Gia Lai: Đầu tư hạ tầng khu di tích khảo cổ Rộc Tưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại di tích khảo cổ Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê, Gia Lai), các nhà khoa học đã phát hiện hàng ngàn hiện vật đá có niên đại 80 vạn năm. Nhằm gìn giữ, bảo quản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tham quan, thị xã An Khê đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực này. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê-cho rằng: Những phát hiện về di tích sơ kỳ Đá cũ tại An Khê có giá trị tầm quốc gia, quốc tế, là cơ sở để chúng ta kéo dài lịch sử Việt Nam về phía trước 80 vạn năm. Đây là niềm vinh dự, cũng là cơ hội phát triển du lịch văn hóa, nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, vấn đề đặt ra cho An Khê là phải làm sao gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này.
 Khu vực Rộc Tưng 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê) được các nhà khoa học khai quật phát lộ hàng trăm di vật. Ảnh: N.M
Khu vực Rộc Tưng 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê) được các nhà khoa học khai quật phát lộ hàng trăm di vật. Ảnh: N.M
Nhằm đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực khảo cổ để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử-văn hóa kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương, tháng 5-2018, UBND thị xã An Khê đã phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình đường vào di tích khảo cổ Rộc Tưng với tổng mức đầu tư hơn 8,9 tỷ đồng. Theo đó, đoạn đường có chiều dài khoảng 2 km (từ tỉnh lộ 669 vào di tích), mặt đường 5,5 m được đổ bê tông xi măng, dọc 2 bên đường có rãnh thoát nước… Công trình đang được gấp rút thi công để đưa vào sử dụng trong năm 2018. Bên cạnh đó, thị xã đã xuất trên 800 triệu đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà bảo vệ khu khai quật Rộc Tưng 4 với tổng diện tích hơn 320 m2.  
Cụm di tích Rộc Tưng phân bố trên các đồi gò lượn sóng, xung quanh là các bồn địa khe suối ven sông. Trong khu vực này đã phát hiện hơn 12 địa điểm có di tồn văn hóa của người nguyên thủy, được đặt tên theo trật tự phát hiện từ Rộc Tưng 1 đến Rộc Tưng 12. Đến thời điểm này, các nhà khoa học mới khai quật được Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Các cuộc khai quật này do cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) phối hợp thực hiện từ năm 2015.

Năm 2017, thị xã An Khê cũng đã đầu tư xây dựng nhà bảo vệ khu khai quật Rộc Tưng 1 với diện tích 80 m2; kết cấu tường cao 1,5 m, trên được che bằng khung sắt có lợp mái tôn, lối đi được đổ bê tông xi măng. Xung quanh khu khai quật được bảo vệ bằng hàng rào kẽm, cổng khóa.
“Được sự quan tâm của UBND tỉnh, thị xã đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng với mong muốn có một công viên ngoài trời để các nhà nghiên cứu cũng như khách tham quan đến thực địa tại hiện trường, tận mắt nhìn thấy những di chỉ khảo cổ nằm trong tầng văn hóa nguyên vẹn tại địa điểm khai quật, chứ không phải trong bảo tàng. Đặc biệt, mục tiêu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng là hướng đến phục vụ cho hội thảo quốc tế tổ chức tại đây vào đầu năm 2019 và tiến đến hình thành khu nghiên cứu về đồ Đá cũ của An Khê”-Bí thư Thị ủy An Khê nhấn mạnh.
 Trao đổi với P.V về công tác bảo tồn di tích khảo cổ Rộc Tưng, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử nhận định: Những năm gần đây, UBND thị xã An Khê đã quan tâm đầu tư xây dựng một số nhà bảo vệ các di sản khảo cổ sau khai quật tại hiện trường, làm điểm tham quan, học tập, nghiên cứu lâu dài cho du khách trong và ngoài nước. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản khảo cổ; là cơ sở cho việc xây dựng nơi đây thành trung tâm để vừa nghiên cứu, vừa đào tạo chuyên gia cho địa phương. Đồng thời gắn di sản khảo cổ với Công viên Địa chất toàn cầu Kbang-An Khê và chương trình phát triển du lịch bền vững của An Khê, cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. 
Trong một số đợt khai quật, các chuyên gia đã thu được hàng ngàn hiện vật đá, gồm các loại hình công cụ ghè 2 mặt, rìu tay, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện, công cụ ghè hết một mặt, chopper, chopping-tools, nạo, hòn ghè, chày, công cụ mảnh, mảnh tước và hạch thạch, cùng hàng trăm mảnh thiên thạch. Các di vật này nằm trong địa tầng nguyên vẹn, phản ánh tính chất, niên đại văn hóa sơ kỳ Đá cũ. “Đây là nguồn tư liệu chính để nhận diện kỹ nghệ Đá cũ An Khê, đặc trưng, tính chất, niên đại và giá trị sử liệu của chúng trong bối cảnh tiền sử nhân loại rộng hơn”-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử nhận định.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, công cuộc khai quật, nghiên cứu kỹ nghệ công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê chỉ mới bắt đầu và sẽ được tiếp tục trong nhiều năm nữa theo chương trình hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga. “Tháng 3-2019, hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 về kỹ nghệ An Khê sẽ thu hút nhiều nhà khoa học để cùng nhau tiếp tục thảo luận sâu các vấn đề đặc trưng, tính chất, niên đại, nguồn gốc và giá trị di sản khảo cổ An Khê trong bối cảnh lịch sử nhân loại”-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử cho biết thêm.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.