Giáng sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu lắm, tôi mới trở về xóm nhỏ, cái xóm có những ngôi nhà nằm nem nép dưới rặng núi bốn mùa thẳm xanh. Ngước lên vòm trời cuối đông xam xám, nhìn sang bên kia con đường nhỏ, tháp chuông nhà thờ vút lên trên những vòm cổ thụ xanh mát. Mỗi sớm mỗi chiều, từ trên tháp nhà thờ cao vút, nhịp chuông ngân rơi vào thời gian, rơi vào tôi những thanh âm ngân dài vô tận.
Từ ngày bắt đầu đến trường, tôi đã được chung nhịp bước với những bạn bên xóm đạo. Tôi từ phía bên này bước đến, các bạn từ bên kia bước qua, thế là chúng tôi đã hòa nhịp trên con đường dẫn đến ngôi trường nhỏ. Trong lớp tôi, các bạn xóm đạo luôn có dáng vẻ đặc biệt hiền lành, sự dịu hiền hiện rõ trên đôi mắt, nhất là ở những bạn nữ.
Cái thuở còn bé tẹo ấy, chúng tôi đã mon men theo những nhịp chuông rung ngân trên tháp nhà thờ để sang xóm đạo xem những buổi lễ mà hồi ấy chúng tôi chẳng biết là những lễ gì. Chỉ biết giáo đường là nơi đèn đuốc luôn sáng choang, mọi thứ được xếp đặt một cách nghiêm ngắn và những người đến tham dự đi đứng nói năng rất từ tốn, nhẹ nhàng. Có những buổi lễ đông nghịt người và rực rỡ cờ hoa, tôi thấy các bạn nữ lớp tôi mặc váy trắng đứng trong dàn thánh ca. Khi thánh lễ cất lên, không gian lặng phắc, sự trang nghiêm lan sang cả đám trẻ nhí nhố như chúng tôi.
Cái thời mà chúng tôi ăn còn chưa đủ no, tấm áo manh quần còn chưa được lành lặn thì hình ảnh các bạn cùng trang lứa mặc những bộ đồng phục tinh khôi như những thiên sứ cánh trắng cứ in mãi trong tâm thức tôi mỗi lần bất chợt đâu đó ngân lên hồi chuông giáo đường.
Ảnh minh họa: Thanh Nhật
Ảnh minh họa: Thanh Nhật
Chúng tôi dần lớn, kiến thức tiếp thu ở trường giúp chúng tôi dần mở mang hiểu biết. Tôi đã có thể nhớ được đôi ba dịp lễ trọng của những người theo đạo Thiên Chúa. Không chỉ thế, những người bạn xứ đạo học cùng còn tạo cho chúng tôi thói quen dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp lễ Giáng sinh hay mừng năm mới bằng cách ghi lên những tấm thiệp giấy rất đẹp.
Nếu có điều gì đó để nhớ nhất về quãng đời học sinh thì có lẽ là tặng nhau các loại thiệp. Từ những tấm thiệp nhỏ, in hoa văn đơn giản, thường là hình các loài hoa hay ông già Noel, công chúa tuyết, chú tuần lộc kéo xe trượt tuyết; đến những tấm thiệp cầu kỳ được cắt xếp công phu, gắn thêm bóng đèn và chiếc loa bé xíu có thể phát ra ánh sáng nhấp nháy theo điệu nhạc. Chúng tôi mặc sức mà sáng tạo ra những lời chúc bay bổng nhất viết lên tấm thiệp dành tặng cho nhau.
Cái cảm giác lần đầu tiên nhận một tấm thiệp từ đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô bạn xóm đạo đến giờ tôi vẫn nhớ. Thỉnh thoảng dọn dẹp nhà cửa, tôi mở những tấm thiệp ngày nào ra xem lại, nét chữ học trò lành hiền non dại, lời lẽ học trò cũng ngô nghê, nhưng lại là những kỷ niệm chất chứa những tháng năm thật đẹp, như những giọt chuông giáo đường ngân lên, rồi thăm thẳm trôi đi cùng những đôi mắt dịu hiền của những người bạn nơi xóm đạo thuở nào.
Bây giờ thì Giáng sinh dường như không còn là dịp lễ dành riêng cho những người Công giáo hay Tin lành. Tiết trời se sắt lạnh, đường phố như ấm hẳn lên nhờ những cây thông Noel và đèn màu được trang trí trong những hàng quán, ở những khu vui chơi, nơi công cộng. Mọi người đi chơi, chụp ảnh, tặng quà cho nhau và chúc nhau những lời an lành, tốt đẹp nhất, không phân biệt người theo đạo hay không theo đạo. Tôi nghĩ, dẫu ngoại đạo, những lời tốt lành chắc hẳn luôn làm cho con người cảm thấy ấm áp, an vui, tựa như một đức tin nào đó luôn sẵn có ở trong tâm.
Những hồi chuông bên xóm đạo đang hối hả rung ngân trong buổi chiều xâm xẩm, có lẽ nhắc mọi người đến tập luyện, chuẩn bị công việc cho đêm Giáng sinh. Tôi tần ngần ngước nhìn tháp chuông nhà thờ cao vút in vào nền trời mùa đông xam xám. Tiếng chuông như những giọt thời gian rơi xuống, tan vào buổi chiều mênh mang gió rồi loang trên núi đồi. Tôi như lại đang được nhìn ngắm dàn thánh ca với những thiên sứ cánh trắng và những đôi mắt hiền dịu của bạn tôi.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).