Du lịch Gia Lai: Làm mới để thích ứng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gia Lai liên tục đón các đoàn famtrip gồm những doanh nghiệp lữ hành của các thành phố lớn tới khảo sát xây dựng tour kết nối, đáp ứng yêu cầu thích ứng, an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Tour mới, trải nghiệm mới
Sau chuyến khảo sát, các doanh nghiệp có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng tour mang đến trải nghiệm mới cho du khách trong hành trình đến với “Tây Nguyên đại ngàn”, trong đó, Gia Lai như một điểm nhấn giàu cảm xúc. Ông Lâm Ngọc Đường-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: “Đây là chương trình famtrip có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn của TP. Hà Nội và Đà Nẵng. Chúng tôi cố gắng giới thiệu những địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, khảo cổ học nổi bật của tỉnh. Tại các điểm đến, doanh nghiệp không chỉ được giới thiệu vẻ đẹp độc đáo, ẩm thực truyền thống mà cả những lưu ý về tuyến, điểm kết nối xung quanh để dễ hình dung khi khai thác tour, đưa khách đến. Thông qua việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, Gia Lai hy vọng kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tour, tuyến mới, đặc biệt là các tour du lịch chào hè 2022. Các doanh nghiệp làm cầu nối để đưa du khách đến Gia Lai sau khi du lịch trở lại trạng thái bình thường mới”.
Tại các điểm du lịch sinh thái nổi bật của tỉnh như: thác 50 (huyện Kbang), thác Mơ, làng chài Sê San (huyện Ia Grai), đoàn khảo sát chú trọng đánh giá mức độ an toàn cho du khách khi trekking, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, nhất là thời gian có thể lưu lại để có kế hoạch xây dựng tour phù hợp với từng đối tượng. Ở các điểm đến trung tâm và vùng ngoại vi Pleiku như: Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Biển Hồ chè-chùa cổ Bửu Minh, Biển Hồ nước, núi lửa Chư Đang Ya, Quảng trường Đại Đoàn Kết, thưởng thức ẩm thực ở các nhà hàng truyền thống… các doanh nghiệp lữ hành quan tâm tới các hoạt động trải nghiệm để kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Bên cạnh đó, mức độ an toàn phòng dịch, cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ sau thời gian ngưng đón khách cũng được các doanh nghiệp quan tâm.  
Đoàn khảo sát trải nghiệm vòng xoay an lạc tại chùa Bửu Minh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đoàn khảo sát trải nghiệm vòng xoay an lạc tại chùa Bửu Minh (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhiều năm làm cầu nối đưa khách từ Hà Nội đến Gia Lai, bà Phan Thị Thu Minh-Giám đốc Hoàng Anh travel-cho biết: “Gia Lai là điểm đến quen thuộc với tôi trong gần một thập kỷ qua. Tôi trực tiếp dẫn nhiều đoàn khách khám phá khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, quan sát sự thay đổi và xu hướng du lịch của khách để có chiến lược phù hợp. Chính vì vậy, tôi tham gia không ít chuyến khảo sát để tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới. Gia Lai sở hữu nhiều thắng cảnh tự nhiên chưa có sự can thiệp sâu của con người. Đó là yếu tố thu hút mạnh du khách Hà Nội. Sau chuyến khảo sát, chúng tôi sẽ xây dựng các tour có lộ trình phù hợp với nhiều đối tượng khách. Chúng tôi không chỉ bán tour trực tiếp cho du khách mà còn bán cho các đối tác trong cả nước. Vì vậy, không chỉ du khách Hà Nội mà cả nước đã biết đến Gia Lai nhiều hơn trong vài năm trở lại đây”.
Khảo sát du lịch thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc
Khảo sát du lịch thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc
Trong khi đó, bà Đặng Mai Liên (Công ty cổ phần du lịch Phượng Hoàng) thì cho biết: “Thác 50 là điểm đến khá mới với thị trường khách Hà Nội. Đây là một sản phẩm đặc thù cho phân khúc khách hàng trẻ. Sau chuyến khảo sát này, chúng tôi có kế hoạch cụ thể xây dựng một tour trải nghiệm du lịch xanh hiệu quả, có sự kết hợp giữa Gia Lai với cung đường Tây Nguyên qua các tỉnh Đak Lak, Kon Tum; nối rừng-biển với du lịch Quảng Nam, Bình Định...”.
Làm mới điểm đến
Sau chuyến khảo sát, các doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, tiềm năng và điểm đến Gia Lai rất phong phú, nhưng vẫn còn một số điểm cần khắc phục. “Tour trekking thác 50 đang có sức hút rất lớn, nhưng đi đôi với lượng khách đổ về lại thiếu dịch vụ vệ sinh công cộng. Nhu cầu cá nhân phải được đáp ứng tại điểm du lịch này. Do đó, địa phương cần đưa thêm một số dịch vụ như cho thuê dép nhựa để đi vào thác bởi hành trình đi bộ dài hàng chục km. Cửa hàng đặc sản địa phương cũng cần lưu ý để tạo thêm nguồn thu nhập cho người sở tại và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tâm lý du khách rất muốn mua sản vật của vùng đất họ đi qua, nhất là những nơi xa xôi và có nhiều sản vật như rừng núi Kbang”-bà Phan Thị Thu Minh đề xuất.
Theo đại diện các đơn vị lữ hành, thưởng thức ẩm thực truyền thống tại các nhà hàng xây dựng theo kiến trúc bản địa là một điểm nhấn trong hành trình khám phá cao nguyên Gia Lai. Địa phương đã và đang xây dựng được một hệ sinh thái đặc thù về lĩnh vực này với hàng loạt nhà hàng ẩm thực đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách. Tuy nhiên, món ăn truyền thống cần nghiên cứu để thực sự hợp khẩu vị số đông. “Dẫn nhiều đoàn khách vào một nhà hàng truyền thống rất lớn đối diện danh thắng Biển Hồ nhưng chưa khi nào khách thực sự hài lòng. Mặc dù nhà hàng này có kiến trúc đẹp, có ý nghĩa khám phá văn hóa bản địa thông qua ẩm thực. Nếu các món ăn truyền thống được chế biến hợp khẩu vị với du khách Hà Nội và đa dạng hơn thì nhà hàng này còn thu hút nhiều khách”-bà Minh nói.
Doanh nghiệp lữ hành Hà Nội khảo sát các điểm du lịch tại Gia Lai để kết nối đưa khách đến. Ảnh: Hoàng Ngọc
Doanh nghiệp lữ hành Hà Nội khảo sát các điểm du lịch tại Gia Lai để kết nối đưa khách đến. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, các điểm du lịch Gia Lai chưa có sự đầu tư để gia tăng giá trị điểm đến, còn dàn trải, chưa tập trung. Thác Phú Cường (huyện Chư Sê) là điểm đến rất đẹp, không quá xa thành phố nên xây dựng tour, tuyến rất thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã từng đưa khách tới đây đều cho rằng nơi này không có sự thay đổi sau nhiều năm. Địa phương cần có chính sách kêu gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm để khai thác tối đa lợi thế của một điểm đến ưu thế.
Trước những yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, khảo sát xây dựng các tour mới phù hợp, an toàn là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp vực dậy hoạt động du lịch. Các điểm khảo sát được đánh giá phù hợp với xu hướng du lịch hậu đại dịch, có thể thiết kế tour mang tính trải nghiệm nhiều loại hình đặc trưng của cao nguyên Gia Lai.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.