Gương mặt thơ: Nguyễn Tiến Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Tôi gọi Nguyễn Tiến Thanh là nhà thơ lãng tử. Anh lãng tử nhất trong số những nhà thơ tôi biết. Đang làm Tổng Biên tập một tờ báo với mấy ấn phẩm hàng ngày, nuôi hàng trăm quân nhưng thấy anh thoắt chỗ này lại thấp thoáng chỗ kia, đa phần là với các địa chỉ thi nhân.

Nguyễn Tiến Thanh nổi tiếng từ hồi là sinh viên Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bởi chất lãng tử, bởi thơ hay, ngùn ngụt cảm xúc, hút bạn đọc nữ như nam châm và bởi cả sức đọc đông tây kim cổ.

Anh viết thơ như chơi, như ngẫu hứng, như bâng quơ, tự nó bật ra, nhưng lại luôn hun hút năng lượng, như xoáy nước kéo lút người đọc vào và đau đáu: “Ta đi tái nhợt chân trời/Đường chưa thăm thẳm đã vời vợi mây/-Xin dừng chân trước mai ngày/Viễn ca một khúc mà đày đọa nhau…”. Hay như: “Lá rụng xuống sân trường năm 88/Ta 20 rụng dưới mắt em nhìn/Ừ có thể lá như ta-đồng phạm/Mượn gió mùa gây xước tim em”.

Đọc thơ anh cứ sợ vỡ, sợ tan, sợ chữ mong manh quá. Chữ chính là tác giả, sự mong manh khiến ta như nín thở. Nhưng lại cũng đầy ngang tàng: “Đỏ hoa phượng, cháy ngang trời hạ lửa/Quán ven đường ta “cắm” tuổi thanh xuân/Dốc cạn túi chỉ còn câu thơ cũ/Lăn cuối chiều, khất nợ những hoàng hôn”.

Từng dạy đại học, làm báo hơn 30 năm, đã xuất bản cả thơ và tiểu luận, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, anh hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

Viễn ca

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Ta đi về phía mặt trời

Sau lưng ta những mặt người lặng im

- Xin dừng chân phía tàn đêm

Cơn mưa phong kín đường tim gió lùa.


Ta đi mòn cả mùa thu

Khoác trên vai những sương mù huyễn du

- Xin dừng chân ngõ mơ hồ

Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn.


Ta đi rời rã cánh đồng

Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơm

- Xin dừng chân trước chiều hôm

Thắp hoàng hôn suốt một cơn say dài.


Ta đi tái nhợt chân trời

Đường chưa thăm thẳm đã vời vợi mây

- Xin dừng chân trước mai ngày

Viễn ca một khúc mà đày đọa nhau…


Đi

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Ngày đi, chiều cũng đi rồi

Bàn chân mỏi, bước ven đời thiên di

Đi mòn tuế nguyệt-nhiều khi

Cười lên một tiếng nghe ly biệt về.


Cánh diều tái nhợt chiều quê

Mùa buông tóc xõa hẹn thề phong ba

Vọng vang biệt khúc hải hà

Ô hô tiếng khóc-à ha tiếng cười.


Giữa mênh mông, hỏi kiếp người

Biết tìm đâu chỗ ta ngồi, lặng nghe?

Phố đông lạc một vỉa hè

Ngõ sâu chìm một cơn mê cuối mùa.


Sông dài, thưa mái chèo khua

Đê nằm gọi cỏ mọc chưa, có buồn?

Biển còn nhạt thếch chiều hôm

Đã về đây một cánh buồm bạc phai.


Đã về đây những sớm mai

Chợt nghe một tiếng thở dài, rồi thôi

Người đi, ừ cũng đi rồi

Có đau dưới gót chân trời viễn thu?


Lá rụng xuống sân trường năm 88

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Lá rụng xuống sân trường năm 88

Ta 20 rụng dưới mắt em nhìn

Ừ có thể lá như ta-đồng phạm

Mượn gió mùa gây xước tim em.


Tuyệt tình cốc dựng trên lời thề hẹn

Rượu đong tràn ngõ vắng bơ vơ

Ta tình cờ nội trú cơn mơ

Đâu thể hát âm vang lời của nắng?


Đâu thể héo những hoa hồng dĩ vãng?

Rạng ngời đau trong vệt sáng ven trời

Em có biết tương tư và trái cấm

Đã muôn đời lưu lạc giữa mây trôi?


Nghe thời gian đi guốc gỗ qua đời

Niềm vui thức trên giảng đường ngủ gật

Này thương nhớ, sao rủ trầm luân tóc?

Cánh điệp vàng trên đất lạ lùng rơi.


Một cơn mưa-mùa ấy đã xa rồi…


Đỏ hoa phượng, cháy ngang trời hạ lửa

Quán ven đường ta “cắm” tuổi thanh xuân

Dốc cạn túi chỉ còn câu thơ cũ.


Lăn cuối chiều, khất nợ những hoàng hôn.

Lá rụng xuống sân trường năm 88

Ta 50 ngồi viết thơ buồn.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.