Gia Lai: Tìm giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ số đào tạo lao động (ĐTLĐ) chiếm đến 20% trọng số trong các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Việc cải thiện chỉ số ĐTLĐ sẽ đóng góp rất lớn trong việc tăng thứ hạng PCI của tỉnh, nhất là khi chỉ số này của Gia Lai năm 2022 xếp thứ 55/63 tỉnh, thành với 4,86 điểm (thấp hơn trung vị 0,66 điểm).

7/11 tiêu chí tụt hạng

Chỉ số ĐTLĐ có 11 tiêu chí, phản ánh các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Năm 2022, Gia Lai có 4 tiêu chí trong chỉ số ĐTLĐ giữ nguyên thứ hạng hoặc tăng hạng gồm: tỷ lệ chi phí ĐTLĐ trong tổng chi phí kinh doanh (giữ nguyên thứ hạng 3/63 tỉnh, thành); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo (giữ nguyên thứ hạng 50/63); lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (tăng 33 bậc, xếp hạng 25/63); điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT (tăng 4 bậc, xếp hạng 43/63).

Ở 7 tiêu chí còn lại, Gia Lai đều bị tụt hạng như: tỷ lệ chi phí tuyển dụng lao động trong tổng chi phí kinh doanh (giảm 32 bậc, xếp hạng 42/63); giáo dục dạy nghề có chất lượng tốt (giảm 11 bậc, xếp hạng 60/63); tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (giảm 37 bậc, xếp hạng 58/63); giáo dục phổ thông có chất lượng tốt (giảm 5 bậc, xếp hạng 56/63)...

Nhiều lao động được doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng trực tiếp tại Hội chợ Việc làm tỉnh năm 2023. Ảnh: Đinh Yến

Nhiều lao động được doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng trực tiếp tại Hội chợ Việc làm tỉnh năm 2023. Ảnh: Đinh Yến

Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Việc giảm điểm các chỉ số nêu trên là do dịch bệnh Covid-19 khiến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Mức lương thấp, công việc không ổn định, chế độ đãi ngộ thấp nên các doanh nghiệp không thu hút được lao động vào làm việc. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm trên 80%. Các ngành nghề tuyển dụng lao động qua đào tạo từ cao đẳng trở lên còn ít dẫn đến người lao động sau khi học xong không muốn trở về tỉnh để làm việc.

Một số ngành nghề ĐTLĐ hiện nay trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp, chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, người lao động trên địa bàn tỉnh còn yếu về tay nghề và kỹ năng mềm, ý thức chấp hành nội quy, quy chế làm việc chưa cao. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ ĐTLĐ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mặc dù đã được ban hành nhưng chưa thu hút được doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia”.

Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 23.000 người bước vào tuổi lao động. Song số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị; số lao động đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm còn thấp. Toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động theo nhu cầu.

Tuy nhiên, lực lượng lao động qua giới thiệu, kết nối vẫn chưa được nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ qua một kết quả khảo sát như: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng (xếp hạng 37/63); giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt (xếp hạng 60/63); tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (xếp hạng 58/63); tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo (xếp hạng 50/63)...

Cần giải pháp mạnh

Thời gian qua, Gia Lai đã có nhiều nỗ lực trong việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp thông qua các phiên giao dịch việc làm. Ngày 22-6, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND huyện Kông Chro tổ chức sàn giao dịch việc làm. Kết quả có 30 lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, 93 lao động viết phiếu thông tin gửi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hẹn phỏng vấn. Trước đó, ngày 4-3, Hội chợ việc làm năm 2023 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại TP. Pleiku đã kết nối hơn 60 doanh nghiệp với hàng trăm người lao động có nhu cầu việc làm. Kết quả, 251 lao động đã được tuyển dụng trực tiếp vào làm việc tại 29 doanh nghiệp và xuất khẩu lao động, du học tại một số nước.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm tại xã Ia Dơk, xã Ia Nan và thị trấn Chư Ty. Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: “Các phiên giao dịch việc làm đã thu hút hơn 400 lao động tham gia, có 96 người tìm được việc làm và học nghề phù hợp. Trong đó, 60 lao động đăng ký làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, 27 lao động đăng ký đi làm việc ngoài tỉnh”.

Các doanh nghiệp tại Gia Lai rất cần lao động có trình độ, được đào tạo bài bản. Ảnh: Đ.T

Các doanh nghiệp tại Gia Lai rất cần lao động có trình độ, được đào tạo bài bản. Ảnh: Đ.T

Để nâng cao chỉ số ĐTLĐ năm 2023 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư, nâng cao năng lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; đồng thời, phân tích, thu thập, dự báo thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động cũng như người sử dụng lao động dễ tiếp cận nguồn cung lao động. Cùng với đó, dự báo nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương để khẩn trương tổ chức đào tạo bổ sung, nâng cao chất lượng tay nghề, số lượng người lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Sở cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm tại địa bàn có đông người lao động, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số”.

Để cải thiện chỉ số giáo dục dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm theo địa chỉ; thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo đối với các ngành công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Theo thông báo chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy, ngày 25/01/2025 dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).