Gia Lai-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Hợp tác phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dựa vào tiềm năng, thế mạnh về đất đai và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCSVN) sẽ dùng tiềm lực kinh tế, chiến lược phát triển để cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, một số thỏa thuận trong việc thực hiện dự án phát triển Khu Công nghiệp Nam Pleiku, đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao; trồng rừng nguyên liệu, thu hút nguồn lực đầu tư, lao động xây dựng các khu thị tứ, khu dân cư… hứa hẹn mở ra giai đoạn hợp tác chiều sâu và hiệu quả hơn trong tương lai.

Những đóng góp thiết thực

 
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai tích cực kêu gọi đầu tư. Ảnh: M.N
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai tích cực kêu gọi đầu tư. Ảnh: M.N

Qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2016 với Tỉnh ủy Gia Lai, Đảng ủy Tập đoàn CNCSVN đã triển khai thực hiện cơ bản các nội dung đã cam kết, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ông Võ Sỹ Lực-Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Tập đoàn hiện có 5 công ty thành viên. Các đơn vị này đã đầu tư trồng 34.707 ha cao su; xây dựng 3 nhà máy chế biến gỗ tại các huyện Chư Pah, Đak Đoa, Chư Prông, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động với thu nhập bình quân 4,4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các đơn vị thành viên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng. Tại huyện Đak Đoa, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã bàn giao 9,7 ha đất cho huyện xây dựng trường học, hành lang lưới điện 110KV; xây dựng trụ sở UBND, trạm y tế, trường mầm non của xã. Đầu tư sửa chữa 11 km đường giao thông liên huyện, liên xã với tổng kinh phí hơn 21,2 tỷ đồng. Tương tự, trên địa bàn Chư Pah và Ia Grai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đã bàn giao 965 ha để xây dựng nhà máy thủy điện tại xã Hà Tây; mở rộng khu dân cư thị trấn Ia Kha, xây dựng nhiều công trình công cộng và khu dân cư; đầu tư trên 21 tỷ đồng xây dựng cầu Đak Pơ Tông tại xã Hà Tây. Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông bàn giao 315 ha xây dựng kênh mương thủy lợi; Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê bàn giao 27,9 ha để xây dựng doanh trại phòng cháy chữa cháy; tham gia xây dựng nông thôn mới, nhà máy nước sạch…

Ngoài ra, các công ty thành viên còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với số tiền ủng hộ gần 62 tỷ đồng. Tích cực phối hợp thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương thông qua các Chương trình 132, 134 của Chính phủ, giải quyết việc làm cho người thiếu đất sản xuất.

“Những kết quả nêu trên cho thấy công tác phối hợp từng bước đi vào nền nếp, tạo nhiều chuyển biến tích cực và có tinh thần trách nhiệm cao trong mối quan hệ phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Đảng ủy Tập đoàn và các Đảng ủy đơn vị thành viên. Điều này đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh, quốc phòng và ổn định đời sống việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số”-ông Võ Sỹ Lực khẳng định.

Cùng địa phương phát triển

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: M.N
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: M.N

Theo đánh giá của Tập đoàn CNCSVN, Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp, có thể bố trí một tập đoàn cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có quy mô lớn với những sản phẩm hàng hóa cạnh tranh. Gia Lai hiện còn quỹ đất lớn để phát triển rừng trồng, rừng nguyên liệu giấy.

Theo ông Trần Ngọc Thuận-Tổng Giám đốc Tập đoàn CNCSVN, trước mắt, Tập đoàn sẽ triển khai các dự án hiện hữu đạt hiệu quả; tổ chức quản lý, sử dụng đất đúng quy hoạch; hỗ trợ tỉnh chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ về giống cây trồng, chế biến và tiêu thụ cao su; thu hút đầu tư, xây dựng các khu thị tứ, khu dân cư nông thôn, làng công nhân cho người lao động là dân tộc thiểu số trên địa bàn; hoàn tất thủ tục phát triển dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku… “Ngoài việc phát triển kinh tế, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo, thu hút lao động, tạo thu nhập ổn định với mục tiêu thấp nhất là phải giải quyết vấn đề thoát nghèo cho lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số”-ông Thuận khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu quan điểm ủng hộ Tập đoàn này phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trồng rừng sản xuất. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai và có chính sách phù hợp cho các dự án làng công nhân cao su. Trong từng giai đoạn sẽ xây dựng phương án, kế hoạch và tiến độ cụ thể để đảm bảo việc triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai mong muốn mối quan hệ hợp tác này sẽ ngày càng được nâng lên tầm cao mới, hợp tác sâu hơn, hiệu quả hơn. “Doanh nghiệp đến đâu, người dân được hưởng lợi đến đó, giúp họ cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo; tham gia cùng địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới; đảm bảo công tác an ninh khu vực nông thôn, biên giới”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị.

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa tỉnh Gia Lai và Tập đoàn CNCSVN mới đây, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực hợp tác giữa 2 đơn vị trong thời gian qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi giá mủ cao su xuống thấp, nhưng Tập đoàn đã có nhiều nỗ lực khai thác tiềm năng về đất đai, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thu hút nguồn nhân lực ở các khu vực vùng sâu, vùng biên giới. “Phải có giải pháp cụ thể để hỗ trợ những công nhân cao su là người dân tộc thiểu số, người dân sống ở các vùng cao su thoát nghèo. Đây là vấn đề mà tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm, bởi diện tích cao su hiện nay trên địa bàn trên 100.000 ha, trong đó diện tích của các công ty thuộc Tập đoàn tại Gia Lai xấp xỉ 35.000 ha”-Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.

 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.