(GLO)- Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, đem lại sự giàu có cho rất nhiều nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt không theo quy hoạch cây hồ tiêu cùng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng đẩy không ít hộ dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, phải bỏ xứ đi xa. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng và cả chính những người nông dân phải tìm ra giải pháp để phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững.
Được du nhập từ vùng Đông Nam bộ, hồ tiêu nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai và đem lại sự ấm no, giàu sang cho rất nhiều nông dân.
Một thời hoàng kim
Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống người dân Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung còn gặp nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo luôn thường trực. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông với các cây trồng ngắn ngày như: lúa rẫy, khoai lang, đậu, mì, bắp… nên hiệu quả kinh tế không cao.
Trước thực trạng ấy, năm 1987, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang đã vận động được 6 hộ dân gom góp tiền vào huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để học hỏi kinh nghiệm và mua giống hồ tiêu về trồng. Sau khi tìm hiểu, mỗi hộ mua từ vài chục đến vài trăm dây tiêu giống đem về trồng thử với hy vọng loại cây mới này sẽ giúp họ đổi đời. Ông Lê Phước Tuấn (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang) nhớ lại: “Khi ấy, gia đình tôi đã mạo hiểm bỏ ra 2 chỉ vàng để mua giống hồ tiêu về trồng thử. Sau khi trồng, cây hồ tiêu lớn nhanh như thổi, không bị bất cứ dịch bệnh nào nên tôi không phải dùng bất cứ loại phân hay thuốc gì. Cứ như thế, sau 3 mùa mưa thì hồ tiêu cho chi chít trái. Vụ đầu tiên, gia đình tôi rất phấn khởi vì thu được khoảng 3 tạ hồ tiêu khô. Một ký hồ tiêu lúc ấy có thể đổi được hơn 35 kg gạo”.
|
Thời hoàng kim, cây tiêu trồng dễ như trồng khoai lang. Ảnh: Q.T |
Nhận thấy cây hồ tiêu thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Gia Lai và có thể đem lại lợi nhuận “khủng”, nông dân trong tỉnh đã nhanh chóng đầu tư trồng loại cây này. Cây hồ tiêu dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và được mệnh danh là cây “vàng đen” mang lại sự giàu sang cho người dân. Đi kèm với việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, những ngôi nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại cũng nối nhau mọc lên ở vùng nông thôn; rồi ô tô xịn, những đồ dùng sinh hoạt gia đình đắt tiền khác cũng được người dân đua nhau sắm…
Từ 100 trụ hồ tiêu ban đầu, gia đình ông Lê Phước Tuấn đã không ngừng mở rộng lên hàng chục ngàn trụ. Thu nhập hàng năm mà cây hồ tiêu mang lại cho gia đình ông cũng không ngừng tăng theo cấp số nhân. Chỉ trong vòng mấy năm, gia đình ông đã có tiền xây nhà lầu, sắm xe hơi… “Cây hồ tiêu có giá trị kinh tế quá lớn, có thể nói là không có bất kỳ một cây trồng nào so sánh được về mặt lợi nhuận. Nhờ cây hồ tiêu mà cuộc sống gia đình tôi đã đổi thay nhanh chóng, không những có của ăn của để mà còn có tiền cho các con xây nhà, đầu tư làm ăn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2002-2010, mỗi năm gia đình tôi thu được từ 30 tấn đến 40 tấn hồ tiêu khô, bán được hàng tỷ đồng”-ông Tuấn nói.
Tương tự, cây hồ tiêu cũng đã đem lại sự giàu có cho gia đình bà Lê Thị Vui (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Thời kỳ hoàng kim, gia đình bà có hơn 20.000 trụ hồ tiêu, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. “Những năm trước, trồng hồ tiêu dễ như trồng khoai lang. Chỉ sau mấy năm chuyển sang trồng hồ tiêu, gia đình tôi đã có tiền mua đất, cất nhà, sắm ô tô…”-bà Vui nhớ lại.
Không riêng gia đình ông Tuấn, bà Vui mà nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng đổi đời nhờ cây hồ tiêu. Theo thống kê, giá hồ tiêu liên tục tăng trong thời gian dài, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011, khi giá tiêu tăng nhảy vọt lên 120 ngàn đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với năm trước đó), rồi tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh vào cuối năm 2015 với 220 ngàn đồng/kg.
Đổ nợ vì hồ tiêu
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-khẳng định: “Người nông dân giàu nhất trong những năm qua tại huyện Chư Sê, Chư Pưh chính là người trồng hồ tiêu bởi không có cây trồng nào có giá trị kinh tế cao hơn. Cũng chính vì giá trị cây hồ tiêu quá lớn nên việc ngăn chặn tình trạng phát triển nóng diện tích loại cây trồng này của chính quyền địa phương là nhiệm vụ bất khả thi”.
|
Một vườn hồ tiêu ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) bị chết rụi. Ảnh: Q.T |
Điều ông Bính nói hoàn toàn chính xác. Do lợi nhuận “khủng”, không chỉ người dân Chư Sê mà nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đổ xô trồng hồ tiêu bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Theo thống kê, diện tích cây hồ tiêu toàn tỉnh năm 2009 là hơn 5.200 ha nhưng đến cuối năm 2012, con số này đã tăng lên hơn 10.000 ha. Và từ cuối năm 2015 đến nay, diện tích hồ tiêu luôn ở trên 16.000 ha (vượt quy hoạch của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 đến hơn 10.000 ha). Việc ồ ạt trồng không theo quy hoạch, sản xuất chạy theo lợi nhuận không mang tính bền vững đã dẫn đến hậu quả là dịch bệnh xảy ra tràn lan, cộng với hạn hán khiến hàng ngàn hec ta hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị chết.
