Em ơi, Hà Nội hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nắng xuân lên, gió xuân về, những cánh đào bừng xòe khoe sắc. Hoa đào năm nay thắm hơn năm ngoái. Chợt giật mình. Hoa nở rồi lại tàn. Trăng tròn rồi lại khuyết. Đời mình đã đi qua bao nhiêu mùa hoa Hà Nội.
Ảnh: GIA TIẾN
Ảnh: GIA TIẾN
Hà Nội năm có đủ bốn mùa. Mỗi mùa có những loài hoa khác nhau rực rỡ trên đồng, kéo nhau rộn ràng tô điểm phố phường, theo vào từng căn nhà, đến với từng người. 
Hiếm có cô gái Hà Nội nào lại không háo hức đi mua hoa mỗi mùa, tỉ mỉ cắm một lọ hoa rồi ngồi hàng giờ để ngắm, để thưởng thức mùi hương. Từ ngày có thêm điện thoại thông minh, các cô lại càng có động lực cắm hoa để rồi chụp ảnh khoe với bạn.
Mỗi loài hoa đến với người, đến với đời bằng hương sắc riêng. Người đời chơi hoa, thưởng ngoạn hoa theo sở thích, nhu cầu riêng mình. 
Thế nên hoa lại mang cả nét tâm tư, điều kiện sống của con người. Từng đóa hoa vẫn màu tươi thắm ấy qua mùa, qua năm, nhưng nhìn sâu vào mỗi cành hoa, mỗi chậu hoa đã rất nhiều thay đổi.
Tết xưa Hà Nội có những cành đào cắm bình, có mai trắng trong chậu thế, có chậu quất vàng trĩu. Màu sắc nữa là bình lay ơn thanh tao, bình thược dược, violet tím, trắng cắm xen cúc bướm như mang cả đồng nội vào nhà. 
Nhiều người muốn cầu kỳ, sang trọng hơn thì tỉ mỉ cả tháng gọt củ thủy tiên, canh nở hoa mùng một. Tết đến, nhà nào cũng có một vài bình hoa rực rỡ, ít phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp như bây giờ.
Bây giờ không chỉ Hà Nội mà khắp các tỉnh thành, làng quê đều có hoa đào, lại thêm rực rỡ hoa mai. Cũng là đào là mai ngày Tết nhưng có đào bó toàn cành nhỏ, có cây đào được uốn theo thế lượn như rồng. 
Có chậu mai cầm được trên bàn tay, lại có chậu phải chở bằng xe bán tải, tán xòe rộng một góc phố. Có chậu quất đặt lên giá sách rủ xuống vài quả duyên dáng, lại có chậu hàng ngàn quả lóng lánh vàng rực. 
Lan cũng không còn là những nhánh dài vút thanh tao ngày xưa, những chậu lan bây giờ rập rờn như hàng ngàn cánh bướm quây tròn mùa sinh sản. Tùy nhà nhỏ sảnh lớn, tùy thu nhập nhiều ít mà chọn, hoa vẫn vô tư mang sắc đến mỗi nhà. Thi thoảng lại thấy giữa chợ hoa xuân những người ngơ ngác ngắm mà không dám hỏi mua, nấn ná chờ đến giờ dẹp chợ.
Anh quên một mùa xuân hoa Hàng Lược
người đàn bà bán cành đào góc phố
em tìm cành đào phai dáng
tình yêu năm cũ
chỗ cũ
cô gái bán chậu lan sắc tím
bên cô
chàng trai trau chuốt vẻ xuân tươi
em mua về sắc xuân khi năm mới đến rồi
Nhìn mấy người ấy, vừa có gì xa xót, vừa có gì an ủi, vui vui. Tết, còn biết bao thứ phải mua, phải sắm nhưng nhà nghèo vẫn không quên hoa, ấy là điều vui. 
Chậu hoa cúc có thể hiện diện trong cả căn nhà nghèo nhất. Cúc nay không còn riêng thu nữa, cúc đã là của bốn mùa, cũng là hoa mùa Tết. Cúc vạn thọ, cúc vàng, cúc chi… đủ loại hoa cúc mới được nhà nhà mua về chưng trước bàn thờ ngày Tết, đưa lên xe đi viếng mộ, tảo mộ.
