Ông Phạm Thế Dũng |
Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên, Chính phủ đã cụ thể hóa thành nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và có sự đầu tư rất lớn cho nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 năm qua, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng bình quân 8,56%/năm; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường; đã phát triển các vùng sản xuất tập trung cây lương thực, cây công nghiệp ngắn và dài ngày gắn với công nghiệp chế biến; chăn nuôi duy trì được tốc độ tăng trưởng; các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ... được chú trọng đầu tư và nâng cấp, đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng; tạo thêm được nhiều việc làm; bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sản xuất phát triển, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; tỷ lệ lao động ở nông thôn qua đào tạo còn thấp; kết cấu hạ tầng ở một số huyện, xã còn yếu kém; khả năng phòng-chống và giảm nhẹ thiên tai còn hạn chế; môi trường còn ô nhiễm; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư ở nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn; an ninh nông thôn còn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định
Chúng ta đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh và bền vững. Trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phấn đấu đến năm 2015 có 45 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 có 100 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững có sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực.
Nông thôn Gia Lai ngày càng khởi sắc nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước. Ảnh: Đức Thụy |
Một là, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Qua đó tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Trước hết, huy động sức mạnh nội lực của toàn dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; thực hiện trước những tiêu chí mà chưa cần đến sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước như chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát huy sự tương trợ của cộng đồng, họ hàng, dòng tộc...
Hai là, tập trung thực hiện tốt Quyết định số 116 của UBND tỉnh về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và Kế hoạch số 32 về các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2011. Các sở, ban ngành, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh bám sát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491 ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, các nội dung Quyết định số 800 ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 54 ngày 21-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thông tư liên tịch số 26 ngày 13-4-2011 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để tổ chức triển khai thực hiện.
19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới: Nguồn: Báo Nhân Dân |
Ba là, xây dựng chương trình phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát động, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, gắn phong trào thi đua với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các phong trào thi đua khác trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư là, đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo thực hiện tốt phong trào thi đua này; đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân các cấp chỉ đạo, giám sát để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia thực hiện chương trình bằng các phong trào thi đua thiết thực; đề nghị các cơ quan, đơn vị của Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng thực hiện tốt phong trào thi đua này ở từng cơ quan, đơn vị của mình.
Năm là, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương trên địa bàn tỉnh, các cơ quan tuyên truyền của tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kịp thời biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, phong trào thi đua “Gia Lai chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2011 đến năm 2015, giai đoạn II từ năm 2016 đến năm 2020. Trong từng giai đoạn cụ thể, sẽ có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cơ sở triển khai giai đoạn tiếp theo và tổng kết chương trình vào năm 2020.
Giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn cụ thể tiêu chí khen thưởng của mỗi giai đoạn; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện, giúp Ủy ban Nhân dân các cấp sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào thi đua và đề nghị cấp trên xét khen thưởng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh