Giấc mơ trưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Muộn chẳng nghe cô giáo nói gì, trên tấm bảng xanh nhòe nhòe mấy chữ loằng ngoằng màu trắng.

Từ hôm bà ngoại bị xe đụng đến giờ cũng hơn hai tháng rồi mà bà vẫn chưa đi lại được, hai anh em Muộn buồn lắm! Lại thêm chuyện ông ngoại đốt quyển sổ nhật ký của mẹ, ông nói với bà, đừng để những chuyện không đẩu không đâu làm ảnh hưởng đến học hành của mấy đứa nhỏ.

Minh họa: VĂN TIN

Minh họa: VĂN TIN

Muộn rất muốn biết mẹ đã viết những gì khi cha bỏ mẹ con Muộn và khi mẹ đau ốm phải nằm một chỗ nhờ đến sự chăm sóc của ông bà ngoại, mẹ mong muốn điều gì từ anh em Muộn trước khi mẹ đi xa, biết bao nhiêu điều Muộn muốn biết thế mà ông ngoại nỡ đốt nó đi...

Từ khi bà ngoại đau, ông ngoại gánh thêm công việc hằng ngày của bà nên càng thêm vất vả. Tâm trạng không vui, dù cố gắng vẫn không tập trung học được. Cô giáo ngừng giảng, hình như đang nhìn Muộn, Muộn cúi mặt tránh ánh nhìn của cô như thú nhận mình đang có lỗi.

*

* *

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống mong đợi nhất trong buổi học đã đến, giờ ra chơi ai mà không thích. Linh, Cảnh và Muộn kéo nhau ra gốc phượng già, ai ngờ ba đứa chưa kịp ngồi đã bị phá đám. Thằng Sĩ từ đâu xuất hiện lôi thằng Linh đứng dậy.

- Mày làm gì đấy!

- Nhờ bạn Muộn giải giùm bài toán!

- Hết người rồi sao phải nhờ nó!

Câu nói đầy miệt thị, nhưng không làm Muộn khó chịu. Muộn không còn yếu kém như hồi lớp 8 nữa, Muộn đang dẫn đầu lớp, thầy cô ai cũng khen Muộn, bạn bè nể phục, chỉ có Sĩ luôn ghen tị, nói bóng nói gió.

Cảnh và Muộn hơi cụt hứng, cũng may các bạn lớp Muộn kéo đến, những gương mặt thân thiết đều có đủ. Chuyện nổ giòn như bắp rang. Đang vui bỗng thằng Lân tỏ ra bi lụy.

- Bọn mình sắp chia tay rồi!

- Phượng đã nở đâu, ve đã kêu đâu mà chia tay chứ?

Không ai trả lời Cảnh. Ly vừa nói vừa khua tay khua chân:

- Gần nhau thì đánh đá túi bụi, nghe nói chia tay thì buồn thì nhớ, tau có tính lạ vậy đó!

Ai cũng nhìn Ly bằng đôi mắt ngạc nhiên. Có lúc nó dữ dằn khó ưa khó gần, có lúc nó tình cảm còn hơn cả bọn con gái. Không ngờ Sinh nói y như suy nghĩ của Muộn.

- Ngoài những lúc nóng nảy, bạn Ly lúc nào cũng hiền lành như con gái, thấy thương quá!

Bọn con gái đang ngồi ở gốc phượng bên kia nghe Sinh nói vội chạy lại, con Hoa mơ, vì hay ngủ gục trong lớp nên gọi là Hoa mơ, đứng trước mặt Sinh xẵng giọng:

- Ông nói xấu bọn con gái tui sao?

Vốn nhát gái, Sinh không dám nhìn Hoa mơ, thụt lùi một bước phân bua.

- Các bạn nghe nhầm rồi, không tin hỏi Ly nè!

Nghe nhắc đến Ly, Hoa mơ im ngay, thì ra cái oai phong dữ dằn của Ly vẫn là nỗi ám ảnh của bọn con gái.

- Tui nói bọn mình sắp chia tay rồi, tui buồn tui nhớ các bạn, được chưa!

Thằng Ly nói giọng ồ ồ mà ai nghe cũng rưng rưng. Sau mấy giây yên lặng, con Mị dễ thương lên tiếng.

- Ừ! Sắp chia tay rồi, lớp mình viết lưu bút nhé!

Cả bọn vỗ tay hoan hô. Trống báo hết giờ ra chơi vang lên khiến các bạn bỏ lỡ chuyện nửa chừng. Trên đường vào lớp Mị tranh thủ hỏi Muộn.