Giao thông thuận tiện, người đi nườm nượp khắp đất nước cũng mang hoa đi khắp. Ấy thế nhưng Hà Nội vẫn có riêng cho mình những mùa hoa.
Đầu đông là cúc họa mi. Cành yểu điệu, cánh trắng mỏng manh, lòa xòa hoang dại. Hoa đồng nội thôi mà nom khuê các, đáng yêu, chẳng có ai đi qua xe cúc họa mi trắng bông lại không dừng ngó. Chỉ một bó nằm gọn nắm tay đã cắm được một bình hoa bừng sáng góc phòng.
Không kén mùa thì có những bó hồng thơm cánh mỏng, mùi hương vừa ngát vừa mát luôn gặp nơi góc phố đông người qua. Không tươi lâu được như cúc họa mi, nhưng hồng thơm mang nét thanh lịch rất đặc trưng của người Hà Nội. 
Bình hồng thơm, dù được đặt trang trọng trên bàn khách hay khiêm tốn một góc phòng cũng vẫn lặng lẽ tỏa hương, tỏa sắc cho đến khi những cánh hoa bạc màu buông mình xuống đất. 
Không cạnh tranh được với hồng Đà Lạt, hồng ngoại nhập, những bông hồng quế lại được ngắt bông, đặt vào gói lá sen, lá chuối cùng hoàng lan, ngọc lan, chùm hoa sói để các bà mua về bày đĩa hoa lên bàn thờ cúng rằm, mùng một.
Tháng tư có loa kèn. Kèn đơn chính gốc Hà Nội cánh nõn, hương nhè nhẹ, là bình hoa trong bức Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân. 
Mấy năm sau này có thêm loại kèn một cành có tới ba hoa, năm hoa, cành to hơn, cánh hoa cũng dày hơn nhưng vẫn thiếu vẻ duyên dáng của những bông kèn đơn xòe tròn trên bình cổ. 
Chỉ một tháng thôi, có khi chỉ kịp cắm một lần hoa đã vội hết mùa. Một tháng thôi nên các con gái tôi đi đâu cũng cuống quýt quay về Hà Nội cho kịp ngắm loa kèn, cuống quýt tìm cách gửi cho bạn yêu hoa ở TP.HCM cho được một bó loa kèn.
Người đàn bà giữ mùa hoa tháng tư
đường Phan Đình Phùng lá bay cùng gió nhẹ và em đến
em trẻ trung như sớm đầu hè nắng mới là tôi
mơ ước thủa xa xôi
Người đàn bà giữ loa kèn trong bức ảnh tháng tư
em đã tặng khoảnh khắc yêu Hà Nội rồi em đi
những bức ảnh tháng tư có nhớ
e ấp xưa Hà Nội mỗi mùa hoa Hoa
Hà Nội mùa hạ còn sen hồ Tây mà mấy năm nay rộ lên phong trào các cô các chị đua nhau làm dáng với áo yếm khăn the, mớ ba mớ bảy trên cầu tre, bên cành sen. Bụi và hơi xăng, hơi người có phần bạt đi hương hoa cây cỏ. 
Dù con người có nhiều thay đổi nhưng những bông sen vẫn từ ái mơn mởn nở rộ, đến ngự trên bàn hay góc tủ đẹp nhất trong nhà, cần mẫn ủ hương cho những cánh trà. Thiên nhiên lúc nào cũng bao dung và yêu thương như vậy.
Ai ươm sen xuống hồ Tây
thả hương cho gió để ngây ngất tình
Ai xui ta lại nhớ mình
gỡ ra một nắm rối tinh tơ lòng
Lên hồ Tây ngắm sen hồng
biết không thể hẹn còn mong nỗi gì
Làm duyên làm dáng làm chi
mớ ba mớ bảy xuân thì còn đâu
Có đôi có lứa rủ nhau
ta không mình nhỡ vịn cầu mà qua
Xuống thuyền mua một bó hoa
mang sen về cắm rằng ta nhớ mình.
Theo Bùi Kim Anh (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.