Bằng cách trưng bày, lợi dụng truyền thông, nói dối về nguồn gốc…, nhiều dân chơi đồ cổ tự xưng trùm - vua - thánh đã “dắt mũi” không biết bao nhiêu người để kiếm lợi khủng.
Vào giới cổ ngoạn là lạc vào mê cung thật giả khó lường. Bên cạnh những hiện vật mang giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, không ít đồ lởm được “hóa phép”bằng đủ chiêu trò để tăng giá trị lên gấp trăm, ngàn lần gây thiệt hại nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn uy tín và thương hiệu quốc gia.
Bằng cách trưng bày, lợi dụng truyền thông, nói dối về nguồn gốc…, nhiều dân chơi đồ cổ tự xưng trùm - vua - thánh đã “dắt mũi” không biết bao nhiêu người để kiếm lợi khủng.
Trưng bày để… mua danh
Những năm 2000, giới sưu tầm ở TP.HCM hẳn nhớ trưng bày sưu tập tư nhân ngọc đá của H.C tại bảo tàng lớn của TP (sự kiện chưa từng có trước đó). Hiện vật được giới thiệu là đồ cung đình, vua chúa, niên đại định danh là Thương, Chu… xứ Tàu, hiếm có trên thế giới.
Ở trưng bày năm ấy, giới chuyên môn, chuyên gia cổ vật phản ứng dữ dội bởi toàn bộ hiện vật trưng bày đều là hàng thửa từ… các chợ ngọc đá Quảng Châu (Trung Quốc) với niên đại mới toanh. Sau cú ngã ấy, nhà sưu tập mất luôn danh tiếng, rời thế giới sưu tầm. Bảo tàng được bài vỡ lòng về sự kết hợp với sưu tập tư nhân nhưng đụng phải đồ giả.
|
Triển lãm gốm Hán - Việt trong sưu tập tư nhân An Biên tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Phong An |
Trước đây, một triển lãm ở Huế gây ồn ào khi trang trọng bày cặp bình vàng đến từ Hà Nội vốn không thuộc hàng bảo vật hay vàng ròng như giới thiệu. Nếu triển lãm ấy trót lọt, trường hợp chủ nhân tặng lại cho Huế cặp bình (đồ giả), giá thực chẳng là bao nhưng danh tiếng chủ nhân sẽ “lên hương”. Trường hợp lấy về cặp bình, nhận giấy khen đã đóng góp cho triển lãm thành công, cùng những bài viết, hình ảnh từ truyền thông, lại là bảo chứng để khẳng định đây là đồ thật, được giám định uy tín từ các cấp ngành bảo tàng, chuyên gia có tên tuổi. Khi ấy, hiện vật từ giả hóa thật, giá trị tăng vọt và sau này dễ dàng buôn bán, trao đổi.
Một chiêu trò kiếm danh phổ biến khác là hiến tặng hiện vật. Gần đây nhà sưu tập V.T tặng rìu ngọc - được chủ nhân quảng cáo niên đại cách đây gần 5.000 năm - thời Thủy tổ Kinh Dương Vương (!?) cho Ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu. Chiếc rìu ấy đẹp hoàn hảo, không tì vết, nếu đúng niên đại quả là chấn động, bởi đến thời Phùng Nguyên (khoảng 4.000 năm trước), việc phát hiện một mảnh đá ngọc, một nha chương, hay mặt đeo… cũng đủ khiến thị trường dậy sóng. May là việc cho - nhận dừng lại nội bộ, sau ém nhẹm, bởi chỉ nhìn qua hiện vật, tay mơ cũng nhận ra đó là hàng giả mua về từ Trung Quốc.
Lợi dụng truyền thông
Không ít tay chơi khéo dùng một vài đơn vị truyền thông làm công cụ, đề cao bộ sưu tập nửa vời, lăng xê đồ giả tạo “ảo tưởng” về giá trị bộ sưu tập. Hệ chơi này có điểm chung thường hét về giá trị hơn là nói về niên đại, vẻ đẹp, hoa văn, họa tiết của hiện vật.
PV từng theo chân một đồng nghiệp vào kho “trùm đồ cổ” (tự xưng) ngay trung tâm Q.1, TP.HCM, giữa hiện vật đủ loại xếp la liệt, có chiếc độc bình cỡ lớn, cao trên 1 m, vẽ xanh trắng. “Trùm đổ cổ” phán đấy là đồ lam Huế ngự dụng cung đình, giá thị trường hơn chục triệu USD mà chưa bán. Ông ta khẳng định chắc nịch: “Cả nước chỉ mình tôi sở hữu cái bình này”.