- Muộn có thi vào trường chuyên không?

- Chẳng biết nữa!

- Mình phải thi vì ba mẹ mong mình sau này trở thành nhà văn!

Muộn tròn mắt ngạc nhiên.

- Sao Mị biết?

- Mị tình cờ đọc được nhật ký của ba.

Thằng Sơn ở phía sau lưng thúc giục.

- Đi nhanh lên, chuyện gì mà nói dai thế!

*

* *

Hai tiết học còn lại của buổi học đầy ắp hấp dẫn và bất ngờ. Thầy chủ nhiệm cũng là thầy dạy môn toán, tự nhiên mở đầu bài giảng bằng một câu hỏi vừa vui vừa lạ vừa khó.

- Hôm nay ngày 5 tháng 5, bạn nào có thể nêu một phương trình bậc hai mà khi giải ra được nghiệm kép là 5?

Sinh trả lời nhanh.

- Thưa thầy! Phương trình x - 5 = 0.

Lâm nói rất nhỏ nhưng vì cả lớp đang yên lặng nên nghe rất rõ.

- Đó là phương trình bậc nhất chứ đâu phải phương trình bậc hai!

Ai ngờ câu nói của Lâm lại là gợi ý hay để Muộn phát biểu.

- Thưa thầy! Bình phương hai vế phương trình của bạn Sinh lên là được ạ!

Thầy cười vui vẻ khen Muộn trả lời đúng, rồi giới thiệu bài học mới.

- Hôm nay chúng ta cùng nhau ôn luyện giải phương trình bậc hai bằng công thức nghiệm.

Bỗng Lân ngồi cuối lớp xin có ý kiến, cả lớp trố mắt ngạc nhiên:

- Thưa thầy, em nghĩ rằng ngày 5 tháng 5 là một ngày thật đẹp vì đó là ngày sinh của thầy. Em kính chúc thầy sinh nhật vui vẻ ạ!

Cả lớp ngơ ngác vì phát biểu của Lân, thầy thì vui lắm, cười rất là tươi.

- Cảm ơn em!

Cả lớp vỗ tay, có đứa bắt nhịp bài hát “Happy birthday to you...”, nhưng thầy khoát tay bảo dừng lại. Thầy bắt đầu bài học, đứa nào cũng len lén nhìn Lân ra vẻ nể phục.

Đợi buổi học kết thúc, cả bọn ùa lại bên Lân, đứa thắc mắc, đứa trách móc, đứa khen, đứa chê.

- Bạn biết hôm nay là sinh nhật của thầy sao không báo với lớp để còn mua hoa tặng thầy, làm cả lớp quê quá chừng!

Lân thật thà nhìn các bạn thú nhận:

- Mình chỉ đoán thôi vì khi thầy nói “hôm nay là ngày 5 tháng 5” đôi mắt thầy ánh lên những tia nhìn rất vui, may mắn mình đã đoán đúng!

Cả bọn xúm quanh Lân nên không biết thầy giáo đã quay trở lại lớp, có lẽ thầy bỏ quên cái kính mắt.

- Hôm nay không phải sinh nhật của thầy đâu, thầy sinh mùa thu tháng 9 kia!

Nghe giọng của thầy, tất cả cùng quay lại nhìn, thầy cười rất tươi, lúc nào cũng vậy, đưa tay vẫy chào rồi ra khỏi lớp. Thật bất ngờ! Ai nấy đều chưng hửng chẳng biết nên cười thế nào cho hợp cảnh hợp tình. Tội nghiệp bạn Lân, cái mặt chẳng ra làm sao!

*

* *

Mậu đón Muộn từ đầu xóm.

- Sao không ở nhà giúp ngoại mà ra đây?

- Đợi anh về mà! Bà ngoại đứng lên, đi được mấy bước rồi, vui quá chừng!

Muộn mừng quá, hai anh em chạy như bay về nhà. Ông ngoại đang lui hui trong bếp, bà ngoại đang ngồi trên ghế thấy anh em Muộn về liền đứng lên định đi ra cửa. Muộn chạy vào ôm lấy bà, rơm rớm nước mắt:

- Chiều nay cháu tập ngoại đi nghe!

Bà ôm Muộn vỗ về:

- Không cần đâu, cứ để ngoại tự làm lấy! Các cháu lo học là ngoại vui rồi!

Hai anh em Muộn lại chạy vào bếp giúp ông ngoại, mùi cơm gạo mới thơm phức, mùi cá bống kho nghệ không lẫn vào đâu được. Mậu nuốt nước miếng ừng ực.

