Gieo giá đỗ ven sông Lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân ở đây không làm giá đỗ như các nơi khác là ủ giá trong thùng, trong chum, trong thạp, mà gieo trực tiếp đậu xanh xuống những hầm đất cát mịn ven sông Lại. Làm giá đỗ theo cách này sợi giá có màu trắng tinh khiết, mọng vị ngọt.
Vùng đất bãi bồi ven sông Lại, con sông lớn thứ 2 ở tỉnh Bình Định được hợp thành từ 2 dòng sông An Lão và Kim Sơn chảy qua địa bàn huyện Hoài Nhơn, trải dài từ bờ Bắc đến bãi bồi An Đông thuộc khối 1 (thị trấn Bồng Sơn), tưởng như nằm đó để đến những mùa mưa bão là oằn mình “gánh” những đợt lũ.
Nhưng không, khi mùa lũ đi qua, vùng đất bãi bồi này bỗng trở nên sinh động với cái nghề truyền thống của người dân sống ven sông Lại. Cái nghề suốt ngày “vật lộn” với đất mịn để bắt những hạt đậu xanh “đẻ” ra những cọng giá nõn nà. Rồi những cọng giá hóa thành tiền “xây nhà, sắm xe” cho những người làm ra nó.
 
Đào hầm ven sông Lại chuẩn bị gieo giá đỗ
Hàng ngày, khi nắng chiều xuống dần, những vùng đất bãi bồi ven sông lại bỗng trở nên rộn ràng tiếng nói cười của những người dân kéo nhau đi làm giá đỗ. Bà Nguyễn Thị Út (45 tuổi), 1 trong số gần 20 hộ dân ở xóm giá An Đông thuộc thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), vừa vung vẩy đôi giỏ sắt bên trong giỏ đựng khoảng chục cái rổ sảo được đan bằng tre, vừa trò chuyện: “Nghề gieo giá đỗ trên những vùng đất bãi bồi ven sông đã gắn bó với người dân sinh sống ven sông Lại từ lâu đời, là nghề truyền thống “cha truyền con nối” của chúng tôi. Nghề này không nặng nhọc, nhưng cứ như chăm con mọn, không có thời gian ngơi nghỉ. Bù lại, ngày nào người làm giá cũng cầm được tiền, khoản tiền mà người làm nghề lao động phổ thông mơ cũng không có, nó giúp cho những người làm nghề vươn lên khá giả, có cuộc sống ổn định”. Tư liệu sản xuất của nghề gieo giá đỗ ven sông không có gì nhiều, mỗi gia đình chỉ cần vài đôi giỏ sắt, chục rổ sảo tre, vài cây cuốc cây xẻng. Cuốc xẻng dùng để đào hố; giỏ, rổ dùng để đựng và rửa giá trong những công đoạn gieo và thu hoạch. Theo bà Lê Thị Thành (51 tuổi) ở thôn An Đông, thành viên của 1 gia đình có 3 đời làm nghề gieo giá đỗ ven sông Lại, chia sẻ: “Muốn đậu xanh cho ra những cọng giá chất lượng và đạt năng suất cao, các công đoạn chọn đậu xanh, ngâm, ủ đậu trước khi gieo vào hầm cũng phải có “bí quyết gia truyền”, để khi mình khui hầm thì giá cũng vừa lên đúng tầm thu hoạch, cọng giá không non cũng không già. Phần đệm phủ cát từng lớp tạo độ ẩm cho hầm để giá mọc đều và không bị xoắn cục cũng là khâu việc không kém phần quan trọng, quyết định sự thành bại của mỗi đợt gieo. Nếu hầm thiếu độ ẩm, khi thu hoạch giá sẽ bị gãy nhiều vì thân khô, cọng giá thừa nước dẫn đến mềm thân, thối gốc”.
Thấy tôi “lơ ngơ” ra vẻ chưa “hiểu nghề” lắm, ông Huỳnh Quang Quốc (55 tuổi), người có thâm niên trên 20 năm làm nghề này, tiếp lời: “Để có rau cung cấp thường xuyên mỗi ngày, chúng tôi phải dựa trên đặc điểm sinh trưởng của giá để bố trí gieo đậu xanh theo cách gối đầu. Hôm nay thu hoạch hầm này xong, tiếp tục gieo xuống; hôm sau thu hoạch hầm khác lại tiếp tục gieo xuống, việc thu hoạch và gieo mới cứ làm theo kiểu “cuốn chiếu”.
 
