(GLO)- Với nỗ lực phát triển văn hóa đọc ở cộng đồng, tìm lại chỗ đứng cho sách, Thư viện tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.
Tôn vinh bạn đọc xuất sắc
Mới đây, khi Thư viện tỉnh tổ chức tôn vinh 4 bạn đọc có đóng góp tích cực, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, người ta mới nhận thấy trong thời buổi bùng nổ thông tin giải trí như hiện nay, vẫn có những người yêu sách đến như vậy (người có lượt mượn sách nhiều nhất là 195 lượt/năm, thấp nhất là 99 lượt/năm). Nhưng hẳn nhiều người cũng nhận ra đó là những gương mặt “muôn năm cũ”, để rồi không tránh khỏi một chút chạnh lòng trước câu hỏi: Bạn đọc trẻ, các bạn ở đâu?
|
Khơi dậy văn hóa đọc trong thế hệ trẻ là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Ảnh: Đức Thụy |
Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động tôn vinh là một trong nhiều hoạt động thiết thực nhằm thu hút bạn đọc đến với Thư viện, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Bà Nguyễn Kim Yến (36 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku), một trong 4 bạn đọc xuất sắc được tôn vinh năm nay, chia sẻ: “Tôi cho đây là hoạt động ý nghĩa của Thư viện nhằm đưa sách đến gần hơn với người đọc. Thế hệ như chúng tôi thì không nói, bởi phần lớn đều có thú vui sách vở và nuôi dưỡng đam mê ấy từ hồi còn trẻ. Nhưng riêng với các em học sinh, sinh viên, các bạn trẻ, việc làm thế nào cho các em hứng thú với sách vở, tìm đến Thư viện như một nơi bổ sung kiến thức, thư giãn, giải trí lại đòi hỏi sự nỗ lực của những người làm công tác này”.
Năm nay đã gần 70 tuổi, bà Yến kể rằng, bà là bạn đọc của Thư viện tỉnh từ những ngày thành lập (năm 1976). “Trước đây, hầu như chỉ có Thư viện là địa chỉ duy nhất để chúng tôi tra cứu tài liệu và thỏa mãn niềm yêu thích với sách. Đến giờ, khi đã về hưu, tôi vẫn tới Thư viện, phần vì thói quen, phần vì bây giờ giá sách quá cao so với lương hưu. Chỉ những cuốn nào thật hay, có ý nghĩa với bản thân tôi mới mua, còn thường tìm đến Thư viện vì ở đây sách mới được bổ sung liên tục nên khá đa dạng, phong phú, đáp ứng bạn đọc mọi lứa tuổi”-bà Yến kể. Nếu nói đọc sách như chơi với một người bạn, chơi càng lâu, hiểu bạn càng nhiều thì với những bạn đọc lâu năm như bà Yến, thú vui sách vở mang đến những giây phút hạnh phúc mà nếu chọn phương tiện đọc khác, người đọc sẽ khó để cảm nhận: “Sách mới có mùi giấy mới, mùi mực in đánh thức những tình cảm rất khó tả. Đặc biệt hơn nữa khi đọc những trang sách hay, gấp lại suy ngẫm như nhìn thấu lòng mình”-bà Yến chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết, những bạn đọc xuất sắc được Thư viện tôn vinh không chỉ là những người tích cực đến Thư viện, mà chính bản thân họ đã truyền cảm hứng cho văn hóa đọc ở địa phương, cộng đồng. Đọc vốn là sở thích cá nhân nhưng để lan tỏa một thói quen văn hóa thì cần có những cá nhân truyền cảm hứng như vậy. Ngoài hoạt động tôn vinh cá nhân xuất sắc, ngày càng có nhiều hoạt động của Thư viện nhằm kích thích văn hóa đọc như tổ chức sự kiện “Kết nối bạn đọc yêu sách”, thi viết cảm nhận và trao giải cho những bài bình sách hay, tổ chức chương trình trang sách mùa hè, tạo không gian mở cho bạn đọc thiếu nhi ngay tại khuôn viên Thư viện. Đặc biệt, việc tổ chức cấp thẻ bạn đọc ngày càng đơn giản với thủ tục nhanh gọn cũng là điểm cộng đối với người yêu sách.
