Hiền hòa thác Ia Nhí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thác Ia Nhí hay còn gọi là thác Ia Sâm (thuộc làng Ia Khưng, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, Gia Lai) nằm giữa một thung lũng, nơi được bao bọc bởi đồi núi và ruộng bậc thang của người dân Jrai bản địa. Tuy còn hoang sơ nhưng thác Ia Nhí lại hấp dẫn bởi vẻ đẹp hiền hòa và yên bình, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích dã ngoại.
Từ trung tâm TP. Pleiku đi thẳng đường Hồ Chí Minh đến đầu thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), du khách rẽ phải ở đoạn đường vào Trung tâm Y tế huyện, sau đó theo con đường đất sẽ đến được thác Ia Nhí. Con thác này hiện đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến bởi vẻ đẹp rất riêng.
Thác Ia Nhí bắt nguồn từ dòng Ia Hlốp (xã Chư Don). Dòng suối chảy rì rầm theo các khe đá, đến giữa thung lũng thì bị chặn lại bởi những tảng đá đồ sộ chồng chất lên nhau. Nhưng nước không dễ dàng bị khuất phục mà kiêu hãnh chồm lên rồi ào ạt đổ xuống từ độ cao khoảng 20 m, tạo thành dòng thác tuyệt đẹp. 
 Vẻ đẹp hiền hòa của thác Ia Nhí. Ảnh: L.T
Vẻ đẹp hiền hòa của thác Ia Nhí. Ảnh: L.T
Đặc biệt, dưới chân thác là một hồ nước tự nhiên rộng trên 100 m2, mực nước vào mùa hè thấp nên có thể tắm và bơi lội thỏa thích. Đứng ở chân thác, du khách có thể cảm nhận hơi nước phả vào người mát lạnh. Xung quanh thác là cây cối và ruộng bậc thang xanh ngắt, du khách có thể vừa ngắm cảnh thiên nhiên thơ mộng vừa trải nghiệm mò cua, bắt cá. Chị Nay HChuyên (làng Ky Phun, thị trấn Nhơn Hòa) chia sẻ: “Vào những dịp cuối tuần, thanh niên chúng tôi thường đến thác Ia Nhí dã ngoại. Ngoài thức ăn mang theo để nướng, chúng tôi còn chuẩn bị dụng cụ câu cá và bắt cua. Đến với thác Ia Nhí, cảm giác thật thư giãn, giúp mình tạm thời quên đi những lo toan đời thường”.
Ông Siu Ế-nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Pưh-cho biết: “Từ xa xưa các già làng đã đặt tên thác là Ia Nhí. Thời kỳ làng voi Nhơn Hòa còn tồn tại, thác Ia Nhí đã thu hút rất nhiều du khách với hành trình cưỡi voi từ làng đến thác. Hiện nay, huyện Chư Pưh đang xây dựng đề án khôi phục lại làng voi thị trấn Nhơn Hòa và xây dựng thác Ia Nhí thành điểm du lịch sinh thái”.
Nếu có dịp ghé thăm Chư Pưh vào những ngày lễ, Tết hay cuối tuần, bạn hãy đến với thác Ia Nhí-con thác hiền hòa chảy êm đềm giữa thung lũng-để được đắm mình cùng âm thanh của tiếng thác đổ, mơ màng nghe tiếng chim rừng hòa tấu thành bản tình ca Tây Nguyên trong không khí thanh lành. Không những được hòa mình vào thiên nhiên, chụp ảnh lưu niệm tại thác, ta còn có cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp cuộc sống, lao động, sinh hoạt của các dân tộc bản địa sinh sống nơi đây.
 LÊ TRANG

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.