Tại huyện Chư Pưh, chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2017, diện tích hồ tiêu chết do bệnh, già cỗi và bị hạn không thể phục hồi lại được đã lên đến hơn 870 ha. Con số này ở huyện Chư Sê là hơn 300 ha. Sau mùa mưa năm 2018, người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục hứng chịu thiệt hại lớn khi hàng ngàn hec ta bị chết rụi do ngập úng, thối rễ.
Theo báo cáo của UBND huyện Chư Pưh, đến cuối tháng 5-2018, tổng dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn huyện là 1.521,5 tỷ đồng với 8.104 hộ vay, nợ xấu là hơn 78,5 tỷ đồng. Trong đó, số hộ bị thiệt hại hồ tiêu do hạn hán, dịch bệnh là 2.668 hộ; dư nợ của hộ bị thiệt hại là hơn 793,9 tỷ đồng. Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, tổng dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là 4.382 tỷ đồng. Ngoài ra cũng có không ít hộ dân vay theo hình thức “tín dụng đen” chưa được thống kê. |
Vườn hồ tiêu khoảng 1.000 trụ của ông Đoàn Quyết Thắng (thôn 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) năm nay mới bắt đầu cho thu bói. Nhưng sau đợt mưa kéo dài vừa qua, hơn 85% diện tích hồ tiêu đã chết rụi, số còn lại cũng ít hy vọng cứu vãn. “Để trồng và chăm sóc vườn hồ tiêu này, tôi đã bỏ ra hơn 700 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng phải vay ngân hàng. Cứ nghĩ trồng hồ tiêu sẽ có thu nhập cao, ai ngờ trắng tay, lại còn ôm đống nợ”-ông Thắng nói.
Cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc phát triển ồ ạt diện tích không theo quy hoạch là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu liên tiếp giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây khi nguồn cung vượt xa so với nhu cầu. Từ cuối năm 2016, giá hồ tiêu bắt đầu giảm và ngày càng giảm sâu, có thời điểm giá xuống mức dưới 50 ngàn đồng/kg. Giá tiêu giảm sâu, cộng với việc nhiều diện tích hồ tiêu bị chết do bị nhiễm bệnh, hạn hán hoặc già cỗi khiến không ít nông dân rơi xuống “hố sâu nợ nần”.
Đến “thủ phủ hồ tiêu” Chư Sê và Chư Pưh vào thời điểm này, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy vùng đất trù phú ngày nào giờ trở nên hoang tàn, ảm đạm. Hai bên đường vào xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), hàng loạt vườn hồ tiêu chết khô chỉ còn trơ trụ gỗ. Nhiều điểm hồ tiêu chết, người dân nhổ hết trụ chất đống để chào bán. Chúng tôi cũng bắt gặp nhiều ngôi nhà xây khang trang nằm bên cạnh các vườn hồ tiêu bị chết khô. Dọc hai bên đường là đầy rẫy các biển bán nhà, bán rẫy được dựng lên.
Gia đình ông Mai Liệu (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) được biết đến là một trong những hộ phất lên khá nhanh từ cây hồ tiêu những năm trước đây. Tuy nhiên, cũng vì cây hồ tiêu mà gia đình ông bây giờ đang trở thành con nợ của ngân hàng và cả những khoản vay khác từ bên ngoài. Khoản nợ gần 2 tỷ đồng mà gia đình ông vay ngân hàng để đầu tư trồng 13.000 trụ hồ tiêu trước đó giờ không có cách nào trả được khi vườn hồ tiêu gần như chết sạch do dịch bệnh. “Hầu hết người dân trồng hồ tiêu ở đây đều đang gặp khó khăn khi cây chết hàng loạt và giá cả xuống thấp trong những năm qua. Có hộ phải bán nhà và nhổ cả trụ tiêu lên bán rẻ để trả nợ ngân hàng. Ngay cả mấy đứa con tôi cũng phải bán nhà, bán đất để lấy tiền trả nợ ngân hàng, con cháu thì phải bỏ học đi làm xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống”-ông Liệu buồn rầu nói.
Không chỉ riêng xã Ia Blứ, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Chư Pưh, Chư Sê cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dù đã 61 tuổi nhưng bà Lê Thị Vui (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa) vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau tự trồng trong vườn để mưu sinh và nơm nớp nỗi lo nhà cửa sẽ bị ngân hàng kê biên. Bà Vui cho biết, những năm trước, thấy hồ tiêu tăng giá liên tục nên gia đình bà cứ lấy tiền lợi nhuận thu được năm trước, rồi vay thêm ngân hàng để mở rộng diện tích. Cho đến khi trồng được 20.000 trụ vào năm 2015 thì cũng là lúc vườn tiêu của gia đình bà bắt đầu nhiễm bệnh và chết. Dù bà đã đổ vào đấy không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức nhưng vẫn không trị khỏi bệnh cho vườn hồ tiêu. Khi tiền mặt trong nhà không còn cũng là lúc từng chiếc bìa đỏ của gia đình bà phải lần lượt thế chấp ở ngân hàng để lấy tiền cứu lấy vườn hồ tiêu nhưng vẫn vô vọng. Đến khi nợ lên đến 4 tỷ đồng thì cũng là lúc 20.000 trụ hồ tiêu chết sạch. “Giờ đây, hàng tháng tôi phải gồng số lãi hơn 30 triệu đồng trong khi cả gia đình không có bất cứ nguồn thu nào khác. Để trả lãi đến hạn, gia đình tôi đã phải nhổ 12.000 trụ tiêu bằng gỗ lên bán. Gia đình cũng muốn bán nhà, đất để trả ngân hàng cho rảnh nợ nhưng khổ nỗi dù treo biển đã lâu nhưng chẳng có ai mua”-bà Vui trải lòng.
Quang Tấn - Ngọc Sang