Khá bất ngờ khi nhanh chóng được cấp thẻ bạn đọc tại một sự kiện về sách của Thư viện tỉnh, em Phạm Thị Như Hoài-học sinh lớp 10C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương-chia sẻ: “Em không nghĩ thủ tục để làm thẻ bạn đọc, thẻ mượn sách lại dễ dàng, thuận tiện như vậy. Nhân viên thư viện rất nhiệt tình tư vấn, thái độ cởi mở, thân thiện”. Hoài cho biết thêm, trước đây, em thường tự mua sách về đọc hoặc mượn của bạn bè, còn đây là lần đầu tiên làm thẻ để đến Thư viện đọc sách. “Sách ở đây được trưng bày rất ấn tượng, bắt mắt, giúp em dễ dàng tìm được các loại sách yêu thích theo từng mảng chủ đề khác nhau”-Hoài nhận xét.
Nỗ lực phát triển văn hóa đọc
|
Thư viện tỉnh tổ chức cấp thẻ bạn đọc tại một sự kiện về sách. Ảnh: H.N |
Trong 9 tháng năm 2018, Thư viện tỉnh Gia Lai đã cấp mới 995 thẻ bạn đọc, có trên 6.600 lượt người đọc đến mượn sách; luân chuyển trên 17.600 lượt sách đến tay bạn đọc. Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử thuvientinhgialai.vn có 52.200 lượt bạn đọc truy cập tra tìm và đọc tài liệu số của Thư viện. |
Với phương châm “Sách tìm bạn đọc”, từ đầu năm đến nay, xe lưu động Thư viện đã phục vụ tại 104 điểm của 16 huyện, thị xã với tổng số sách luân chuyển trên 353.600 bản, thu hút trên 70 ngàn lượt người tham gia đọc sách và sử dụng các thiết bị tra cứu. Sách về đến trường học, đến tận các buôn làng vùng xa thông qua các xe lưu động và dịch vụ chiếu phim, tra cứu internet miễn phí đã trở thành “món quà” đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa. Nếu ở thành phố, học sinh dễ dàng được cha mẹ mua cho một bộ truyện tranh thì ở vùng nông thôn, các em phải chờ đón những chuyến xe lưu động mới thỏa mãn được niềm đam mê. Các em hứng thú với từng hình ảnh trong sách, những bài toán đố vui, những câu chuyện cổ tích, những trang văn miêu tả phong cảnh rất gần gũi với đời sống… Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa phát triển văn hóa đọc vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần xây dựng cho độc giả nhỏ tuổi ở nông thôn niềm yêu thích để dần hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ.
Thư viện tỉnh cũng chủ động thay đổi cách thức phục vụ sao cho bạn đọc cảm nhận được sự thân thiện, thuận tiện nhất có thể trong việc mượn sách và tra cứu tài liệu. Trước đây, bạn đọc muốn mượn tài liệu phải tra tìm qua hệ thống tủ mục lục thì nay có thể mượn sách “liên thư viện” thông qua trang tra cứu OPAC, rút ngắn được khoảng cách giữa kho sách với người đọc.
Mong muốn nhân rộng phong trào đọc sách, lan tỏa thói quen văn hóa sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là ở các bạn đọc trẻ tuổi, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Chúng tôi vừa đề xuất với Thành Đoàn Pleiku phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường học trên địa bàn thí điểm giới thiệu học sinh về sinh hoạt hè tại Thư viện tỉnh thay vì tại xã, phường như trước đây. Chúng tôi hy vọng, Thư viện tỉnh sẽ là nơi giải trí mang tính văn hóa, văn minh, lành mạnh cho các em học sinh. Nếu thành công và nhận được phản hồi tích cực, chúng tôi sẽ mở rộng ra các huyện, thị xã vì hiện nay, ngoài Thư viện tỉnh còn có 15 thư viện ở các huyện, thị xã và 42 tủ sách xã mà Thư viện đang duy trì luân chuyển sách định kỳ”.
Hoàng Ngọc