*

* *

Mậu đi học ca chiều, Muộn mang võng ra treo dưới hai cây mít nằm. Con Vàng đánh giấc trưa ngay dưới chiếc võng, gió đầu hè dễ chịu thổi qua vườn, mang theo hương hoa cải thơm nồng.

Thi thoảng tiếng con chào mào hót bên kia rào, tiếng con chích chòe sau bụi tre cũng véo von, buổi trưa quê sao mà êm đềm tuyệt vời đến thế.

Trong nhà ông bà cũng ngả lưng tìm chút gió trên chiếc chõng tre kê gần cửa sổ, con mèo Mun nằm dưới chân lim dim mắt chẳng biết là ngủ hay thức! Bà ngoại đã đi lại được không còn gì vui bằng, ông đỡ vất vả, anh em Muộn cũng yên tâm học hành, nhất định Muộn phải học thật tốt để còn thi vào lớp 10 trường chuyên nữa.

Bạn Mị chắc chắn chọn lớp chuyên văn, ba mẹ bạn ấy muốn bạn sẽ là nhà văn mà, quyển nhật ký của mẹ Mị ghi rõ ràng như vậy. Còn nhật ký của mẹ ghi cái gì trong ấy Muộn chưa được đọc thì ngoại đã đốt mất rồi.

Ngọn lửa... đang cháy đâu đó, ngoài kia hay trong mắt Muộn, không rõ nữa. Cuốn nhật ký màu xanh của mẹ... đang bập bùng cháy, những ánh lửa phần phật trong gió, vòng khói nối nhau bay lên lững lờ lững lờ... Tiếng của gió, tiếng của Muộn và của Mị nữa.

- Bạn Mị! Sao lại đốt cuốn lưu bút của mình chứ?

- Mị có đốt đâu! Bạn viết hay quá đọc hoài không chán mà!

- Muộn viết những gì trong đó vậy?

- Bạn không nhớ thật sao?

- Thật mà, không nhớ!

- Vậy thì mấy dòng thương nhớ này chẳng có nghĩa gì rồi, đốt bỏ cho xong!

Mị châm lửa đốt, cuốn lưu bút màu xanh của Mị cũng đang bập bùng cháy, những ánh lửa phần phật trong gió, những vòng khói nối nhau bay lên lững lờ, lững lờ...

- Muộn cũng đốt cuốn lưu bút của mình đi!

- Không đời nào! Trong ấy có cả những lời xin lỗi ngọt ngào của Sĩ, những lời ấm ức đầy nước mắt của Ly, còn của Mị...

- Đừng, đừng nói nữa...

Cuốn lưu bút của Mị đang cháy bị gió thổi sang cây rơm gần đấy, cây rơm khô lâu ngày bùng lên cháy dữ dội, rừng rực lửa, lửa bén sang Mị. Muộn xông vào dập lửa, kéo Mị ra, lửa sém vào mặt nóng hổi. Muộn buông Mị, đưa tay phủi lửa trên mặt...

- Nắng rọi vô cả mặt rồi kìa!

Tiếng chú Lang thì phải, Muộn mở bừng mắt nhìn, nắng chói vô mặt nóng rang. Đúng là chú Lang nhà bên cạnh rồi, sao con Vàng không sủa? Mà cây rơm vẫn còn nguyên kia kìa. Vậy là mơ sao? Một giấc mơ trưa!

Dù là mơ hay thực, dù mẹ viết gì trong cuốn nhật ký kia thì Muộn và em Mậu phải học thật tốt để ông bà ngoại vui. Muộn chạy ra sau rửa mặt, tiếng chim chích chòe hót hay quá, nó vừa chuyền cành vừa hót ra tận mép vườn xa. Không còn nghĩ ngợi mông lung, Muộn lấy sách ra học bài trong khu vườn rập rờn bóng nắng…

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh tại chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024. Ảnh: H.N

Nhạc sĩ Gia Lai kiếm tìm tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn

(GLO)- Bám sát hơi thở cuộc sống và đưa bản sắc dân tộc vào tác phẩm, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thực sự cố gắng trong hoạt động sáng tác nhằm ghi dấu ấn. Song, làm gì để tác phẩm lan tỏa rộng rãi, ghi đậm trong tâm trí người nghe đang là trăn trở của những người tâm huyết.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

(GLO)- "Nhớ Pleiku" là một tác phẩm đầy cảm xúc của tác giả Sơn Trần. Từng câu thơ vẽ nên bức tranh phố núi đẹp mơ mộng với cảnh sắc yên bình, quyện hòa cùng ký ức, tình yêu và nỗi nhớ...