(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 19-5-2018, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Liên quan đến công tác cán bộ tại tỉnh ta, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Quân. Ảnh: T.N |
- P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong công tác cán bộ của tỉnh ta thời gian qua?
Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tỉnh đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản nhằm lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập.
Đội ngũ cán bộ của tỉnh luôn có tính kế thừa, đổi mới và phát triển về nhiều mặt; chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân bằng, hợp lý. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và người đứng đầu các cấp được đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và nghiệp vụ theo lĩnh vực công tác. Tỉnh cũng quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ các cấp, các ngành bảo đảm đúng quy trình, chất lượng, số lượng, cơ cấu theo quy định. Riêng nhiệm kỳ 2015-2020, trong tổng số 55 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6 cán bộ là người dân tộc thiểu số (chiếm 10,9%), 8 cán bộ nữ (chiếm 14,55%); trong số 732 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện có 165 cán bộ người dân tộc thiểu số (chiếm 22,54%), 112 cán bộ nữ (chiếm 15,3%); trong số 2.727 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã có 1.036 cán bộ người dân tộc thiểu số (chiếm 37,99%), 620 cán bộ nữ (chiếm 22,74%).
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 3 tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.N |
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã điều chỉnh, sửa đổi một số quy định về công tác tổ chức cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kiên quyết không quy hoạch, xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý không đủ điều kiện về trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và uy tín thấp. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giáo dục, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự chuyển biến tích cực về nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức tu dưỡng rèn luyện và trách nhiệm phục vụ nhân dân...
- P.V: Đồng chí có thể chỉ ra một số hạn chế trong công tác cán bộ tại địa phương?
Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Công tác quy hoạch cán bộ có lúc, có nơi chưa thực hiện đúng hoặc thiếu quy hoạch, quy hoạch không đồng bộ; việc đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử còn chưa chặt chẽ, không đảm bảo tiêu chí; việc bố trí, sử dụng cán bộ có lúc, có nơi chưa phù hợp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận có nơi còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đảm bảo yêu cầu, chưa toàn diện trên các lĩnh vực. Trên thực tế vẫn còn tình trạng thiếu cán bộ có năng lực chuyên môn cao.
Công tác luân chuyển chủ yếu từ trên xuống dưới và ngược lại. Việc luân chuyển ngang giữa các ngành, giữa khối Đảng và khối chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, từ khối Đảng và đoàn thể sang khối chính quyền, từ huyện này sang huyện khác còn ít. Công tác quản lý cán bộ và hồ sơ cán bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo kê khai tài sản chưa chặt chẽ, còn bộc lộ nhiều sơ hở. Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi vẫn chưa đạt chuẩn về trình độ theo quy định, năng lực còn hạn chế, nhất là cán bộ ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa.
Việc triển khai các khâu trong công tác cán bộ vẫn chưa ngang tầm nhiệm vụ, có lúc, có nơi, có nội dung vẫn còn hình thức. Sự thiếu đồng bộ, chưa thống nhất trong một số nội dung về công tác cán bộ giữa các cấp, các ngành, giữa quy định của Đảng và Nhà nước khiến cho việc thực hiện khó khăn. Công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, còn tình trạng nhận xét cảm tính, nể nang, thiếu tính toàn diện, có lúc chưa phản ánh đúng thực chất. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn hạn chế trong việc xem xét các vấn đề chính trị hiện nay.
Ảnh: T.N |
- P.V: Thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tập trung những giải pháp gì để tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo công tác cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW?
Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) trong toàn Đảng bộ tỉnh, gắn với làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, vì đây là công việc có tính quy luật, hệ trọng. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế. Từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp.
Thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá toàn diện công tác cán bộ, coi trọng khâu tự đánh giá, nhận xét của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cơ quan, cấp ủy nơi cán bộ làm việc, của cơ quan quản lý cán bộ được phân cấp. Chú trọng công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền quyết định, đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong đánh giá cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ các cấp. Bên cạnh đó, quan tâm triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi “chạy chức, chạy quyền” gắn với kiểm soát quyền lực, từng bước đẩy lùi các tiêu cực, góp phần làm cho tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mặt khác, quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp, nhân sự của HĐND và UBND các cấp theo hướng nâng cao chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý và có tính đột phá về độ tuổi, nữ, dân tộc thiểu số, thu hút nhân tài, lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ, khách quan... Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Xây dựng tiêu chuẩn và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Rà soát, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện chính sách đối với cán bộ nghỉ công tác, về hưu trước tuổi để sắp xếp, bố trí cán bộ, chuẩn bị cho đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ tới. Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ có năng lực, thừa cán bộ yếu kém, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình phát triển và hội nhập.
- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Nhật (thực hiện)