Đường về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Khi tiếng gà vừa rộ lên từ cánh rừng già là lúc H’Linh thức dậy nhóm lửa, chuẩn bị công việc cho ngày mới.

H’Linh ngồi dậy, quấn tóc, sửa lại váy. Cô tròn mắt ngạc nhiên vì lửa đã nhóm ở góc nhà. Ngọn lửa chập chờn, soi sáng một vùng nhỏ nhưng đủ làm ấm gian nhà. H’Linh đi nhanh ra cửa, cơn gió lạnh len qua khe vách luồn vào nhà, mơn man trên mặt. Không thấy amí đâu cả. H’Linh đứng đầu cầu thang nhìn quanh. Trên tảng đá cao, nơi thường phơi váy áo, bóng amí in một khối đen mờ dưới ánh trăng cuối tháng. H’Linh bước nhẹ xuống rồi dừng lại ở chân cầu thang. Cô không muốn đánh động amí lúc này, bởi cô biết amí đang nhớ buôn làng, nhớ ama. Nhắc đến ama, H’Linh ngậm ngùi. Không biết giờ này ama đang ở đâu?

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Trong lúc H’Linh dọn dẹp, lấy thêm củi đun nước thì amí vẫn ngồi đấy. Cho đến khi phía chân trời đằng Đông, những đám mây màu xám rời rạc bị đẩy lên theo từng tia sáng màu hồng hình cánh quạt, amí mới vén váy đứng dậy. Mái tóc đã ngả màu, xổ tung lơ thơ theo làn gió sớm.

2. Đặt chiếc gùi đã đầy xuống vệ đường, H’Linh quệt mồ hôi đang rịn ra trên trán và hai bên thái dương. Đã cuối mùa đông, những cánh hoa ven đường bắt đầu khoe sắc. H’Linh ngắm nhìn, lòng bất chợt rộn lên nhiều cảm xúc. Cô lấy tấm vải màu chàm điểm hoa văn sặc sỡ ướm thử. Cô sẽ may chiếc váy mới đi chơi Tết. Năm nay cô đã mười tám. H’Linh không có nhiều bạn nhưng bạn cô đều chân thành, yêu quý cô. H’Linh yêu quý mọi người, muốn tham gia nhiều phong trào của đồn biên phòng nhưng amí không muốn, nếu đi phải có amí theo cùng. H’Linh hiểu amí nên không bao giờ phàn nàn, khó chịu.

Chỉ một đoạn nữa là đến ngã rẽ về nhà nhưng H’Linh thấy mệt, lòng bồn chồn, khó hiểu. Cô nghĩ đến ami, không hiểu sao mấy hôm nay amí hay dậy sớm, ngồi thừ ngoài tảng đá, nhìn về buôn làng cũ. Hỏi thì amí lắc đầu, lảng tránh. Đem chuyện này nói lại với anh Minh, anh bảo ami muốn trở về, không muốn sống ở đây nữa.

Về làng cũ ư? H’Linh rụt vai, lo lắng. Cô không dám về đâu. Những câu chuyện cũ còn hằn sâu trong ký ức. Bây giờ về lại buôn làng, liệu già làng và những kẻ hận thù với gia đình cô có tin và bỏ qua hay không? Nhiều lúc chuyện trở về cũng thoáng qua trong đầu nhưng  sắc màu đỏ bầm của những cánh hoa pơ lang rụng đầy gốc, ánh sáng đầy ma mị của đống lửa trước nhà rông, tiếng hò hét của dân làng, sự hằn học từ cặp mắt của ông Y Ksô và cả tia sét lóe sáng, rồi cơn mưa núi ầm ầm kéo tới…, tất cả đã ám ảnh, theo vào giấc ngủ của H’Linh khiến cô bao lần thổn thức, sợ hãi.

Cô rất muốn gặp Minh. Anh sẽ an ủi, động viên. Anh là người dưới xuôi, mới chuyển lên đồn chừng hai năm. Tính anh hiền lành, chân thành. Anh hay cùng đồng đội đi tuần tra và giúp bà con dân làng. Những đêm giao lưu văn nghệ, anh là hoạt náo viên bày nhiều trò chơi. H’Linh cũng muốn hòa vào tiếng nhạc để được vui chơi, nhảy múa nhưng bao giờ amí cũng giữ tay cô lại. Amí sợ con gái bị ánh mắt của gã trai nào đó để ý rồi tìm cách chiếm đoạt tình cảm thì lại khổ.

Một lần amí mệt, không thể leo qua con dốc cao để đến đồn biên phòng. Amí cũng không cho H’Linh đi tập văn nghệ nhưng cô đã trốn đi từ rất sớm, nói dối là ra chợ mua chỉ thêu. Gặp Minh đứng trên đỉnh dốc, H’Linh vui lắm. Dọc đường đi, anh kể nhiều chuyện, cả chuyện ma lai, một hủ tục cần loại bỏ ở các buôn làng. H’Linh giật nảy người như có luồng điện chạy qua, chân như muốn quỵ xuống, giọng nói lắp bắp. Thấy vậy, Minh lo sợ, hỏi dồn:

-H’Linh sao vậy? H’Linh bị bệnh rồi, tôi đưa về nhé?

H’Linh lắc đầu khi đã bình tĩnh lại. Suốt đường về đồn, Minh hỏi rất nhiều nhưng H’Linh vẫn không biết bắt đầu trả lời từ đâu.

3. Ngày ấy, mùa rẫy vừa xong trong tiết trời đầu xuân, nắng ấm rải khắp nơi. Những cây pơ lang cũng bắt đầu xanh lá rồi kết nụ. Buôn làng rộn ràng tiếng trống tiếng chiêng trong mùa lễ hội. Amí cùng H’Linh đến nhà rông dự lễ. Tình cờ, họ gặp Y Ksô ngược chiều. Ông ta dừng lại, buông lời cợt nhả. Amí đáp trả một cách cương quyết, đẩy ông ta sang một bên rồi đi tiếp. Y Ksô tức tối nhặt hòn đá ném theo. Mọi chuyện tưởng chỉ có vậy, nhưng không ngờ tai họa ập xuống gia đình H’Linh khi bà H’Liêng ở cạnh nhà trượt chân ngã, bị chấn thương và mất sau đó mấy ngày. Dân làng bàn tán, mọi nghi ngờ dồn vào gia đình H’Linh. Y Ksô úp mở rằng ông ta nghe tiếng chim cú mèo kêu ai oán trên ngọn vông và nhìn thấy bóng ama H’Linh chạy nhanh như con hoẵng bị săn đuổi từ con suối tạt lên đồi tranh mãi tối mịt mới về. Thực ra hôm đó ama tìm trâu lạc. Dân làng cho rằng ama là ma lai, phải mang ra xét xử. Gia đình H’Linh sợ hãi, co rúm trong xó nhà. Phải trốn thôi, đó là con đường sống.

Tầm gà gáy, khi mặt trăng vừa lặn xuống đỉnh núi phía Tây, khi con heo dưới gầm sàn không còn ụt ịt húc mõm vào gốc cột, ama đi trước, amí dắt tay H’Linh theo sau. Đến đầu buôn, ama ngần ngại dừng lại. Đi đâu bây giờ, khi trong người không có gì đáng giá, biết sống làm sao. Amí kéo tay ama mà rằng cứ đi rồi tính, chứ ở lại sẽ không giữ được mạng sống. Nói rồi, ba cái bóng người rẽ vào phía núi nhằm hướng Tây mà bước.

- Thế cha của H’Linh giờ ở đâu?

Anh Minh đột nhiên hỏi. H’Linh ngước cặp mắt mọng nước nhìn anh lính biên phòng rồi cúi xuống, giọng thủ thỉ.

Đi mãi, cuối cùng họ cũng tìm được mảnh đất bằng phẳng, an toàn. Ama vào rừng đốn cây làm nhà. Được sự giúp đỡ của người dân, bộ đội biên phòng, cuộc sống gia đình dần ổn định. Cứ vậy mà 10 mùa rẫy qua đi. Một hôm, ama gọi amí và H’Linh trở dậy giữa đêm. Ama bảo đi làm ăn xa. Amí khóc lóc van xin ama đừng đi nhưng ama dứt khoát và hứa sẽ trở về. Lúc ấy, amí mới yên tâm tiễn ama xuống núi.

Nghe xong câu chuyện, Minh liền nói:

- Phải về làng cũ thôi, không thể ở đây mãi được. Mọi hủ tục nay đã xóa bỏ, có chăng chỉ là tàn dư thôi!

Minh nắm bàn tay nhỏ nhắn có những ngón thon dài của H’Linh. Cảm giác sự nồng ấm, tin cậy, H’Linh thẹn thùng, rút nhẹ tay ra. Anh lính biên phòng nhìn vào mắt H’Linh chân thành:

- Anh sẽ báo cấp trên rồi đưa hai mẹ con H’Linh đi. Nay mai thế nào cha H’Linh cũng tìm về thôi!

Lần đầu tiên khi nghe nhắc đến buôn làng cũ, H’Linh không còn sợ nữa. Trong lòng cô bắt đầu có niềm tin về sự đổi thay của làng.

4. Khi chiếc xe vừa qua khỏi con dốc để vào làng, H’Linh bỗng thấy lòng lo lắng. Amí lúc này cũng đang nhìn ra phía bên ngoài cửa xe. Trời chiều lất phất mưa. Cây cối bên đường xanh mướt. Minh nhoẻn miệng cười, trấn an:

- H’Linh yên tâm đi, mọi người mong hai mẹ con lắm đấy!

Nghe Minh nói thế, amí quay lại, tay vẫn ôm khư khư túi xách. Đến trước nhà rông, chiếc xe dừng dưới gốc cây pơ lang đang mùa nở hoa rực rỡ, tươi thắm, báo hiệu mùa mới đang về.

Cửa xe vừa mở, mọi người trong nhà rông ùa ra. Amí ngạc nhiên nhìn H’Linh, H’Linh nhìn Minh tỏ vẻ không hiểu.

Khi hai mẹ con H’Linh đứng trong vòng vây của mọi người thì chợt có một người đàn ông chen vào giữa. Là ama. H’Linh mừng rỡ cuống cuồng xô lại, ôm lấy. Cô xúc động, òa khóc.

Thì ra, ama trở về để tìm cách minh oan sau khi gặp gỡ vài người có uy tín, hiểu biết. Lẽ ra ama đón vợ con về cùng nhưng sợ chuyện cũ chưa phai, mọi người còn đố kỵ, xa lánh…

Amí đến bên ama, nước mắt ngắn dài.

Bất chợt, một tiếng chiêng dài cất lên từ nhà rông, vang vọng khắp buôn làng.

Sơn Trần

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.