Những cọng giá trắng muốt chen nhau mọc lên
Để tránh cho cọng giá bị vàng ố bởi nhiễm những hạt bùn lẫn trong cát, bãi gieo phải được chọn là vùng đất phù sa mịn, không nhiễm phèn và phải cao hơn mặt nước sông. Mỗi hầm thường có đường kính 0,5 - 0,6m; sâu không quá 0,6m, nếu hầm có kích cỡ lớn hơn thì sẽ gây khó cho công đoạn gieo và thu hoạch. Gieo hạt đậu xanh được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau từ 3 - 4 ngày, mỗi lần gieo từ 10 đến 15 hầm. Mỗi hầm chỉ gieo 1kg đậu xanh là vừa đủ cho ra 8 - 9kg giá thành phẩm.
Để đảm bảo sản lượng và chất lượng, người làm nghề phải thường xuyên thay cát ủ hầm, sử dụng nguồn nước thật sạch để tạo độ ẩm, nếu không hạt đậu sẽ thiếu chất dinh dưỡng chậm phát triển, sản lượng thấp, chất lượng rau dai, nhạt nhẽo”.
Những gia đình có diện tích đất bãi bồi ven sông Lại đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng lâu dài thì việc hành nghề gieo giá đỗ được ổn định, những hộ đất ít hoặc không có đất mà có nghề thì họ làm giá theo kiểu “du canh”.
 
Thu hoạch giá
Ví như cặp vợ chồng Dung - Hạ ở khối 4 (thị trấn Bồng Sơn). Diện tích đất bãi bồi ven sông của gia đình này được Nhà nước thu hồi để xây dựng đê ngăn mặn giữ ngọt cho sông Lại, nhưng đôi vợ chồng này vẫn gắn bó với nghề gieo giá đỗ ven sông. Hàng ngày, vào mùa nước sông cạn, vợ chồng anh chọn những cồn cát nổi ven sông làm nơi gieo giá. Ở mỗi nơi, vợ chồng anh gieo 2 đợt, rồi gồng gánh giỏ rổ cuốc xẻng di chuyển sang vị trí khác để tiếp tục công việc.
Tuy việc hành nghề không ổn định, nhưng kiểu gieo giá đỗ “du canh” cho sản lượng và chất lượng giá cao hơn so với những hộ sản xuất cố định. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Hạ bày tỏ: “Lợi thế làm theo kiểu “du canh” là lúc nào cũng được làm trên đất mới, vừa không phải mất công thay đất mà giá cho chất lượng và sản lượng cao hơn những người làm giá cố định trên 1 vùng đất. Tuy nhiên, người có đất cố định thì vào mùa mưa họ che chắn và đào rãnh thoát nước thì vẫn có thể sản xuất, còn làm kiểu “du canh” thì chịu, mùa mưa tới là “gác” đồ nghề”.
Những người hành nghề gieo giá đỗ ven sông Lại làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm. Chiều về, họ vệ sinh hầm để tối đến làm sạch đậu rồi ủ qua nước để tạo độ ẩm trước khi cho vào hầm gieo theo chu kỳ. Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là cả gia đình có mặt tại bãi bồi để thu hoạch, sao cho vừa tờ mờ sáng là có giá chở đi giao cho khách hàng. Cái nghề gieo giá đỗ ven sông Lại khổ sở là vậy, nhưng bù lại nó cho những người làm nghề khoản thu nhập khá cao.
 
Chuẩn bị gánh giá đi tiêu thụ
Chị Nguyễn Thị Toàn (49 tuổi), tính toán: “Cứ 1kg đậu xanh hạt cho ra khoảng 8kg giá. Trung bình mỗi ngày tôi gieo từ 15 - 20kg đậu xanh, mỗi kg đậu xanh hạt hiện có giá 40.000đ, sau khi gieo sẽ cho ra từ 140 - 150kg giá, bỏ sỉ 8.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí vốn gốc, tiền điện bơm nước, xăng xe đi bỏ mối và hao hụt trong khi thu hoạch, mỗi ngày gia đình cũng có thu nhập trên 400.000 đồng từ nghề làm giá”.
Những người có mối hàng ngoài tỉnh có mức thu nhập còn cao hơn, như ông Trần Văn Lành (52 tuổi) làm giá trên vùng bãi bồi An Đông. Mỗi ngày, ông Lành thu hoạch giá từ 19 giờ đến 23 giờ tối, đến 4 giờ sáng hôm sau ông chở giá ra Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) giao cho mối hàng. Ông Lành bày tỏ: “Tôi có bạn hàng ở Sa Huỳnh hơn 10 năm nay, tiêu thụ giá ở thị trường này rất ổn định, chưa bao giờ bị “dội hàng”. Trung bình mỗi ngày tôi bỏ mối ở đây trên 200kg giá, lợi nhuận hơn một nửa, dù đường vận chuyển có xa hơn nhưng việc làm ăn luôn thuận lợi nên rất vui và ham làm”.
 
Mới tờ mờ sáng, giá đỗ sông Lại đã được đưa ra bày bán
“Trước đây trên địa bàn có 50 hộ có nghề truyền thống gieo giá đỗ ven sông Lại, do đất bị thu hẹp dần nên giờ còn khoảng 20 hộ, mỗi ngày xuất bán ra thị trường khoảng trên 1.000kg giá đỗ. Nghề này ngoài giúp cho các hộ làm nghề có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn, mà còn góp phần tạo ra nguồn rau sạch cung ứng ổn định cho thị trường trong và ngoài huyện”, ông Trần Đức Huy, Khối trưởng khối 1 (thị trấn Bồng Sơn), cho hay.

Vũ Đình Thung (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.