Phóng sự sau đó đã phát sóng, chiếc bình Khang Hy (giả) được dẫn lời bình thành đồ lam Huế. Nhà sưu tập đã có ngay “thắng lợi” không hề nhỏ. Tuy vậy, dựa trên men, lối vẽ, dân chuyên có thể khẳng định nó mới toanh, thêm cái triện nhái ghi rõ bốn chữ Khang Hy Niên Chế, chẳng liên quan đồ sứ men lam Huế (do vua chúa đặt làm tại Trung Hoa xưa) của cung đình tí nào.
|
Chóe Khánh Xuân in trong tác phẩm Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê - Trịnh |
Một kiểu “lợi dụng” khác đẳng cấp hơn là nhà sưu tập mời một số cơ quan truyền thông đến giao lưu, giới thiệu bộ sưu tập và gây hết hồn từ cái nhìn đầu tiên bởi số lượng và kích cỡ. Kinh điển hơn còn cài cắm vào buổi gặp vài chuyên gia, nhà nghiên cứu (thường đã về hưu), để có lời nhận xét về nhà sưu tập. Thế là có sản phẩm truyền thông hoàn thiện “rất thuyết phục” vì có đầy đủ từ bộ sưu tập khủng (về số lượng), nhà sưu tập nói về đam mê, giới thiệu vài hiện vật tâm đắc, chuyên gia nói về bảo tồn, ca ngợi sưu tập tư nhân (nhưng hiếm khi thấy đề cập trực tiếp vào một hiện vật cụ thể!?). Nhờ đó, uy tín của nhà sưu tập nhích lên, lấy đó làm bình phong phục vụ ý đồ khác.
Khoác áo cung đình
Nhà sưu tập Nhật Bản là Seiki Chisato ở những năm 1980 - 1990 thu gom nhiều đồ gốm men màu có kiểu dáng, hình thức trang trí lạ mắt, và ngây ngô tin là đồ ngự dụng của hoàng cung Thăng Long. Khi bộ sưu tập dày dặn, ông ra mắt cuốn sách “Hoàng Đế Đào Từ” Men ngũ thái và thanh hoa của triều Trần. Mục đích đẩy giá bộ sưu tập đồ gốm men màu ông đang sở hữu.
|
Chiếc Kendi giả cổ được “ưu ái”, chuẩn bị thăng cấp… cung đình trong một triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử |
Tiếc là bộ sưu tập “độc - lạ” ấy được các chuyên gia gốm Việt trong - ngoài nước khẳng định toàn bộ là… giả. TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, từng đưa ra cảnh báo về cuốn sách và dòng gốm giả cổ: “Đây là một cuốn sách với ý đồ giới thiệu gốm cổ Việt Nam, có nghiên cứu so sánh nhiều tài liệu Việt Nam, Trung Quốc và Nhật nhưng tiếc là có quá nhiều sai lầm về niên đại và nguồn gốc. Phải chăng đây là một kiểu tiếp thị khiến mọi người quan tâm đến gốm cổ Việt Nam cần phải cảnh giác. Các nhà giám định, sưu tầm hãy cẩn trọng với những chủng loại đồ gốm tam thái Việt Nam thế kỷ 15 giả cổ đang có đầy trên thị trường”. Chiêu thổi giá thất bại, cuốn sách in 2008 nhưng phá sản từ khi chưa kịp phát hành.
Một cách tăng giá cho cổ vật ở mức độ hẹp hơn là khoác mác cung đình, nội phủ - đồ vua chúa dùng trong cung cấm. Những đầu sách viết về đồ ký kiểu của cụ Vương Hồng Sển và các học giả sau này với những phân tích, hình ảnh, thuyết giải minh văn, thơ phú, hiệu đề, hoa văn kỹ càng, chuyên sâu, cộng độ khan hiếm khiến cho dòng đồ “4 chữ” thời Lê - Trịnh như Khánh Xuân Thị Tả, Nội Phủ Thị Bắc, Thị Trung, Thị Nam, Thị Đoài… hiện được đẩy giá đến hết ngưỡng. (Một dầm trà đường kính ngoài 20 cm, tiền tỉ là chuyện không hề lạ).
Trong thị trường cổ ngoạn Việt, đồ ký kiểu thời Lê - Trịnh được thổi giá thành công nhất xưa và nay. Điều thú vị là khi hiện vật được thổi giá cũng là cơ hội cho đồ giả xuất hiện. Cả cung vua, phủ chúa ngày xưa, đồ sứ đặt về không quá nhiều, lại qua bao vật đổi sao dời, ấy mà giờ nhẩm lại trong sưu tập tư nhân ở cả Nam - Bắc, dòng đồ sứ cung đình thời Lê - Trịnh vô số kể.
Nói về nghệ thuật đẩy giá, nhà sưu tập Philip Nguyễn (Việt kiều Mỹ, chuyên đồ sứ Lê - Trịnh) kể: “Hơn chục năm trước, tôi có mua một đĩa Khánh Xuân của ông Hảo ở Lê Công Kiều giá 2.500 USD, trong khi đĩa Chu Đậu vẽ sơn thủy là 10.000 USD. Mười năm sau, tôi bán đĩa Khánh Xuân được hơn 100.000 USD, đĩa Chu Đậu chỉ được 30.000 USD. Đối với tôi, đồ ký kiểu mang lại cho tôi giấc mơ có thật”.
Chuyện ảo tưởng về đồ cung đình không chỉ dừng lại trong giới sưu tầm, người chơi cá nhân. Ngay cả một số đơn vị chuyên ngành, một số nhà nghiên cứu tên tuổi cũng nhập cuộc, nhập nhèm khoác cho cổ vật những giá trị cung đình… (còn tiếp)
Theo Phong An (TNO)