân bón giả ở khu vực phía Bắc; chống buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới Tây Nam; chuyên đề chống hành vi gian lận thương mại và việc nhập khẩu các chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng; rà soát các doanh nghiệp quyết toán thuế từ năm 2011 đến nay; phòng chống ma tuý tuyến biên giới phía Bắc, đặc biệt là ở các lối mòn lối mở; chống buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản trên biển; chống hàng buôn lậu trên thị trường nội địa; tăng cường kiểm tra xử lý việc buôn bán hàng lậu, hàng giả, đặc biệt chú ý địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; kiểm tra xử lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả đang lưu hành trên thị trường.
* Dự lễ đón dòng dầu đầu tiên của mỏ Sư Tử Nâu, khu vực mở rộng mỏ Sư Tử Vàng - lô 15.1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này, coi đây tiếp tục là bước phát triển mới của lĩnh vực cốt lõi của ngành là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Phó Thủ tướng yêu cầu Công ty Cửu Long hoàn thành tốt việc vận hành khai thác, quản lý mỏ và các công trình khai thác, bảo đảm khai thác các mỏ dầu khí trong lô 15.1 an toàn, hiệu quả. Công ty cần tích cực triển khai thực hiện tốt các hoạt động trong khuôn khổ hợp đồng dầu khí lô 15.1 để có thể thu được những thành công hơn nữa.
* Dự lễ khởi công Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa của việc khởi động dự án nhiệt điện đầu tiên, có quy mô lớn do tư nhân đầu tư của Việt nam, thể hiện việc thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển, nhất là nguồn năng lượng điện đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu trong thi công phải thực hiện biện pháp quản lý đảm bảo đúng tiến độ thực hiện dự án, có phương án và giải pháp xử lý các rủi ro trong quá trình xây dựng và vận hành dự án. Đảm bảo chất lượng, đặc biệt là vấn đề môi trường cũng như vận hành hiệu quả nhà máy.
* Tại lễ phát động hưởng ứng Chương trình 90-90-90 của Liên hợp quốc hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò điều phối, hỗ trợ của Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế luôn đồng hành, giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước. Cảm ơn Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên khởi động Chương trình 90-90-90.
Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế về mặt kỹ thuật, tài chính nên tỷ lệ nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS, số tử vong đã giảm liên tục trong 7 năm gần đây. Tuy nhiên Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới có nhiều khó khăn khi chiều hướng dịch giảm nhưng diễn biến phức tạp.
Mục tiêu của chương trình này đảm bảo 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của bản thân; 90% trong số này được điều trị ARV suốt đời; 90% số người điều trị ARV đáp ứng tốt để không lây nhiễm cho người khác. Việc thực hiện thành công Chương trình 90-90-90 là nền tảng vững chắc để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Theo Chinhphu.vn