Giáo dục giới tính cho học sinh vùng biên: Hoạt động bổ ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết về giáo dục giới tính cho học sinh trên khu vực biên giới, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã phối hợp với Văn phòng đại diện Boston Scientific International và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình công tác xã hội cộng đồng truyền thông giáo dục giới tính tại Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai).
Thầy Nguyễn Duy Tân-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Toàn trường hiện có 814 học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 60%. Vài năm trở lại đây, nhà trường vẫn còn tình trạng học sinh dân tộc thiểu số tảo hôn, nguyên nhân là do nhận thức còn hạn chế. “Trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như phối hợp lồng ghép tuyên truyền nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em. Chúng tôi hy vọng với sự truyền thông trực tiếp từ các bác sĩ đến từ Hà Nội, học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục giới tính”-thầy Tân cho hay.
 Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh trao đổi về giáo dục giới tính cho các em học sinh. Ảnh: P.D
Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh trao đổi về giáo dục giới tính cho các em học sinh. Ảnh: P.D
Theo Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh-Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vị thành niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, vì vậy rất cần được trang bị những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản. Do đó tại buổi truyền thông, Tiến sĩ-bác sĩ Vân Anh đã trực tiếp truyền đạt đến các em những nội dung liên quan đến giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản; cách xác định thế nào là xâm hại tình dục trẻ em, thực trạng, dấu hiệu, các bước xử lý khi bị xâm hại tình dục; phòng-chống bạo lực học đường và những kỹ năng sống cần thiết. Đặc biệt, với cách truyền đạt trực quan, sinh động bằng tranh ảnh cũng như khơi gợi vấn đề khéo léo từ Tiến sĩ-bác sĩ Vân Anh, các em học sinh đã vượt qua sự rụt rè ban đầu và mạnh dạn đặt ra nhiều câu hỏi, như: nếu dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản sau này, độ tuổi nào có thể quan hệ tình dục, thế nào là tình dục an toàn, hậu quả của việc mang thai sớm là gì... Tất cả các câu hỏi đều được Tiến sĩ-bác sĩ Vân Anh giải đáp rõ ràng, đồng thời đưa ra những lời khuyên bổ ích. Em Nguyễn Thị Vân Kiều-học sinh lớp 9A1-chia sẻ: “Từ trước đến nay, tụi em rất ít khi đề cập đến vấn đề này vì ai cũng cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ. Do đó, qua chương trình này, tụi em đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích để tự tin nói cho nhau nghe và giúp nhau hiểu biết hơn”.
Bên cạnh truyền đạt kiến thức đến học sinh, Tiến sĩ-bác sĩ Vân Anh cũng cho rằng, để giáo dục giới tính một cách tốt nhất, phụ huynh nên dành thời gian quan tâm, lắng nghe con; cần làm gương cho con bằng chính hành vi của mình và giải quyết các vấn đề bằng phương án không bạo lực... Phía nhà trường cũng cần quan tâm đến học sinh cả trong và ngoài trường học; thiết lập quy tắc không phân biệt đối xử, lắng nghe học sinh; thảo luận với học sinh về các biện pháp phòng-chống bạo lực; dạy học sinh kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi. Trao đổi thêm về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Bích Mận-Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai), trưởng đoàn công tác-bày tỏ: “Hàng năm, Bệnh viện đều có nhiều hoạt động hướng về cộng đồng nhưng chúng tôi thường đến các tỉnh phía Bắc nhiều hơn. Đây là lần đầu đoàn đến với Tây Nguyên. Đối tượng mà chúng tôi muốn hướng đến là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa vì việc chăm sóc sức khỏe của các em vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tùy vào từng lứa tuổi, chúng tôi sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp để truyền thông nhằm giúp các em trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản”.
Cùng với hoạt động truyền thông, đoàn công tác còn trao tặng thư viện nhà trường 65 đầu sách gồm: sách bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho học sinh; sách kỹ năng sống... và hơn 800 cuốn sổ, hơn 1.600 cây bút. Đặc biệt, đoàn công tác cũng đã trao tặng 30 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trị giá 300.000 đồng/suất). Em Rơ Mah Tiêng-học sinh lớp 9A1-phấn khởi: “Em sẽ đưa số tiền này cho mẹ để mua thêm đồ dùng học tập cho 3 chị em. Em cũng sẽ cố gắng học tập thật tốt và động viên các bạn không nghỉ học để “bắt vợ”, “bắt chồng” sớm”.
Với vai trò là đơn vị kết nối, Thượng tá Hoàng Xuân Hải-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-nhấn mạnh: “Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mô hình nhằm động viên học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như: “Nâng bước em đến trường”, “Bếp ăn tình thương”, “Con nuôi đồn biên phòng”... Riêng với việc phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông lần này, chúng tôi cũng mong muốn góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn trên khu vực biên giới”.    
 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.
Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Bệnh viện (BV) Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết đã ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse trong điều trị vô sinh, giúp tăng cơ hội chuyển phôi thành công và sinh con khỏe mạnh. Chuyên viên phôi học thao tác trên hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse
Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản của phái mạnh. Đó là nhờ cà rốt chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như carotenoid, chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa.