Theo ông Merz, việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus sẽ tạo ra sức ép lớn hơn đối với Nga và bản kế hoạch quân sự của nước này. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp Ukraine chuyển sang thế chủ động và buộc Nga phải nhượng bộ.

Tuy nhiên, Thủ tướng đắc cử Đức cũng cho hay rằng, việc chuyển giao loại vũ khí này sẽ không do Đức thực hiện một cách độc lập mà sẽ phối hợp với các đồng minh NATO tại châu Âu-những quốc gia đã có kinh nghiệm trong việc chuyển giao vũ khí. Ngoài ra, việc chuyển giao trước tiên phải được sự phối hợp từ các đồng minh, có thể là Anh, Pháp và bao gồm cả Mỹ.
Được biết, Taurus là tên lửa hành trình không đối đất tầm xa được phát triển bởi Công ty Taurus Systems GmbH của Đức-Thụy Điển. Taurus dài 5,1 m, nặng khoảng 1.400 kg và được trang bị đầu đạn xuyên bê tông MEPHISTO song song nặng 480 kg.
Tầm bay tối đa của phiên bản Taurus cơ sở lên tới 500 km, xa hơn tên lửa Storm Shadow/SCALP mà Anh và Pháp đã cung cấp cũng như hệ thống ATACMS của Mỹ. Ở biến thể xuất khẩu tầm bay, Taurus có thể bị giảm xuống còn 300-400 km. Tuy nhiên, điều này vẫn cho phép quân đội Ukraine tấn công sâu vào phía sau chiến tuyến.
Đặc biệt, tên lửa Taurus phát triển tốc độ cận âm (khoảng 1.000 km/h) và bay ở độ cao thấp (30-70 m), khiến nó rất khó bị phát hiện.

Tuyên bố của Thủ tướng đắc cử Đức Friedrich Merz về việc sẵn sàng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine ngay sau đó đã bị Nga lên tiếng chỉ trích. Ngày 14-4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng tuyên bố của ông Merz sẽ “khiến tình hình xung quanh Ukraine leo thang hơn nữa”.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev cũng cảnh báo, việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine sẽ không thay đổi tình hình chiến trường nhưng có nguy cơ làm leo thang xung đột, vì các tên lửa sẽ được các chuyên gia Đức điều khiển. Ông cho rằng điều này có thể buộc Moscow thực hiện các biện pháp trả đũa.