Đội tuyển VN phải thích nghi với xu thế chung của bóng đá thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đội tuyển Việt Nam chỉ có khoảng 3-4 ngày chuẩn bị trước các đợt trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, điều này có thể tạo thêm áp lực về thời gian cho toàn đội, nhưng về lâu về dài, đội tuyển Việt Nam nên thích nghi vì đấy là xu thế chung của thế giới. 
Về phía VFF và VPF, dĩ nhiên các tổ chức này cũng sẽ tính toán đôn các trận đấu của V-League lên sớm hơn, để giúp các tuyển thủ quốc gia có thêm thời gian tập trung cùng đội tuyển. Tin rằng cả VFF và VPF đều muốn điều đó, bởi mục tiêu cao nhất của các cơ quan vừa nêu là phục vụ đội tuyển quốc gia.
Nhưng đứng về phía đội tuyển Việt Nam, chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc tập trung cực kỳ ngắn ngày cho các trận đấu thuộc vòng loại World Cup.
Có thể việc tập trung như vậy là lạ với các đội tuyển Việt Nam, bởi trước đây, trước các kỳ SEA Games và AFF Cup, các đội tuyển thường hội quân trước mấy tháng, mới bước vào giải chính thức.
 
Đội tuyển Việt Nam phải làm quen với việc tập trung ngắn ngày trước các trận đấu quốc tế, giống cách mọi đội tuyển trên thế giới vẫn tập trung (ảnh: Huyền Trang)
Nhưng đấy là khi chúng ta tập trung đội tuyển và đá các giải nằm ngoài hệ thống thi đấu chung của FIFA, nằm ngoài lịch thi đấu thường niên do FIFA ấn định (FIFA’s Day). Còn giờ, khi muốn tiến lên một tầm vóc mới, muốn hội nhập với sự phát triển chung của bóng đá thế giới, chúng ta buộc phải làm quen với việc tập trung đội tuyển chỉ 3 – 4 ngày trước các trận đấy quốc tế, khó cách mấy cũng phải quen.
Bởi, cả thế giới bóng đá ngày nay đều quen với việc tập trung như vậy. Không chỉ có các trận đấu thuộc vòng loại World Cup, ngay đến các trận giao hữu quốc tế, các đội tuyển quốc gia trên thế giới hiện nay cũng đá theo lịch của FIFA, tức là cuối tuần kết thúc 1 vòng đấu của giải vô địch quốc gia, đến giữa tuần là đá ngay trận đấu cấp độ đội tuyển quốc gia theo “FIFA’s Day”, cũng tức là thời gian chuẩn bị cho mỗi trận đấu cấp độ đội tuyển quốc gia cũng chỉ có 3 – 4 ngày
Trong bối cảnh như thế, VFF và VPF có thể dời lịch thi đấu của V-League cho một – hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup, nhưng về lâu về dài không thể trận nào cũng đôn lịch thi đấu giải quốc nội lên đá sớm (chưa kể nếu đội tuyển Việt Nam vào đến vòng loại cuối cùng, số trận đấu của đội tuyển còn nhiều hơn), vì còn vướng lịch thi đấu của cúp châu Á, cúp quốc gia, sẽ làm “dồn toa” cả một hệ thống thi đấu trong cả năm. Mà đã gọi là “dồn toa” thì chưa chắc đã tốt!
Có thể trước đây, bóng đá Việt Nam chưa tính đến chuyện thành công ở cấp độ châu Á, chưa tính đến chuyện cạnh tranh chỗ đứng ở vòng loại World Cup, chúng ta chưa để ý nhiều đến phương thức tập trung của mọi đội tuyển quốc gia trên toàn thế giới, theo kiểu tập trung ngắn ngày, sẵn sàng cho việc gom quân, di chuyển, thi đấu quốc tế, rồi di chuyển ngược trở về chỉ trong vòng 4 – 5 ngày.
Nhưng giờ, tầm vóc của đội tuyển Việt Nam đã khác, khát vọng của chúng ta đã khác, mục tiêu của bóng đá Việt Nam cũng rất khác, nên cách thức tập trung đội tuyển của chúng ta cũng nên xuôi theo xu thế chung của bóng đá chuyên nghiệp toàn thế giới!
 
Trọng Vũ (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Toàn (bìa phải) trong hành trình đạp xe xuyên Việt. Ảnh: L.V.N

Xuyên Việt bằng xe đạp ở tuổi lục tuần

(GLO)- Với những thanh niên khỏe mạnh, việc đạp xe xuyên Việt đã là thử thách rất lớn vì đòi hỏi thể lực, sức bền cùng sự quyết tâm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1962, tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã làm được điều đó khi ở tuổi lục tuần.