Và hồi ấy, anh đã có tới 7 tiểu thuyết đã xuất bản, hàng trăm tập kịch bản phim truyền hình do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) sản xuất.
Gần đây, tôi mới biết, sự nghiệp thơ anh cũng rất “khủng” với 4 trường ca, 4 tập thơ; tập mới nhất là “Khác biệt” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024).
Quê ở Hà Nam, xung phong nhập ngũ nhưng bị loại vì thiếu cân, anh lại phải nhờ bạn “thi” hộ để “đỗ” vào làm công nhân cầu đường ở Lào Cai. Tới giờ, anh dính cứng với đất ấy, thành danh với đất ấy, trở thành nhà văn của đất ấy. Mới hay, cái quê sáng tác của nhà văn nó mới quan trọng và máu thịt làm sao.
Thơ anh giản dị nhưng đầy suy nghĩ, những suy nghĩ tưởng giản đơn nhưng cứ thăm thẳm từng trải, thăm thẳm nỗi người: “người miền núi đẻ ra là chấp nhận sống còn/tự biết có, không giữa giời giữa đất/niềm vui chia đều như mỏ nước/cho chúng mình với nhau!”. Hoặc như: “vào căn lán bên đường ta quên mình là khách/xin chơi trò củi lửa thuở hồng hoang/gió nhè nhẹ chui qua khe nứa/giả tiếng cô hồn ru u u phiêu linh”...
Và, cũng miền núi, nhưng cái miền núi của anh nó cứ lộng lẫy trong hoài niệm thế này: “nhớ ngày em về nhà chồng/gia tài mang theo hơi ấm của lau/nhấp nhô trên lưng ngựa/lau bén duyên người/người bén duyên nhau/nệm êm chăn ấm về buồng…/bây giờ/chăn nệm bông lau trèo lên gác ngủ/còn mẹ đêm đêm âm thầm bên bếp lửa/nghe khung cửi chuột cắn/thương hoa lau trắng đồi”.
Con đường đến với văn chương của anh nói gập ghềnh cũng được mà may mắn cũng chẳng sao. Từ công nhân trực tiếp làm đường, anh “tiến lên” về làm biên tập cho đội thông tin lưu động huyện rồi lên làm lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật, rồi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Còn sáng tác, từ hồi làm công nhân, có nhà báo về công tác, khi ăn cơm sẵn tí rượu nên đọc thơ, Đoàn Hữu Nam nghe xong bảo: Nếu thơ thế này mình cũng làm được... Và, cứ thế, ta có một nhà văn, nhà thơ Đoàn Hữu Nam hiện nay.
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
Buổi chiều thắp lửa
chiều tắt nắng bóng núi trùm bản nhỏ
gió la đà dọc triền suối chờ trăng
những ngọn khói bâng khuâng trên mái lá
cho ta ngập ngừng bước chân.
cho ta theo dấu lạ, dấu quen
bước lên sàn nhà thênh thênh gió
bếp lửa giữa sàn như nhắc
đêm nay không say không về.
ta quên mình đã đánh rơi thanh xuân
con sáo sang sông hót lời giăng mắc
em nhỏ nhẹ, em ngập ngừng khép mở
hoa lửa bập bùng lây sang nhau…
từ chiều ấy ta đi đến chiều nay
một nắng hai sương, hai sương một nắng
và ngọn lửa của buổi chiều thắp lửa
ơn trời nâng từng bước chân.
Gặp bạn
giữa một vùng nắng gió
giữa bộn bề núi non
trong vòng tay bè bạn
năm người cùng rưng rưng.
nào-bắc cầu trên mật
chim thú dạn bẫy tên
kẻ-chui qua lũ ống
kẻ-nợ hạn trăm năm
người-tre không nối đốt
ta-lạc nẻo đường quê.
nào-rách lành đắp đổi
vạn cây cùng vỏ che
lưng bàn tay-cũng thịt
lòng bàn tay-cũng da.
dao sắc không ngoài vỏ
lòng tin không gió trăng
suối gặp sông suối chết
người gặp người nở hoa.
Với em
ngày làng cắt bạc làm đình
đắp phai dẫn nước
giữa sàn bập bùng hoa lửa
dưới ruộng trên nương mùa dâng trong mắt
thấy sàn trống bồ không ngô thóc tự tìm về
làng vẫn chưa có em và anh!
ngày đất nước loạn ly
đêm dài như đời người
bát rượu tăm bò nhấc lên hạ xuống
lời khôn chưa lên đến miệng
lời đau tiếng nấc trào ra
làng vẫn chưa có em và anh!
làng mở hội cầu mùa
nhân duyên bén lửa
củi nỏ than hồng được gió
trời nhắc làng sẽ có em, có anh!
người miền núi đẻ ra là chấp nhận sống còn
tự biết có, không giữa giời giữa đất
niềm vui chia đều như mỏ nước
cho chúng mình với nhau!
em ơi quả phúc nghìn năm tụ
cũng nghìn năm kiếm củi giữ lòng
nghìn năm phấp phỏng bao may rủi
cho ta đầy nhà tiếng cháu con.